Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết trấn an thị trường tài chính sau vụ đảo chính
5 tháng đầu năm nay, đã có 15,8 tỷ USD được rót vào Thổ Nhĩ Kỳ, nếu dòng tiền trên đảo ngược, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu nhiều tác động xấu...
- 17-07-20164 cuộc đảo chính trong quá khứ và nguyên nhân khiến đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ "chết yểu"
- 16-07-2016Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng thế nào với thị trường năng lượng thế giới?
- 16-07-2016Hỏi đáp từ A đến Z về vụ đảo chính gây chấn động ở Thổ Nhĩ Kỳ
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang rất nỗ lực để bình ổn tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính trước khi thị trường này mở cửa giao dịch ngày thứ Hai, theo Bloomberg cập nhật.
Sau vụ đảo chính bất thành, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng so với đồng USD. Dù xuất khẩu sẽ có thể chịu tác động tiêu cực phần nào nhưng đầu tư sẽ thêm khó khăn.
Trong ngày Chủ nhật, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cung cấp thanh khoản không giới hạn cho các ngân hàng thương mại. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nhà đầu tư “không có gì phải lo lắng”.
Theo đại diện Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động trung chuyển năng lượng tại các hệ thống đường ống và tuyến vận chuyển đường biển vẫn đang diễn ra bình thường và sẽ được đảm bảo điều kiện vận hành tốt nhất.
5 tháng đầu năm nay, đã có 15,8 tỷ USD được rót vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó đầu tư trực tiếp đạt 2,3 tỷ USD, thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền còn lại được cho là dòng tiền đầu cơ vào cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư vào các ngân hàng và công ty.
Nay khi bất ổn xảy ra, nếu dòng tiền trên thực sự đảo ngược, chắc chắn thị trường tài chính và môi trường đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu rất nhiều tác động tiêu cực, đó là nhận định được đưa ra bởi giám đốc điều hành quỹ CrossBorder Capital, ông Michael Howell.
Những bất ổn chính trị và các vụ đánh bom thời gian gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến lượng khách quốc tế đến nước này giảm mạnh. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy số lượng khách nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 4/2016 giảm 28%, giảm mạnh nhất trong 17 năm. Sang đến tháng 5/2016, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo doanh thu của Thổ Nhĩ Kỳ từ ngành du lịch sẽ giảm 8 tỷ USD, tương đương khoảng 25% trong năm nay.
Đêm ngày thứ Sáu tuần trước, sân bay quốc tế Atatuck của Istanbul phải đóng cửa. 35 chuyến bay buộc phải chuyển hướng còn 32 chuyến bay khác bị hủy, theo thông báo từ ông Ilker Ayci, Chủ tịch hãng hàng không Turkish Airlines.
Đến sáng ngày thứ Bảy, hoạt động tại sân bay đã được khôi phục trở lại khi thông tin cho thấy các cuộc đảo chính đã bị chính phủ đương nhiệm kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không vẫn tiếp tục hủy chuyến bay. Cùng lúc đó, nhiều du khách đang nghỉ tại nước này cũng đã lập tức chuyển lịch về sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Dù khủng hoảng chính trị có thể coi như đã qua đi, nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi điều gì sẽ tiếp tục xảy đến trong tương lai khi mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn chưa đưa ra được chính sách thực sự đột phá.
Từ khi Tổng thống Tayyip Erdogan lên lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2009, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng trung bình chỉ 2,6%/năm trong khi 6 năm trước đó, mức tăng trưởng trung bình đạt đến 6%. GDP bình quân đầu người tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng ở mức 10.000 USD/người suốt từ năm 2008.