'Thợ đóng giày' trở thành tỷ phú nhờ 'cái bắt tay' định mệnh với Warren Buffett: Khoản đầu tư 1.000 USD biến thành 3,5 tỷ USD nhờ lựa chọn sáng suốt
Đây không phải lần duy nhất Warren Buffett giúp biến một người bình thường thành triệu phú, thậm chí là tỷ phú.
Kể từ khi Warren Buffett đưa Berkshire Hathaway từ một doanh nghiệp may mặc đang gặp khó khăn thành một tập đoàn đầu tư khổng lồ, ông đã giúp nhiều người trở thành triệu phú và thậm chí là tỷ phú.
Buffett đôi khi đóng vai trò là nhân vật giúp một số người trở nên giàu có hơn nhờ sự tài đầu tư của mình. Đây cũng là những gì diễn ra ở câu chuyện của Harold Alfond, người đàn ông thoát nghèo và trở thành tỷ phú, nhờ sự quyết tâm, không ngại thay đổi và chấp nhận rủi ro.
Dù trong tay không có nhiều tiền như Alfond lại cực kỳ quyết tâm làm giàu. Ông đầu tư 1.000 USD vào một nhà máy sản xuất giày bị bỏ hoang và khoản tiền này đã biến thành 3,5 tỷ USD.
Alfond sinh năm 1914 trong một gia đình nhập cư Nga - Do Thái, thuộc tầng lớp lao động ở Swampscott, Massachusetts. Cuộc Đại suy thoái đã khiến cả tuổi thơ của ông chìm trong sự nghèo khổ. Ông buộc phải đi làm khi mới 14 tuổi ở một nhà máy giày để giúp đỡ gia đình.
Alfond nhanh chóng học và tìm hiểu sâu về nghề sản xuất giày. Cuối cùng, ông được thăng chức trở thành giám đốc nhà máy này.
Năm 1939, Alfond tình cờ gặp một người nhờ đi quá giang trên đường. Người này nói với ông về việc muốn bán một xưởng đóng giày bỏ hoang. Vì không có đủ số tiền 1.000 USD (tương đương khoảng 17.000 USD hiện tại), ông đã nhờ sự hỗ trợ từ bố để mua lại nhà máy. Quyết định này đánh dấu sự khởi đầu của Norrwock Shoe Co.
Năm 1944, Alfond bán lại Norrwock Shoe cho Shoe Corporation of America với giá 1,1 triệu USD. Công ty này rất trọng dụng tài năng của ông nên đã giữ ông lại làm chủ tịch trong suốt 25 năm.
12 năm sau, Margaret Chase Smith, một cựu thống đốc, đã đề nghị giúp Alfond tạo thêm việc làm ở Dexter, Maine. Năm 1958, ông mua lại một nhà máy len bị bỏ hoang ở Dexter với 10.000 USD và bắt đầu công việc mới ở công ty có tên Dexter Shoe Co.
Alfond là một người cực kỳ thông minh trong việc kinh doanh. Ông nảy ra ý tưởng mở các cửa hàng bán hàng lỗi cho khách hàng mà không cần qua trung gian. Đây là một khái niệm hoàn toàn mới và giúp ông gặt hái được thành công không ngờ.
Ngoài ra, ông cũng tìm cách tái sử dụng hàng tồn kho cũ và mở các cửa hàng chuyên bán hàng tồn kho (outlet). Những ý tưởng này mang lại hiệu quả kinh doanh rất tốt và giúp Alfond xây dựng một doanh nghiệp lớn với lợi nhuận cao. Đến năm 1990, Dexter Shoe Co. đã có hơn 80 cửa hàng outlet, doanh thu đạt 250 triệu USD/năm và tạo việc làm cho hàng nghìn người.
Năm 1993 là thời điểm mà Buffett xuất hiện. Vị tỷ phú đã mua lại Dexter Sho với giá 443 triệu USD. Chọn mua cổ phiếu Berkshire Hathaway thay vì tiền mặt, quyết định này của Alfond đã giúp tài sản của ông tăng “phi mã”.
Vào thời điểm ông qua đời năm 2007, số cổ phần 1,6% của Alfond có trị giá 3,5 tỷ USD. Theo Forbes, tài sản của gia đình Alfond là 4,8 tỷ USD vào năm 2015 và là một trong những gia đình giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, câu chuyện của Alfond không chỉ dừng lại ở việc làm giàu. Dù Dexter đối mặt với nhiều khó khăn, như sự cạnh tranh của các quốc gia khác dẫn đến việc doanh nghiệp này lụi tàn, song những gì Alfond để lại là cực kỳ đáng ngưỡng mộ. Quỹ Harold Alfond của ông đã quyên góp hơn 100 triệu USD cho hoạt động từ thiện từ năm 1950 đến 2003, trong các lĩnh vực từ thể thao đến y tế và giáo dục.
Quỹ của Alfond cũng hỗ trợ nhiều đối tượng khác nhau, như trao học bổng cho sinh viên ở Maine, xây dựng trường hoc và bệnh viện mới, phát triển các trung tâm điều trị ung thư, tài trợ cho nghiên cứu về bệnh Alzheimer và thúc đẩy phát triển nghệ thuật, văn hoá ở Maine.
Năm 2007, Trung tâm Chăm sóc bệnh nhân ung tư Harold Alfond được thành lập từ khoản quyên góp trị giá 7 triệu USD. Ngoài ra, Quỹ Harold Alfond cũng trao học bổng đại học trị giá 500 USD cho mọi trẻ em mới ra đời ở Maine.
Tham khảo BZ
Nhịp sống thị trường