Thiếu container rỗng, xuất khẩu quý I/2021 của Đắk Lắk giảm 20%
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, các hãng tàu thiếu container rỗng để giao cho nhà xuất khẩu đóng hàng, quý I năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk chỉ thực hiện 95 triệu USD, đạt 14,6% kế hoạch năm và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
- 22-04-2021VSEA phát tuyên bố ủng hộ 'giữ nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất'
- 22-04-2021Thủ tục nhận trợ cấp, lương hưu của cán bộ xã năm 2021
- 22-04-2021Toàn bộ công trình TBA 220kV Mường Tè hơn 436 tỷ đồng chính thức hoàn thành
- 22-04-2021Báo Anh: Việt Nam ngày càng được các doanh nghiệp Âu - Mỹ quan tâm
Là một trong những doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn do không thể xuất khẩu, ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho biết, hiện nay, nhiều đơn hàng đến kỳ phải giao cho đối tác nhưng phải chờ đến lượt được hãng tàu xếp chuyến. Thiếu container cũng đẩy giá cước vận chuyển hàng tăng lên rất nhiều. Cụ thể, giá các tuyến đi Mỹ, đi Châu Âu tăng gấp 3 lần so với trước, cước vận tải đi các nước thuộc khu vực Đông Nam Á cũng tăng lên 25-40%.
“Khi thiếu container rỗng, việc vận chuyển càng khó khăn thì sẽ dẫn đến một loạt phát sinh. Thứ nhất là thời gian lưu kho bến bãi tăng lên, thứ hai nữa là thời gian lưu tàu lâu hơn, thời gian thuê công lâu hơn, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng lên. Cho nên năm nay, doanh nghiệp chắc chắn lợi nhuận sẽ giảm nhiều và có thể phải bù lỗ”, ông Nguyễn Xuân Lợi nói.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho biết, quý I năm nay, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty là hồ tiêu và cà phê đều giảm đến 60% so với năm ngoái. Doanh nghiệp phải từ chối nhiều đơn hàng đến từ đối tác Châu Âu vì không thể tìm được tàu chuyên chở. Thậm chí, những hợp đồng đã ký từ lâu thì hiện vẫn trong tình trạng hàng nằm ngoài cảng chờ đến lượt lên tàu.
“Từ cuối năm 2020 đầu năm 2021 và cho tới nay, lượng container rỗng không có tại các nước Châu Á nên cước tàu đi từ các nước Châu Á đi qua thị trường Mỹ hoặc Châu Âu tăng ít là 4 lần, nhiều là 6 lần. Hàng có sẵn, người mua cũng cần hàng, nhưng mà khi kiểm tra cước tàu thì hai bên đều đồng ý là xuất chậm lại, chứ không là lỗ quá, chịu không được, có những đơn hàng họ delay từ quý I sang đến quý III”, ông Lê Đức Huy cho biết.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở CôngThương tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương này hiện có 21 doanh nghiệp xuất khẩu. Trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ thực hiện 95 triệu USD, đạt 14,6% kế hoạch năm và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Do xuất khẩu đường biển gặp khó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin thương mại điện tử cho doanh nghiệp. Đồng thời, làm việc với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tiếp cận được các tham tán thương mại nước ngoài cũng như các đầu mối tổ chức kinh tế nhập khẩu để cùng nhau tìm hướng đi thích hợp.
“Chúng tôi cũng đã làm việc với tất các các Sở Công Thương dọc theo biên giới phía Bắc, trên cơ sở đó, họ sẽ cung cấp thông tin, tình hình biên mậu kịp thời để chủ động được nguồn hàng trong này. Mặt khác, hiện nay chúng tôi cũng đã liên hệ được một số doanh nghiệp ở các cửa khẩu để họ sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp Đắk Lắk thuê kho, mượn kho, hỗ trợ bốc vác nếu tình trạng ách tắc trong quá trình giao hàng tại cửa khẩu xảy ra”, ông Huỳnh Ngọc Dương cho biết thêm.
VOV.VN