Thịt, trứng trong nước dư thừa, Việt Nam vẫn ồ ạt nhập thực phẩm ngoại
Việc một lượng lớn các loại thịt gia cầm ngoại ồ ạt nhập về Việt Nam đang khiến người chăn nuôi không thể cạnh tranh. Người chăn nuôi rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ.
- 05-12-2022Việt Nam chi gần 200 triệu USD nhập khẩu thịt heo
- 18-12-2021Sắp giảm mạnh thuế nhập khẩu thịt heo từ Mỹ, người chăn nuôi lo yếu thế và tổn thương bởi hậu phương
- 17-12-2021Trung Quốc sẽ tăng thuế nhập khẩu thịt lợn trong năm 2022
Ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) - cho rằng, lượng gia cầm chăn nuôi trong nước hiện nay là rất lớn. Trong quý 1, đàn gia cầm ước khoảng hơn 551 triệu con, sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563.200 tấn, trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.
Điều đáng nói, trong khi sản lượng thịt, trứng gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của 100 triệu dân trong nước và dư thừa để xuất khẩu, Việt Nam lại cho phép nhập một khối lượng lớn gia cầm sống về giết mổ và lượng lớn thịt gia cầm đông lạnh, chưa kể lượng nhập lậu.
Thống kê cho thấy, năm 2022, lượng gà sống nhập khẩu vào Việt Nam dùng để giết mổ là 6.603 tấn thịt, tăng 100,8% và lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ đạt gần 25.000 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021.
Trong 3 tháng đầu năm, số lượng gà sống (dùng làm thịt) nhập về Việt Nam đạt 1.120 tấn và lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ nhập về đạt 47.817 tấn.
"Hiện giá thành chăn nuôi gia cầm khoảng 29.000-30.000 đồng/kg nhưng giá bán trung bình chỉ đạt 25.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Việc một lượng thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam đang đe dọa nghiêm trọng ngành chăn nuôi trong nước, đẩy người chăn nuôi càng thua lỗ nặng nề hơn”, ông Sơn chia sẻ.
Đáng chú ý, theo ông Sơn hiện có tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu lòng mề, nội tạng động vật và cả da gà từ Hàn Quốc về Việt Nam. Thậm chí còn có dấu hiệu nhập khẩu gà thải loại của Thái Lan qua ngả Campuchia và Lào về Việt Nam, sản phẩm có chất cấm.
"Nếu không kiểm soát tình trạng này, chăn nuôi trong nước sẽ vô cùng bất ổn. Bộ Công Thương cần khẩn trương phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc nhập lậu động vật và sản phẩm từ động vật qua biên giới”, ông Sơn nói.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp chăn nuôi phản ánh đang đứng trước rất nhiều khó khăn khi giá các sản phẩm biến động nhiều khiến tâm lý của người chăn nuôi chán nản. Chỉ trong vài năm qua, thị trường chăn nuôi biến động mạnh khiến cả nước từ hơn 4 triệu hộ chăn nuôi hiện chỉ còn hơn 2 triệu hộ.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - đề xuất Bộ NN&PTNT cân nhắc xây dựng đề án trồng lúa phục vụ thức ăn chăn nuôi để giảm áp lực về giá thức ăn tăng cao.
Ông Tuấn cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đề xuất các đơn vị xem xét đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và có chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp nội và người chăn nuôi trong nước đủ sức cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp FDI.
Trước tình trạng áp lực đầu ra sản phẩm chăn nuôi trong nước, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt trứng gia cầm chế biến, con giống ngoài thị trường Nhật Bản . Trước mắt, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán ký kết một số Hiệp định thú y với các nước, vùng lãnh thổ có nhu cầu nhập khẩu nhập khẩu sản phẩm gia cầm của nước ta như Singapore, Malaysia, Bangladesh, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tiền phong