Thiếu hơn 1,9 triệu tỷ đồng, TP.HCM kêu gọi xã hội hóa để phát triển đô thị
Cần đến 2,1 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng đô thị trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 9%, TP.HCM đã phát đi nhiều lời kêu gọi xã hội hóa để tìm kiếm chủ đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 7 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội của TP giai đoạn 2016 - 2020 đã có tới 4 chương trình liên quan đến công tác xây dựng gương mặt đô thị văn minh.
Cụ thể: Giảm ùn tắc giao thông - giảm tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chỉnh trang - phát triển đô thị. Tổng nguồn vốn cần có để thực hiện "đại kế hoạch" này lên đến 2,1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 9% (tương đương 189 nghìn tỷ đồng).
Thiếu đến hơn 1,9 triệu tỷ đồng, TP.HCM hiện vẫn đang phải "gồng mình" với hạ tầng cũ kỹ, chật chội.
Từ bài học kinh nghiệm của các đô thị lớn tại Châu Á, TP.HCM đã liên tục phát đi lời kêu gọi xã hội hóa để đầu tư thêm cho hạ tầng TP, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về điều chỉnh quy hoạch đô thị trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn.
TP.HCM cần đến 2,1 triệu tỷ đồng để xây dựng, phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Công ty bất động sản Nam Long, nhiều chính sách, thủ tục của TP còn có khoảng cách lớn so với thực tiễn, chưa thông thoáng khiến các nhà đầu tư ngần ngại.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, quy hoạch đô thị hiện nay chủ yếu mới là mong muốn của cơ quan nhà nước, chưa phải là cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư. Trong quá trình thực hiện, chính quyền chưa xử lý hết các phiền hà, giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân. Ông Tuyến cho biết, chính quyền TP.HCM vẫn đang rà soát nhiều vấn đề trước khi điều chỉnh quy hoạch.
"Tôi nghĩ quy hoạch mới sau lần điều chỉnh này sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Tất nhiên sẽ kèm theo cả các cải cách về chính sách và thủ tục hành chính", ông Tuyến cho biết.
Góp ý về định hướng điều chỉnh quy hoạch của TP.HCM, ông Michel Fanni, Giám đốc Phát triển và Cải tiến đô thị của Marne La Vallee (Pháp) cho rằng, để xử lý hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông thì không chỉ nghĩ tới giải pháp cho di chuyển mà hãy nghĩ tới "giao thông tĩnh".
Cụ thể, quy hoạch có thể phân chia đô thị thành nhiều khu chức năng riêng biệt, lúc đó nhu cầu di chuyển của các phương tiện giao thông cũng sẽ giảm đi. Tương tự, với thách thức về ngập úng, trước tiên TP.HCM phải chọn cách đương đầu hoặc tìm kiếm vùng đất khác để xây mới tất cả.
Trước đó, theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010, đô thị TP.HCM sẽ có dân số khoảng 10 triệu người vào năm 2025. Tuy nhiên cho tới năm 2018, dân số TP.HCM đã lên đến khoảng 13 triệu người.
Tăng dân số đã kéo theo vấn nạn tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nhiều khu dân cư tự phát nhếch nhác, thiếu thốn nguồn cung nhà ở, không gian sinh hoạt văn hóa, giải trí phù hợp…
Ngoài ra, kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia cập nhật năm 2016 cho thấy, nếu nước biển dâng 5 cm và TP.HCM không có biện pháp ứng phó thích hợp thì gần 18% diện tích có thể sẽ nằm trong vùng ngập úng.
Cùng với điều kiện tự nhiên không thuận lợi do biến đổi khí hậu và hiện tượng sụt lún ở một số khu vực có nền đất yếu, hệ thống hạ tầng TP.HCM cũng đang ngày càng trở nên quá tải.