Thiên đường thuế hấp dẫn nhất thế giới không còn hấp dẫn?
Đã đến lúc quần đảo Virgin "thay da đổi thịt" bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào 1 ngành duy nhất, ví dụ như có thể định vị lại là 1 điểm du lịch hấp dẫn.
- 21-09-2018Apple vừa phải trả 15,3 tỷ USD cho Ủy ban châu Âu vì lợi dụng Ireland làm thiên đường thuế
- 02-01-2018Mỹ đang trở thành thiên đường thuế mới của thế giới
- 13-05-2016"Hai người Ireland và bánh kẹp Hà Lan" - chiến thuật kinh điển sử dụng thiên đường thuế của Google, Apple
Thiên đường thuế "thuở hoang xơ"
Người có thể được coi là "cha đẻ" của hệ thống các công ty vỏ bọc là 1 luật sư tốt nghiệp ĐH Oxford năm nay đã 81 tuổi có tên là Michael Riegels. Đầu những năm 1970, ông chuyển tới BVI để trốn tránh cuộc nội chiến ở quê nhà Tanzania. Ngồi trong căn biệt thự nhìn ra biển Caribe, ông nhớ lại khi lần đầu tiên đặt chân đến BVI, ông cảm thấy như mình vừa bước lên cỗ máy thời gian. "Những người đàn ông sẽ bỏ mũ ra và nói với bạn: "Chào buổi sáng. Chúc ngài một ngày tốt đẹp", ông nói.
Khi đó những cuộc gọi từ New York rất hiếm hoi vì đường cáp biển cho phép người ở BVI thực hiện các cuộc gọi quốc tế mới chỉ được lắp đặt vài năm trước. Giữa Anh và Mỹ có 1 hiệp ước thuế có hiệu lực cả ở BVI. Nếu 1 công ty Mỹ đăng ký pháp nhân ở BVI thì theo hiệp ước này, mức thuế đánh vào cổ tức chi trả ở bên ngoài nước Mỹ sẽ giảm từ 30% xuống còn 15%, sau đó lại được BVI miễn trừ thuế nên cuối cùng thành 0%. Riegels, người lúc đó là cộng sự tại hãng luật Harneys, đã giúp Bob Marley, Cat Stevens và các nhạc sĩ khác thành lập công ty ở BVI để tránh thuế.
Michael Riegels
Đến năm 1981, Chính phủ Mỹ cho rằng hiệp ước này khiến Mỹ thiệt hại hàng trăm triệu USD tiền thuế và hủy bỏ. "Điều đó đem đến một chút thất vọng. Chúng tôi đang làm ăn tốt", Riegels nói.
Đó là khi Paul Butler, người làm việc tại công ty luật Shearman & Sterling, đề xuất BVI thay đổi luật lệ để thu hút các nhà đầu tư quốc tế. 5 luật sư, trong đó có Riegels, đã soạn thảo luật mới và với sự giúp đỡ của họ, năm 1984 chính quyền BVI thông qua Luật về các công ty quốc tế. Quần đảo Bahamas và Cayman cũng có động thái tương tự.
Chỉ trong vòng 2 năm sau đó, Riegels và các cộng sự đã đạt được thành tích thành lập 100 công ty trong 1 tháng – điều mà ông cho là ngoài sức tưởng tượng cả trong những giấc mơ điên rồ nhất ở thời điểm đó.
Phải đến thời kỳ cuối những năm 1980 BVI mới trở thành một trong những thiên đường thuế được ưa thích nhất. Riegels cho rằng sự kiện Mỹ xâm lược Panama năm 1989 đã tạo ra lợi thế cho BVI. Cùng lúc đó, các nhà đầu tư Hồng Kông, dẫn đầu bởi tỷ phú Li Ka-shing – nhà sáng lập của tập đoàn CK Hutchison, bắt đầu sử dụng các công ty ở BVI để cất giữ tài sản trước sự kiện Hồng Kông được trao trả về đại lục. Đến những năm 1990 công ty của Riegels đăng ký cho 1.000 công ty mỗi tháng, và khách Trung Quốc chiếm số đông.
Trong thập kỷ vừa qua, các vụ bê bối liên tiếp ập đến BVI. Một số quỹ thu tiền của nhà đầu tư trong hệ thống lừa đảo của Bernie Madoff được đặt ở BVI, hay một số công ty tham gia vào vụ lừa đảo 230 triệu USD của các quan chức Nga cũng đăng ký ở BVI. Trước Panama, năm 2013, ICIJ cũng đã tung ra 2,5 triệu tài liệu trong vụ Offshore Leaks và cái tên BVI xuất hiện rất nhiều lần. Từ các tay buôn vũ khí đến giới siêu giàu Mỹ hay những tỷ phú Indonesia đều có công ty ở BVI.
Tuy nhiên vụ Panama Papers để lại hậu quả nặng nề hơn cả với nhiều chính trị gia cũng vướng vào bê bối. BVI đối mặt với áp lực lớn hơn bao giờ hết, và các nhà lãnh đạo của quần đảo này buộc phải làm gì đó để vừa có thể cứu lấy ngành dịch vụ xương sống của nền kinh tế vừa đảm bảo khiến càng nhà lãnh đạo thế giới hài lòng. Tháng 6/2017, BVI ban hành luật yêu cầu các tổ chức thành lập công ty (hiện có khoảng 140) phải cập nhật thông tin về các chủ doanh nghiệp lên hệ thống dữ liệu.
Kể từ năm 2016, phần lớn các công ty đăng ký pháp nhân ở BVI đều phải có 1 người thật đứng sau với đầy đủ thông tin về số hộ chiếu, tên tuổi và địa chỉ. Những thông tin này có thể được chia sẻ với các nhà điều tra ở Anh. Tuy nhiên những lỗ hổng vẫn tồn tại.
Đã đến lúc thay đổi?
Nằm ở lưng chừng một ngọn đồi ở Road Town, bao quanh bởi những cây cọ là 1 căn biệt thự sơn màu trắng được dùng làm văn phòng của Gus Jaspert – vị Thống đốc 40 tuổi của BVI được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm năm 2017. Jaspert giống như 1 nhà ngoại giao đang bị mắc kẹt giữa nỗ lực tăng cường minh bạch của chính phủ Anh và sự phản kháng từ chính quyền BVI.
Khi nghị viện Anh bỏ phiếu về luật công bố thông tin áp dụng với các lãnh thổ ở hải ngoại, BVI vẫn đang khổ sở vì bão Irma. Mục sư John Cline của nhà thờ New Life Baptist Church, người dẫn đầu cuộc diễu hành phản đối luật này, cho rằng chính phủ Anh đang tàn phá nền kinh tế BVI khi nó yếu ớt nhất. "Ngành tài chính giống như con bò sữa mang về tiền của cho BVI, và giờ thì con bò sữa đang bị ốm", ông nói.
Khung cảnh ở BVI. Ảnh: Bloomberg.
Nhiều người cho rằng chính phủ Anh nên tự dọn dẹp hệ thống của mình trước khi áp đặt những luật lệ hà khắc hơn lên BVI. Những công ty dịch vụ ở BVI phải kiểm tra danh tính và nguồn tiền của các chủ doanh nghiệp trước khi giúp họ thành lập công ty. Còn ở Anh, bạn cũng dễ dàng lập ra 1 công ty trong chưa đầy 1 ngày, với 15 USD, bằng cách điền thông tin vào hệ thống online và chỉ vỏn vẹn 3 dòng về thông tin cá nhân.
Trong vụ bê bối rửa tiền trị giá 230 tỷ USD đã khiến Danske Bank lao đao gần đây, các nhà điều tra đã tìm thấy dòng tiền chảy từ Nga thông qua các ngân hàng Baltic sử dụng nhiều công ty đăng ký pháp nhân ở Anh. Chứ không riêng gì các công ty vỏ bọc ở BVI.
Trong khi đó, luật sư người Canada Martin Kenney đang làm việc ở BVI cho rằng những nỗ lực hiện nay chỉ khiến những tên tội phạm sử dụng các phương pháp tinh vi hơn và chuyển sang những "hố đen" khác như đảo Seychelles hay thậm chí là bang Delaware của nước Mỹ. Cuối cùng thì sẽ càng khó khăn và tốn kém hơn để tìm ra dấu vết.
Nhưng những nhà quản lý phản pháo rằng không phải vì những gã tồi có thể xuất hiện ở nơi khác mà họ phải dừng việc trấn áp ở những nơi có thể. Và thực tế là làn sóng yêu cầu tăng tính minh bạch trên toàn cầu quá mạnh mẽ và không thể ngăn cản. Một số người ở BVI cho rằng cách duy nhất để tồn tại là phải thích nghi với sự thay đổi.
Colin Riegels, người con trai 47 tuổi hiện đang tiếp nối sự nghiệp của Michael, khẳng định yêu cầu công khai thông tin là không thể tránh khỏi. Anh cũng nhận thấy mô hình kiếm tiền bằng cách thu phí các công ty đang trở nên không bền vững. Kể từ năm 2014 đến nay số lượng các công ty đăng ký ở BVI đã giảm 16%.
Và cũng đã đến lúc BVI "thay da đổi thịt" bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào 1 ngành duy nhất, ví dụ như có thể định vị lại là 1 điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng điều đó không thể diễn ra trong một sớm một chiều và chí ít là trong ngắn hạn thì tương lai của quần đảo này có vẻ khá mù mịt.