MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 có ý nghĩa gì đối với TTCK?

15-12-2019 - 13:07 PM | Tài chính quốc tế

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định đây là 1 bước tiến quan trọng đối với cả 2 nước, mặc dù cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề lớn chưa được giải quyết và cần được tháo gỡ trong các cuộc đàm phán tiếp theo.

Đêm qua theo giờ Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên có rất ít thông tin chi tiết được công bố.

Trong cuộc họp báo được tổ chức sau đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã mang đến 1 bản in dài 86 trang như một "bằng chứng" chứng minh rằng thỏa thuận đã hoàn tất. Ông khẳng định đây là 1 bước tiến quan trọng đối với cả 2 nước, mặc dù cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề lớn chưa được giải quyết và cần được tháo gỡ trong các cuộc đàm phán tiếp theo.

Bloomberg liệt kê lại một số điểm đáng chú ý về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.

Thuế quan

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giảm một nửa mức thuế 15% đang áp dụng với khoảng 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Vòng đánh thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12 – mà sẽ bao phủ tất cả các mặt hàng tiêu dùng được ưa chuộng như smartphone và laptop – sẽ được trì hoãn. Như vậy sau thỏa thuận thì 250 tỷ USD hàng Trung Quốc vẫn bị áp thuế 25% và 120 tỷ USD sẽ bị áp thuế 7,5%.

Về phía Trung Quốc, thuế quan sẽ không thay đổi. Thay vào đó nghĩa vụ của Trung Quốc là tăng mua nông sản Mỹ. Thực tế là trong mấy tháng gần đây Trung Quốc đã giảm một số loại thuế trả đũa, trong đó có thuế đánh vào xe hơi nhập khẩu từ Mỹ.

Mua hàng hóa của nhau

Theo phía Mỹ công bố, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thêm ít nhất là 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong 2 năm tới. Trong đó lượng nông sản nhập khẩu sẽ tăng thêm 40 – 50 tỷ USD mỗi năm trong 2 năm tới. Lighthizer nói với các phóng viên rằng "đây là những con số rất thực tế". Chi tiết về từng mặt hàng sẽ được quyết định trong thời gian sắp tới nhưng không được công bố rộng rãi.

Về các tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ

Thỏa thuận sẽ tập trung vào các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ mà theo 1 quan chức cấp cao gọi là "tiên tiến nhất" và cả những điều khoản đột phá về hành động ép buộc chuyển giao công nghệ. Những vấn đề này chính là trọng tâm của cuộc điều tra đã dẫn đến quyết định tăng thuế của ông Trump.

Một trong những cam kết quan trọng được USTR công bố hôm qua là Trung Quốc đã đồng ý chấm dứt việc ép buộc hoặc gây sức ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc như 1 điều kiện để có thể bước vào thị trường, được phê duyệt các thủ tục hành chính hay nhận được ưu đãi từ chính phủ. Trung Quốc cũng hứa sẽ cung cấp các thủ tục hành chính minh bạch, công bằng, thuận theo thị trường.

Giải quyết tranh chấp

Thỏa thuận sẽ có cơ chế giải quyết tranh chấp quy định các khiếu nại từ mỗi bên sẽ được nộp lên 1 ủy ban và nếu như ủy ban này không giải quyết được thì quyết định sẽ được đưa ra từ cấp bộ trưởng. Giải pháp phạt bên không tuân thủ thỏa thuận sẽ là áp thuế hoặc các biện pháp khác, nhưng Lighthizer lạc quan rằng Trung Quốc sẽ giữ đúng lời hứa của mình.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các nhà làm luật hiện đang rà soát lại các điều khoản của thỏa thuận để hai bên có thể chính thức đặt bút ký trong tuần đầu tiên của tháng 1. Thỏa thuận cũng đang được dịch và có lẽ Lighthizer cùng với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ ký vào thỏa thuận, dự kiến buổi lễ diễn ra tại Washington. Sau lễ ký kết thì thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 30 ngày.

Hôm qua Tổng thống Trump cũng thông báo quá trình đàm phán cho giai đoạn 2 sẽ được bắt đầu ngay lập tức, mặc dù Lighthizer cho biết hai bên chưa thống nhất về ngày cụ thể. Trong giai đoạn 1 vẫn tồn đọng nhiều vấn đề lớn, ví dụ như phía Mỹ yêu cầu Trung Quốc giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Mỹ cũng cho biết các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ tập trung vào thương mại số, địa điểm đặt các trung tâm dữ liệu, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và an ninh mạng.

Tác động đến thị trường

Mặc dù những thông tin chi tiết chưa được công bố, thỏa thuận này vẫn là 1 tin rất tốt đối với TTCK vì sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của giới doanh nghiệp, sau đó là tăng đầu tư và tăng lợi nhuận. 

Tuy nhiên, một số chiến lược gia nhận định những vấn đề tồn đọng sẽ dễ dàng khiến thị trường dậy sóng, ví dụ như những khác biệt trong quan điểm của hai bên về an ninh quốc gia và nhân quyền. 

Những chiến lược gia tham gia khảo sát của CNBC dự đoán S&P 500 sẽ chỉ tăng chưa đến 5% trong năm 2020, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ sớm tăng lên. 

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Trở lên trên