Thiệt hại do Formosa xả thải: Bồi thường, hỗ trợ thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản cho biết, Bộ NN&PTNT vừa có hướng dẫn cụ thể việc thống kê, xác định thiệt hại, đối tượng bồi thường, hỗ trợ. Bộ cũng trình Thủ tướng chính sách dài hơi, giúp ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do vụ xả thải của Formosa khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
- 02-07-2016Hà Tĩnh giám sát Formosa xả thải thế nào?
- 18-05-2016Bắt đầu giám sát Formosa xả thải qua quan trắc tự động
- 30-04-2016Bộ trưởng Trần Hồng Hà buộc Formosa đưa ống xả thải lên
Ai được bồi trường, hỗ trợ?
Thưa ông, Formosa đã chuyển 250 triệu USD bồi thường thiệt hại vụ xả thải môi trường. Đến nay, việc xác định những đối tượng bị thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ triển khai đến đâu, vì bà con đang rất mong chờ?
Bộ NN&PTNT đã xây dựng hướng dẫn, thống kê, xác định thiệt hại, để bồi thường cho người dân vùng ảnh hưởng do sự cố môi trường, gửi cho 4 địa phương là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Theo đó, đối tượng được xác định bồi thường trực tiếp là các chủ tàu và người lao động trực tiếp trên tàu thuyền có công suất dưới 90 CV; ngư dân làm nghề khai thác thủ công, đơn giản như câu, lặn, nghề cào, lưới rùng, mò… sống phụ thuộc vào biển. Cùng đó, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản trên các lồng bè, đầm phá, ao, bãi ngang có thủy sản bị chết; diêm dân phải ngừng sản xuất cho sự cố môi trường.
Ngoài ra, tùy tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch UBND của 4 tỉnh trên có để xác định, bổ sung đối tượng khác cũng bị thiệt hại trực tiếp do sự cố. Còn đối với những đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố trên được hỗ trợ là những tổ chức, cá nhân làm nghề du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ nghề cá và một số đối tượng khác.
Làm thế nào để kê khai rõ ràng, minh bạch để bồi thường, hỗ trợ đúng đối tượng, tránh kê khai khống?
“Việc thống kê tổng sản lượng hải sản khai thác, nuôi trồng và sản lượng muối thiệt hại ở các địa phương (từ thôn, xã, huyện đến tỉnh) không vượt quá sản lượng so với cùng kỳ năm 2015. Tránh tình trạng mỗi nơi kê một kiểu, đến khi tập hợp lại vượt quá so với thực tế”.
Ông Nguyễn Ngọc Oai
Đây là việc quan trọng, Chính phủ cũng chỉ đạo phải xác định đúng đối tượng, xác thực, công khai, minh bạch, công bằng và đồng bộ. Chúng tôi yêu cầu việc kê khai, thống kê đánh giá thiệt hại phải có sự tham gia của cả người dân, chính quyền địa phương và tuân theo các biểu mẫu do Bộ NN&PTNT đưa ra. Hoạt động trên phải sát với phạm vi, mức độ ảnh hưởng; thực hiện theo trình tự từ thôn xóm lên cấp xã, huyện, tỉnh trên cơ sở lập tổ, hội đồng đánh giá, có sự phối hợp giữa chính quyền và đoàn thể, thậm chí cả chức sắc tôn giáo.
Việc tính đơn giá phải đúng biểu giá do cấp thẩm quyền địa phương công bố. Tổng sản lượng hải sản khai thác, nuôi trồng và sản lượng muối thiệt hại ở các địa phương (từ thôn, xã, huyện đến tỉnh) không vượt quá sản lượng so với cùng kỳ năm 2015. Tránh tình trạng mỗi nơi kê một kiểu, đến khi tập hợp lại vượt quá so với thực tế.
Trên cơ sở địa phương báo cáo, chúng tôi sẽ tổng hợp, lấy ý kiến cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Bộ Tài chính quản lý nguồn tiền và hướng dẫn giám sát việc chi trả bồi thường thiệt hại.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản.
Hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ
Đến nay đã có những chính sách gì giúp bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề do Formosa xả thải khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống thưa ông?
Sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh bắc miền Trung, Chính phủ ban hành Quyết định 772 để hỗ trợ khẩn cấp. Theo đó, hỗ trợ khẩn cấp 15 kg gạo/người/tháng (trong 1,5 tháng); hỗ trợ 5 triệu đồng/tàu thuyền đánh bắt 20 hải lý trở vào; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ hải sản. Tuy nhiên, việc điều tra nguyên nhân cá chết cần có thời gian, nên Bộ đã trình Chính phủ, tiếp tục hỗ trợ gạo cho người dân 6 tháng, đồng thời bổ sung đối tượng hỗ trợ là diêm dân; kéo dài hỗ trợ thời gian mua tạm trữ hải sản, từ 1 tháng lên 2 tháng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một chính sách dài hơi để hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Theo đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ người dân vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ ngoài 20 hải lý (khoảng 30-40 hải lý), giúp ngư dân duy trì nghề vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển; cũng là vừa giúp giảm áp lực cho nguồn lợi hải sản ven bờ đang bị hủy hoại, cần được tái sinh.
Xây dựng chính sách ngư dân chuyển đổi nghề, có việc làm mới. Trong đó ưu tiên cho ngư dân, con em ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng sự cố đến tuổi trưởng thành được đi xuất khẩu lao động và một số chính sách khác. Hiện chính sách này đang trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ông có thể cho biết, vùng biển ven bờ 4 tỉnh trên đã an toàn chưa?
Ở 4 tỉnh nói trên có 12.000/16.000 tàu cá công suất dưới 20 CV, số tàu cá xa bờ chưa đến 10%, nên chủ yếu đánh bắt vùng ven bờ. Do vậy, khi sự cố môi trường xảy ra, đã khiến người dân làm nghề khai thác vô cùng khó khăn.
Đến nay, việc khó nhất chính là đánh giá thiệt hại và khôi phục về môi trường ở 4 tỉnh miền Trung. Việc này Chính phủ giao cho Bộ TN&MT chủ trì. Chúng tôi đang chờ đánh giá đó của Bộ TN&MT về môi trường an toàn cho khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch, sinh hoạt… một cách khoa học. Từ đó, Bộ NN&PTNT sẽ đưa các giải pháp tiếp theo để khôi phục, phát triển sản xuất cho bà con, nhất là cho vùng nuôi lồng bè ven biển.
Cảm ơn ông.
Tiền phong