Thiên kim tiểu thư của gia tộc Hoa kiều giàu có nhất Đông Nam Á: Sống cuộc đời thần kỳ vạn người mê nhưng kết cục cô độc đáng suy ngẫm
Hoàng Huệ Lan – người được mệnh danh là người phụ nữ tài hoa xinh đẹp nhất thời Dân Quốc. Bà đã sống như một viên ngọc cao quý đầy kiêu hãnh.
- 09-07-2021Thiên kim tiểu thư của tập đoàn Lenovo được mệnh danh là "Nữ cường số 1 Trung Quốc": Đường đến thành công không trải thảm đỏ, trừ chuyện sống chết, tất cả đều không đáng ngại!
- 16-03-2021Muốn làm con rể giới siêu giàu? Hoặc là làm học việc, hoặc trở thành vệ sĩ nhà, không chừng được thiên kim tiểu thư để mắt!
- 25-11-2020Con trai "ông trùm" BĐS Sài Gòn kết hôn với thiên kim tiểu thư danh giá đang gây sốt MXH là ai?
Bằng cả quãng đời 100 năm (1893 – 1993), bà đã chứng kiến được sự thay đổi của thời đại, từng bước lên "vũ đài" quốc tế cao quý, từng tiếp xúc với bậc lãnh đạo hàng đầu của các nước và để rồi ra đi trong sự mãn nguyện cô độc ở cuối đời.
Thiên kim tiểu thư lớn lên trong ngọc ngà châu báu
Ông của Hoàng Huệ Lan là Hoàng Chí Tín (1835 – 1907) từng tham gia khởi nghĩa phản Thanh phục Minh nhưng thất bại. Sau đó, ông bỏ trốn đến đảo Java của Indonesia sinh sống. Vốn có đầu óc kinh doanh linh hoạt, ông đã gây dựng nên đế chế kinh doanh vô cùng phát đạt.
Ông kiếm được nguồn lợi khổng lồ từ giao dịch vận chuyển đường mía và thuốc lá từ đảo Java sang Trung Quốc và đưa lá trà, tơ lụa và hương liệu của Trung Quốc sang Indonesia. Đến cuối thế kỷ 19, Hoàng Chí Tín trở thành thương nhân Hoa kiều giàu có nổi tiếng nhất Nam Dương.
Cha của Hoàng Huệ Lan là Hoàng Trọng Hàm (1866 – 1924) đã kế thừa và đưa gia nghiệp cha ông phát triển lớn mạnh hơn. Ông xây dựng 5 nhà máy đường cỡ lớn, sở hữu hơn 666 triệu mét vuông đất trồng mía và được người ta gọi là "Vua đường Indonesia".
Gia tộc Hoàng thị trở thành gia tộc Hoa kiều giàu có nhất Đông Nam Á, từng chiếm vị trí thứ 14 phú hộ giàu có nhất thế giới.
Mẹ của Hoàng Huệ Lan là Ngụy Minh Nương - Đệ nhất mỹ nữ của xứ Java thời bấy giờ và là người vợ duy nhất được Hoàng Trọng Hàm cưới hỏi đàng hoàng. Bà có hai người con gái là Tông Lan và Huệ Lan. Ngoài ra, Hoàng Trọng Hàm còn có 18 bà vợ lẻ và hơn 40 đứa con khác.
Mặc dù con cái đông đúc, nhưng Hoàng Trọng Hàm thương yêu Hoàng Huệ Lan nhất. Cách ông thể hiện tình yêu thương với Hoàng Huệ Lan cũng khá đơn giản, chính là cho cô cuộc sống giàu sàng phú quý từ nhỏ cho đến lúc thành gia lập thất.
Cuộc sống của gia tộc Hoàng thị vô cùng xa xỉ. Nhà ở như cung điện hoàng gia chính hiệu, rộng hơn 133.000 mét vuông. Trong nhà có 2 khu nhà bếp lớp và hơn 40 người giúp việc.
Hoàng Huệ Lan chưa đến 3 tuổi đã được mẹ tặng dây chuyền kim cương nặng đến 80 carat làm quà sinh nhật. Mọi việc như ăn uống, mặc đồ,… đều có kẻ hầu người hạ. Đến tuổi đi học, bà không hề bước chân vào nhà trường mà đã có giáo viên được mời đến dạy tại nhà.
Với tư chất thông minh, sau khi lớn lên, bà đã thông thạo 6 loại ngôn ngữ. Từ nhỏ, bà được du lịch khắp nơi trên thế giới, tiếp xúc nhiều nên văn hóa khác nhau. Đây cũng là một cơ sở để bà tiến sâu vào con đường xã hội sau này.
Vì Hoàng Trọng Hàm có thói lăng nhăng nên đã gây nên sự phản cảm cho bà Ngụy Minh Nương. Năm 1918, mẹ của Hoàng Huệ Lan đã dẫn con gái đến định cư ở nước Anh và mãi mãi không trở về Indonesia.
Năm 1920, Hoàng Huệ Lan lần đầu gặp Cố Duy Quân trong Hội nghị Hòa bình ở Paris (Pháp). Khi đó, Cố Duy Quân là một nhà ngoại giao nổi tiếng của Trung Quốc. Lần gặp mặt bất ngờ ấy nào ngờ đã trở thành cơ hội để hai người kết duyên sau này.
Cố Duy Quân được mệnh danh là nhà ngoại giao bậc nhất thời Dân Quốc. Lúc bấy giờ, Cố Duy Quân đã 32 tuổi, xuất hiện trước công chúng với lối ăn mặc giản dị, không biết lái xe, không biết cưỡi ngựa và cũng không biết khiêu vũ. Ông đã trải qua 2 cuộc hôn nhân chóng vánh và có 2 con nhỏ.
Chồng của Hoàng Huệ Lan - Cố Duy Quân.
Sự lịch thiệp cùng tài ba của Cố Duy Quân đã hấp dẫn trái tim của Hoàng Huệ Lan. Dưới sự ủng hộ của mẹ và chị gái, Hoàng Huệ Lan đã chính thức kết hôn với Cố Duy Quân vào tháng 11/1920 chỉ sau vài tháng tìm hiểu.
Phu nhân đại sứ ngoại giao
Cố Duy Quân công việc bề bộn. Đến đây, với trách nhiệm là một phu nhân đại sứ, Hoàng Huệ Lan bắt đầu dấn thân vào vai trò quan trọng của mình.
Đám cưới của hai người được diễn ra vô cùng long trọng và xa hoa tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Bỉ với đa số khách mời là những quan chức "tai to mặt lớn". Thế là, Hoàng Huệ Lan đã chuyển mình từ một tiểu thư của gia tộc giàu có trở thành phu nhân đại sứ cấp cao – Cố phu nhân.
Với tầm nhìn thời trang sang trọng, thông thạo nhiều ngôn ngữ (Anh, Pháp, Hà Lan,…) và am hiểu lối sống phương Tây từ nhỏ, Hoàng Huệ Lan đã tham dự rất nhiều bữa tiệc hoàng gia cao cấp. Trong đó, bà đã từng tham gia bữa tiệc tại cung điện Buckingham (Anh) và từng sánh vai với Nữ hoàng Marry và Nữ hoàng Elizabeth với phong thái và "gu" ăn mặc vô cùng thời thượng.
Giai đoạn đó, Hoàng Huệ Lan là một trong số ít người phụ nữ đến từ phương Đông (cụ thể là người Trung Quốc) được giới châu Âu thừa nhận cả năng lực và gu thẩm mỹ. Theo đó, bà đã đưa văn hóa Trung Quốc sang phương Tây để cùng hội nhập.
Bà rất thích mặc sườn xám phối với những phụ kiện hiện đại khác. Sự kết hợp giữa truyền thống Trung Quốc và hiện đại phương Tây trong phong cách ăn mặc đã trở thành thương hiệu đặc trưng của Hoàng Huệ Lan.
Hoàng Huệ Lan và Nữ hoàng Elizabeth.
Hoàng Huệ Lan và Nữ hoàng Mary.
Hoàng Huệ Lan đồng hành cùng chồng là Cố Duy Quân ở những buổi tiệc ngoại giao lớn nhỏ. Từ đó, danh tiếng vang xa, bà còn được giới châu Âu mệnh danh là "Viên ngọc mỹ lệ của Viễn Đông".
Bên cạnh đó, Hoàng Huệ Lan còn là biểu tượng thời trang tạo nên những trào lưu để các chị em phụ nữ Trung Quốc học hỏi theo. Bà còn được tạp chí nổi tiếng Vogue của Mỹ bình chọn là mỹ nhân Trung Quốc ăn mặc đẹp nhất của niên đại 1920-1940.
Hoàng Huệ Lan có sở thích sưu tập đồ trang sức ngọc bích. Bà thường đeo một chiếc vòng cổ ngọc lục bảo và hai đôi dây chuyền bằng ngọc bích. Bà đeo nó ngay cả trong bức chân dung được danh họa Federico Beltran vẽ tặng.
Bức tranh của danh họa Federico Beltran vẽ tặng cho bà Hoàng Huệ Lan.
Bộ sườn xám mà bà từng mặc được may vào năm 1923 với chất liệu xanh hồ, thêu rồng đã được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolian ở New York vào năm 1976. Đến năm 2019, bộ sườn xám được chuyển về trưng bày ở triển lãm Cố Cung.
Không có bữa tiệc nào không tàn
Hoàng Huệ Lan và Cố Duy Quân đã có với nhau 2 người con. Cùng với 2 con riêng của Cố Duy Quân, cả gia đình chung sống khá hòa thuận. Thế nhưng càng ở bên nhau thì sự bất đồng mới từ từ hiện ra. Hoàng Huệ Lan và Cố Duy Quân nhận ra hai người khác nhau hoàn toàn ở tư tưởng và phong cách sống.
Hoàng Huệ Lan được sinh ra trong gia tộc giàu có. Nếu so về gia thế, điều kiện gia đình của Cố Duy Quân thật sự thua xa vợ mình ở nhiều cấp bậc. Hơn nữa, trong thời gian du học ở Mỹ, Cố Duy Quân từng có giai đoạn cảm nhận sâu sắc với cái nghèo của người học sinh xa xứ.
Vì thế, ông rất có thành kiến với thói sống xa hoa và chi tiền như nước của bà Huệ Lan. Sâu xa hơn, sự tài phú của Hoàng Huệ Lan đã làm tổn thương đến sự tự tôn của một người đàn ông như Cố Duy Quân.
Hoàng Huệ Lan và Cố Duy Quân đã từng tranh cãi rất to trong việc lựa chọn giữa mua siêu xe và mua xe "secondhand". Một lần trở về Thượng Hải, anh trai của Cố Duy Quân đã thuê hai vợ chồng một căn hộ khá sang trọng.
Nhưng bà Hoàng lại không hề hài lòng vì bà không thể ở nổi trong căn hộ không có nước tự động và giường nằm quá cứng. Thế là bà đã dẫn con ra ngoài để thuê một phòng VIP khách sạn bậc nhất Thượng Hải.
Sau khi Cố Duy Quân đảm nhận vị trí đại sứ nước Pháp, ông có nhiệm vụ phải trang hoàng lại đại sứ quán. Lúc này, ông đã nhờ bà Huệ Lan chịu trách nhiệm mua những vật dụng nội thất trang trí.
Sau vài tháng bỏ ra nhiều tâm huyết, Hoàng Huệ Lan đã biến đại sứ quán trở thành một nơi sang trọng kết hợp văn hóa Trung – Pháp. Thế nhưng bà đã bị đả kích đau đớn khi nhận lại lời chê bai của chồng mình: "Em lãng phí 100.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng) để biến chỗ nơi này thành một nơi không ra gì, không đáng để người khác thích thú".
Sự bất đồng trong tiêu chuẩn cách sống đã khiến cho hai vợ chồng càng lúc càng xa nhau hơn. Đến năm 1959, Hoàng Huệ Lan và Cố Duy Quân chính thức ly hôn. Cố Duy Quân đã kết hôn với người phụ nữ khác cùng năm đó.
Niềm đam mê với thế giới ngoại giao hoàng gia chính trị của Hoàng Huệ Lan cũng mai một dần cùng với cuộc hôn nhân đổ vỡ. Trong tự truyện, bà Huệ Lan đã từng viết về Cố Duy Quân: "Ông ấy là một người đáng kính. Trung Quốc cần ông ta, nhưng không phải là người chồng mà tôi cần".
Những năm về sau, Hoàng Huệ Lan trở về sống trong một căn chung cư nhỏ ở New York. Bà vẫn sống trong điều kiện đủ đầy và chưa từng phải lo lắng về vấn đề tiền bạc. Song, bà đã học cách sống chừng mực hơn và bắt đầu tìm kiếm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Hoàng Huệ Lan từng chia sẻ trong nước mắt: "Lúc trước, tôi cứ sống trong giàu có và sự che chở của người khác, nhưng tôi luôn cảm thấy cô độc. Sau khi ly hôn và cho đến hiện tại, tôi không còn giàu có như trước, sống một mình và làm bạn với một chú chó, nhưng tôi không hề thấy cô đơn, vì tôi đã biết cách làm bạn với chính mình".
Tháng 12/1993, Hoàng Huệ Lan nhắm mắt qua đời trong ngày sinh nhật tuổi 100. Cuộc đời của người phụ nữ tài ba chính thức khép lại từ đây.
(Nguồn: 163)
Pháp luật và bạn đọc