"Thiếu 2 nền tảng quan trọng của Chính phủ điện tử nên cơ quan nào cũng phải xây dựng nhà ống, nhà kho"
Cơ sở dữ liệu và giải pháp chia sẻ dữ liệu là hai nền tảng quan trọng để xây dựng Chính phủ điện tử. Đại diện Văn phòng Chính phủ thừa nhận, việc không chú trọng hai nền tảng trên đã khiến các cơ quan đều phải tự thiết lập cơ sở dữ liệu cho riêng mình. Điều này dẫn đến những lãng phí trong đầu tư.
- 12-07-2018Lãnh đạo Chính phủ sẽ đối thoại tại Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp
- 08-07-2018Vì sao cần ban hành Nghị quyết mới về phát triển Chính phủ điện tử?
- 30-06-2018Thủ tướng Chính phủ sẽ làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử
Mỗi năm chỉ tiến được hơn 1 bậc
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ - VPCP) cho rằng, việc thiếu những thế chế căn bản đang góp phần tạo nên lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử.
"Thiếu thể chế về xác thực, định danh điện tử,… nên mọi người hô hào làm Chính phủ điện tử nhưng công việc xác thực, định danh vẫn phải bằng giấy. Chính vì vậy, không ai nói chuyện với nhau được, không ai bảo đảm tính xác thực, pháp lý. Đầu tư như vậy là lãng phí. Có hai nền tảng rất quan trọng là nền tảng dữ liệu dùng chung và chia sẻ dữ liệu thì chưa làm được. Cho nên dữ liệu không kết nối, không chia sẻ được. Và rồi cơ quan nào cũng như nhau, chỉ xây nhà ống, nhà kho" – ông Phan phát biểu tại phát biểu tại hội thảo "Xu hướng lớn của CMCN 4.0: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam", ngày 13/7.
Theo số liệu thống kể được gửi lên VPCP , Cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân của Việt Nam mới chỉ cấp được hơn 8 triệu mã số định danh và hơn 1 triệu mã cho trẻ em mới sinh. Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu như vậy được đánh giá là "rất chậm" vì chương trình đã bắt đầu từ năm 2013.
Chỉ số xây dựng Chính phủ điện tử xếp hạng 89 trên thế giới (năm 2016). Đáng chú ý, Việt Nam mất tới 12 năm để cải thiện được 23 bậc. Trung bình giai đoạn 2004 – 2016, Việt Nam cải thiện được chưa tới 2 bậc trên bảng xếp hạng.
"Bàn về mức độ trưởng thành của Chính phủ điện tử, chúng ta mới đang ở những bước đi đầu tiên, nên còn nhiều giai đoạn cần thực hiện. Hy vọng với thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc về Chính phủ điện tự. Bình thường mỗi năm đi hơn 1 bậc, phấn đấu cố gắng để mỗi năm nhảy 10 bậc. Từ nay đến năm 2020 phải nhảy 20 bậc, và đến năm 2025 nhảy được 20 bậc nữa thì hạnh phúc" – đại diện VPCP kỳ vọng.
Sẽ học tập mô hình "Chính phủ không giấy tờ" của Estonia
Cách đây 1 tháng, Lào đã trở thành nước thứ ba trên thế giới xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0. Theo ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Lina Network (đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ để triển khai "Định danh điện tử" của Lào), doanh nghiệp và người dân sẽ được cung cấp dịch vụ công tốt hơn, khi Chính phủ ứng dụng công nghệ 4.0 như Blockchain.
99% dịch vụ công hoạt động 24/7, nhận giấy phép kinh doanh sau 18 phút, khai báo và nộp thuế trong 3 phút,… là hiện thực đang diễn ra tại Estonia, nước đang đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động của Chính phủ. Quốc gia này kỳ vọng, đến năm 2002, 100% hoạt động báo cáo và nộp thuế điện tử có thể được thực hiện trong thời gian dưới 3 phút. Các dữ liệu đều được chuẩn hóa, minh bạch, bất biến, an toàn, liên kết và có thể sử dụng ở mọi nơi.
Ông Vũ Trường Ca, ảnh: Tiến Tuấn
"Tuy nhiên, Chính phủ cần ban hành khung hành lang pháp lý để ứng dụng công nghệ và đạt được kết quả như vậy. Blockchain đang nhiều người biết đến thông qua đồng tiền Bitcoin – thứ chưa được công nhận tại Việt Nam. Nhưng thực tế, đây là một trong những công nghệ cốt lõi trong thời đại CMCN 4.0, và đã được ứng dụng trong lĩnh vực y tế giáo dục, công nghiệp" – ông Vũ Trường Ca đề nghị.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0. Tại một số nước, doanh nghiệp tư nhân đã tự liên kết với các trường đại học để chuẩn bị lực lượng nhân sự phù hợp.
Ông David S.Aikman, Trưởng Đại diện tại Trung Quốc, Thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, nguồn nhân lực đóng vai trò rất lớn, quyết định sự thành công của chính sách trong cuộc CMCN 4.0. Nếu có nhân sự đáp ứng được yêu cầu, công nghệ có thể xóa nhòa khoảng cách và giúp người dân ở những vùng khó khăn tiếp cận được dịch vụ công.
Ông Ngô Hải Phan, ảnh: Tiến Tuấn
Đại diện Văn phòng Chính phủ khẳng định, nguồn nhân lực đang là vấn đề được quan tâm khi xây dựng Chính phủ điện tử. Việc đào tạo thêm cho công chức đã được tính tới. Thậm chí, có thể sẽ phải bồi dưỡng kiến thức cho người dân để biết cách sử dụng công nghệ trong tương tác với chính quyền, sử dụng dịch vụ công.
"Sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ thực hiện đề án "Chính phủ không giấy tờ". Kinh nghiệm của Estonia là các bộ trưởng sẽ phải là người dùng đầu tiên. Khi các bộ trưởng dùng, Vụ trưởng, Cục trưởng sẽ dùng. Làm tốt rồi sẽ đưa xuống địa phương cho các tỉnh, sở ngành dùng,… và như vậy tạo nên sự lan tỏa" – ông Ngô Hải Phan cho biết.
Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Vì vậy, các chương trình sẽ thân thiện, đơn giản để người dân dễ dàng sử dụng.