Thiếu pháp lý để EVN làm điện gió ngoài khơi
Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII; trong đó nêu rõ vấn đề pháp lý cho cả điện gió ngoài khơi và điện mặt trời tập trung vẫn chưa rõ ràng.
- 01-09-2023Đầu tư điện gió ngoài khơi: Vẫn vướng và chưa hấp dẫn
- 31-08-2023Nhà đầu tư duy nhất tại Việt Nam được cấp phép triển khai các hoạt động phát triển dự án điện gió ngoài khơi
- 30-08-2023Bộ Công Thương xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió
Theo Bộ Công Thương, việc xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp trong nước triển khai dự án điện gió ngoài khơi thí điểm gặp nhiều khó khăn. Đó là hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng (chưa phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển); pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.
Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định chưa có cơ sở pháp lý để giao cho EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi đã đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư để quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.
Trước mắt, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi có đủ cơ sở pháp lý để các cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư.
Cũng tại dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, đối với điện mặt trời tập trung hiện cũng chưa xác định được danh mục dự án.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Công Thương có nhiều văn bản báo cáo về các nguồn điện mặt trời tập trung đã phê duyệt quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư.
Cụ thể, có 23 dự án hoặc phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.330,26 MW đã phê duyệt quy hoạch và đang trong quá trình đầu tư ở các mức độ khác nhau.
Trong đó, 5 dự án hoặc phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 343,22 MW đã đóng điện theo cơ chế chuyển tiếp, 1 dự án điện mặt trời với công suất 78,9 MW đã hoàn thành thi công, 7 dự án với tổng công suất 321,7 MW đã triển khai ở bước chuẩn bị thi công/thi công, 10 dự án còn lại với tổng công suất 1.586,4 MW đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ cụ thể trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo an ninh, cân đối các nguồn, phụ tải, phù hợp hạ tầng lưới điện, hiệu quả về kinh tế, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; trong đó, điện mặt trời mái nhà ước tính tăng thêm 2.600 MW, điện mặt trời tập trung tăng thêm là 1.500 MW.
Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản lấy ý kiến của các địa phương về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII và đề nghị rà soát các dự án điện (bao gồm các dự án điện mặt trời tập trung) theo 9 tiêu chí để làm cơ sở thực hiện rà soát, đánh giá mức độ đáp ứng của các dự án, nhất là các dự án điện mặt trời tập trung nói trên.
Tuy nhiên, đến ngày 12/10/2023, chỉ có 9/11 địa phương có dự án điện mặt trời tập trung đã giao chủ đầu tư phản hồi bằng văn bản, các thông tin đánh giá đối với các dự án chưa đầy đủ. Do vậy, Bộ Công thương cho rằng chưa đủ cơ sở để xem xét tiến độ cụ thể trong dự thảo kế hoạch này.
Trước đó, ngày 28/4/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận số 1027/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề cập tới việc bổ sung các dự án điện mặt trời là không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng kế hoạch thực hiện dự thảo Quy hoạch Điện VIII chưa xác định được danh mục dự án điện mặt trời tập trung. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh có dự án tiếp tục rà soát theo các yêu cầu đã nêu tại Quyết định số 500/QĐ-TTg.
Báo tin tức