Thiệt hại 6 tỷ đồng, đóng cửa 2 cơ sở và cắt giảm 50% quỹ lương, trung tâm tiếng Anh này lập tức chuyển đổi thành trường học trực tuyến được kiểm định từ Mỹ
Khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài, IvyPrep đã buộc phải cho nhân viên nghỉ làm luân phiên và 50% giáo viên nước ngoài đã buộc phải về nước do không đủ tiền sinh hoạt tối thiểu ở Việt Nam, chủ động đóng cửa hai cơ sở tại Times City và Văn Quán để giảm bớt gánh nặng chi phí quá lớn.
- 01-04-2020Giáo dục trực tuyến: Từ tâm dịch Covid-19 nhìn về thị trường 3 tỉ USD
- 26-03-2020Nhu cầu học trực tuyến mùa dịch tăng cao, CEO ELSA Văn Vũ tặng luôn 3 tháng miễn phí học tiếng Anh tại nhà cho người dân cả nước
- 11-03-2020MobiFone cung cấp miễn phí giải pháp học trực tuyến cho các trường học trên toàn quốc
17h50 phút chiều thứ 5 ngày 26/3/2020, học sinh NĐT ngồi vào bàn học tại nhà, đăng nhập vào ứng dụng họp trực tuyến Zoom, đeo tai nghe và bật webcam để chuẩn bị học trực tuyến với giáo viên của mình, cô giáo Nguyễn Gia Phương Anh tại trung tâm IvyPrep cơ sở Center Point, 27 Lê Văn Lương, Hà Nội.
Nữ sinh 14 tuổi này đang theo học lớp IELTS 6.0 tại IvyPrep, nơi em bắt đầu học từ năm 2015, và sẽ tiếp tục học cho đến khi đạt đủ số điểm SAT/IELTS cần thiết để xin học bổng du học Mỹ vào cấp 3 hoặc bậc đại học.
Nội dung buổi học có chủ đề "Lab Listening Exam Practice" và ứng dụng Zoom cho phép giáo viên Phương Anh dễ dàng tương tác với hơn 10 học sinh của mình ngồi học tại nhà chỉ nhờ những chiếc laptop kết nối Internet có cài đặt ứng dụng đang gây "sốt" toàn thế giới này.
Thiệt hại 6 tỷ đồng, 50% giáo viên nước ngoài về nước và tiền thuê mặt bằng một cơ sở gần 200 triệu đồng/tháng
"NĐT học khá tốt phần kiểm tra kỹ năng nghe hôm nay, con hoàn thành đúng giờ với tổng số điểm 41/50. Con nên thực hành nhiều hơn về phần bài tập gẵn nhãn bản đồ (Map Labelling) và con sẽ cải thiện được điểm số kỹ năng nghe nói riêng cũng như tổng điểm nói chung. Tiếp tục cố gắng NĐT nhé!". Ngay sau buổi học, cô giáo Nguyễn Gia Phương Anh gửi phần đánh giá cũng như bài tập về nhà vào email cá nhân của các phụ huynh, giúp họ theo sát quá trình học tập của con cái mình trên nền tảng do IvyPrep tự xây dựng.
Với 2 buổi học mỗi tuần, mỗi buổi kéo dài 2 giờ đồng hồ, học viên NĐT và các bạn cùng lớp của em tích lũy được lượng kiến thức lớn cũng như giao tiếp với giáo viên hoàn toàn bằng tiếng Anh, giúp các em tiến dần tới cái đích "du học học bổng Mỹ" theo lộ trình IvyPrep đã vạch ra từ đầu.
Trung tâm này cho biết họ chia giáo viên bản ngữ nói tiếng Anh và giáo viên Việt Nam đạt tiêu chuẩn theo tỷ lệ 50/50 để dạy học viên phù hợp với thế mạnh của mỗi giáo viên, trong đó giáo viên Việt Nam dạy kỹ năng "Reading" và tập trung nhiều hơn vào Ngữ pháp, trong khi giáo viên nước ngoài lại mạnh về các kỹ năng "Writing" và "Speaking".
Tuy vậy, việc học qua Zoom không phải không có những hạn chế. NĐT cho hay, em hay gặp phải lỗi khi tải phần mềm, gặp khó khăn trong việc học nhóm do khó giao tiếp với các bạn cùng nhóm hơn nhìn thấy nhau trực tiếp và một vài buổi học thiếu đi sự hào hứng, lôi cuốn khi cả lớp có phần im ắng.
Hệ thống Anh ngữ IvyPrep Education hiện có khoảng 2.000 học sinh theo học tại 11 cơ sở (6 tại Hà Nội và 5 tại TP. HCM). Dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nặng nề đến IvyPrep khi toàn bộ học sinh đã nghỉ học để đề phòng dịch bệnh khiến hệ thống này không có nguồn thu, trong khi vẫn phải trả các chi phí vận hành như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên và giáo viên... Tổng số nhân viên của IvyPrep tại Hà Nội khoảng 170 người, trong đó có 60 giáo viên cả Việt Nam và nước ngoài.
Theo Ban lãnh đạo IvyPrep, họ phải cho toàn bộ nhân viên giảm 20% giờ làm và tương ứng là 20% lương. Giáo viên "full time" thì chỉ nhận theo lương giảng dạy chứ không nhận lương "package" (bao gồm cả giờ văn phòng), không có lớp để xếp giờ cho giáo viên dạng "part-time".
Các lớp cho giáo viên "full time" cũng không có nhiều nên các giáo viên chỉ nhận được khoản lương tối thiểu. Giáo viên bản địa có gia đình hỗ trợ còn cố xoay xở được, nhưng khoảng 30 giáo viên nước ngoài của IvyPrep (chiếm 50% tổng số giáo viên) gần như không thể đủ chi phí sinh hoạt nên hầu hết đã phải về nước. Quỹ lương của IvyPrep cũng buộc phải cắt giảm 50% tuy nhiên vẫn là "gánh nặng khủng khiếp" vì nguồn thu gần như không có.
"Khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài, IvyPrep đã buộc phải cho nhân viên nghỉ làm luân phiên và hơn 50% giáo viên nước ngoài đã buộc phải về nước do không đủ tiền sinh hoạt tối thiểu ở Việt Nam. Thậm chí, khi phải tạm ngừng hoạt động đến hết tháng 3/2020, chúng tôi đã phải chủ động đóng cửa hai cơ sở tại Times City và Văn Quán để giảm bớt gánh nặng chi phí quá lớn", bà Trần Hải Hà, Giám đốc IvyPrep Education miền Bắc, cho biết.
Theo bà Hà, chi phí thuê mặt bằng tại riêng cơ sở chính tại tòa nhà Center Point 27 Lê Văn Lương, Hà Nội đã lên đến gần 200 triệu đồng một tháng. Khi không còn nguồn thu từ học phí, toàn bộ gánh nặng lương giáo viên, tiền thuê mặt bằng cùng tiền điện, nước, Internet sẽ gây áp lực rất lớn lên trung tâm. Việc đóng cửa hai cơ sở nói trên giúp IvyPrep cắt giảm được toàn bộ chi phí mặt bằng, tiền điện, nước, Internet và các chi phí vận hành khác.
Giám đốc IvyPrep Education miền Bắc tiết lộ với Trí Thức Trẻ: "Về mặt tài chính chúng tôi đã thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng từ khi xảy ra dịch bệnh".
Chuyển đổi thành trường học trực tuyến và lực đẩy chương trình phổ thông Mỹ trực tuyến
Theo TS Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tổ hợp giáo dục EQuest Group – tập đoàn mẹ của IvyPrep Education – để thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh còn kéo dài, IvyPrep đã nhanh chóng ứng phó bằng cách thay đổi mô hình dạy học từ "offline" sang "online". Thực tế thì trong 1 năm qua, IvyPrep đã đi trước bằng chiến lược số hóa các bài giảng Cú "sốc" do dịch bệnh đã chứng minh hướng đi sớm của IvyPrep trong nỗ lực chuyển sang học online là đúng đắn.
Bà Hà chia sẻ: "Giáo viên cũng phải biết ứng dụng công nghệ nhiều hơn và có những kĩ năng dạy khác với truyền thống. Điều này đòi hỏi giáo viên phải năng động và cập nhật với công nghệ hơn. Khoảng 20% số lượng giáo viên cũ không thích ứng được của trung tâm đã bị đào thải."
Theo TS Nguyễn Quốc Toàn, may mắn là IvyPrep cũng như các đơn vị giáo dục khác trong EQuest Group luôn định hướng phải đưa ứng dụng công nghệ vào giáo dục, số hóa các bài giảng nên việc thay đổi để thích nghi trong giai đoạn này diễn ra khá nhanh và kịp thời.
"Với các nền tảng học online sẵn có cũng như các chương trình bản quyền học trực tuyến được kiểm định từ Mỹ, IvyPrep đã chính thức chuyển đổi mô hình thành một trường học trực tuyến kiểu Mỹ", ông Toàn khẳng định.
Nhận định học sinh chưa thể sớm quay lại trường học nên việc tạo môi trường học tập online để học sinh duy trì nề nếp học tập là cần thiết, trung tâm này đã giới thiệu chương trình phổ thông Mỹ trực tuyến vào ngày 17/3/2020. Chỉ 10 ngày sau khi công bố đã có hơn 300 học sinh đăng ký học chủ động ở nhà, trung tâm đưa ra định hướng và trợ giúp khi học sinh cần hỗ trợ về kỹ thuật. IvyPrep đặt mục tiêu đến hết tháng 3 này sẽ đạt mốc 500 học sinh đăng ký. Nhiều phụ huynh cho biết chương trình ra đời đúng thời điểm khi học sinh có kỳ nghỉ kéo dài do dịch bệnh và cần có một chương trình học bài bản.
Bà Hà cho biết: "Chúng tôi tin rằng các chương trình học trực tuyến tại Mỹ vốn đã được phát triển từ khá lâu nên sẽ phù hợp với phần đông học sinh khi học tại nhà. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một cộng đồng tự học có định hướng bởi một chương trình chuẩn quốc tế cũng như được hướng dẫn bởi các cố vấn học tập có kinh nghiệm".
Trả lời câu hỏi của Trí Thức Trẻ về việc học sinh Việt Nam quay lại trường học khi hết dịch liệu có ảnh hưởng đến hiệu quả của việc học tập trực tuyến, bà Hà khẳng định môi trường và cộng đồng tự học này không "giẫm chân" lên việc học ở nhà trường, trái lại vẫn giúp ích các em trong việc nâng cao kĩ năng tự học, tự nghiên cứu và nâng cao năng lực tiếng Anh và các môn học khác.
Theo nhận định của TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân (nguyên Hiệu trưởng Đại học FPT), đây là một xu thế mà các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã triển khai. Ưu điểm của mô hình học trực tuyến là nó tạo cho học sinh cơ hội được học tập một cách chủ động, tăng cường đáng kể năng lực tự nghiên cứu – phẩm chất không thể thiếu của các công dân thế kỷ 21. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào việc học trực tuyến cũng giúp giảm thiểu chi phí và công sức của giáo viên.
"Điểm tích cực nhất mà tôi nhìn thấy đằng sau các tác động bất khả kháng của dịch bệnh là nó khiến chúng tôi buộc phải chuyển đổi mô hình dạy và học sang hướng online quyết liệt hơn", bà Trần Hải Hà khẳng định.