MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn, cổ phần hóa khó về đích

Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 34 doanh nghiệp nhà nước hoàn tất công tác thoái vốn, cổ phần hóa

Mười doanh nghiệp (DN) còn lại đều có quy mô lớn hoạt động đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt.

Vinamilk chốt xong lịch

Theo kế hoạch, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) buộc phải hoàn thành thoái vốn vào cuối năm nay nhưng hiện tại mới chỉ có Vinamilk công bố kế hoạch cụ thể triển khai bán 3,33% vốn điều lệ do Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC, cho biết các công việc liên quan đến quy trình bán vốn lần 2 tại Vinamilk đã hoàn tất. Sẽ có 3 phiên giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk (roadshow) được tổ chức tại các trung tâm tài chính quốc tế là Singapore, Hồng Kông và TP HCM. Trong đó, các cuộc roadshow tại Singapore đã thu hút 24 nhà đầu tư (NĐT), tại Hồng Kông có 11 NĐT quan tâm và đăng ký tham dự. Hầu hết đều là những NĐT mới và thuộc các quỹ đầu tư tài chính lớn như Blackrock, Wellington Mana, JP Morgan Assets Management, Allianz Global Investors... Trong đó, ngày 18-10, SCIC đã phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) tổ chức roadshow tại TP HCM với sự tham dự của Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Thị Kiều Liên.


SCIC dự kiến chào bán cạnh tranh 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk, tương ứng 48.333.400 cổ phần. Trong ảnh: Trụ sở của Vinamilk tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

SCIC dự kiến chào bán cạnh tranh 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk, tương ứng 48.333.400 cổ phần. Trong ảnh: Trụ sở của Vinamilk tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Về lộ trình bán cổ phần, SCIC sẽ công bố thông tin về Quy chế bán cổ phần chậm nhất vào ngày 21-10, công bố giá khởi điểm, nhận đăng ký và đặt cọc của nhà đầu tư từ ngày 1-11. Buổi chào bán cạnh tranh dự kiến tổ chức tại HoSE ngày 10-11.

"Theo đánh giá của chúng tôi, trong số các DN lớn có kế hoạch thoái vốn vào quý IV thì Vinamilk là DN chốt xong lịch sớm nhất và chọn thời điểm đấu giá khá thuận lợi. Hy vọng đợt chào bán công khai 3,3% cổ phần đợt này sẽ đạt kết quả tốt" - ông Nguyễn Đức Chi nói.

Thúc đẩy bằng cách nào?

Trái với Vinamilk, hiện nay thông tin thoái vốn ở Sabeco và Habeco vẫn chưa được công bố. Để thúc đẩy tiến độ, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bảo đảm hoàn thành tiến độ bán vốn tại 2 DN này để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trước ngày 1-12-2017. Trường hợp đến ngày 30-9, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco thì phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để bảo đảm tiến độ thoái vốn nhanh hơn, do SCIC là tổ chức chuyên trách về thoái vốn. Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), đến nay vẫn chưa thấy Bộ Công Thương trình kế hoạch bán vốn tại 2 DN này.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết có 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DN nhà nước, gồm hoàn tất thể chế, tổ chức thực hiện và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, về mặt thể chế đã sẵn sàng do những rào cản và vướng mắc thì đã được tháo gỡ bằng Nghị quyết 84 về CPH trong các DN trong lĩnh vực dầu khí quy mô vốn tới 20.000 tỉ đồng…, Thủ tướng cũng giao Tổ Công tác của Chính phủ cũng như tổ công tác của Bộ Tài chính sẽ đi kiểm tra đôn đốc thực hiện.

Về tổ chức thực hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam quy mô nhỏ, nếu nguồn cung lớn ra cùng một thời điểm thì cầu khó đáp ứng được nên cần hướng tới các dòng vốn đầu tư nước ngoài như các dòng vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Còn vấn đề công tác tuyên truyền, phải công bố công khai về tiến độ triển khai CPH và thường xuyên cập nhật trên website Chính phủ và Bộ Tài chính để có thể có cơ sở kiểm tra, đôn đốc.

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư ngoại

Rút kinh nghiệm từ lần bán vốn Vinamilk đầu tiên, SCIC đã đề xuất Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xử lý tất cả vướng mắc liên quan đến NĐT nước ngoài. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý cho SCIC được nhận đặt cọc từ NĐT nước ngoài bằng ngoại tệ để tránh rủi ro tỉ giá; Bộ Tài chính đồng ý cho NĐT nước ngoài được phép cho nợ xin cấp thủ tục mã giao dịch chứng khoán. Dự kiến trước thời điểm tiến hành đấu giá, SCIC mới công bố giá khởi điểm nhằm bảo đảm mức giá đưa ra sát với giá thị trường.

Theo Tô Hà

Người lao động

Trở lên trên