MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoát áp lực tỷ giá, căng thẳng thanh khoản tăng

04-12-2022 - 08:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Sự giảm nhiệt của đồng USD đã tạo động lực phục hồi cho đồng Nhân dân tệ và giảm áp lực tỷ giá của Việt Nam, nhưng bài toán về thanh khoản đang trở lên căng thẳng cần sớm được giải quyết.

Giá USD quay đầu

Chỉ số Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng USD đã liên tục giảm trong tháng qua, với tổng mức giảm lên gần 5,6%. Riêng trong phiên giao dịch ngày 1/12, chỉ số này giảm gần 1,2%, còn hơn 104,7 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 6/2021, DXY giảm xuống dưới mức bình quân 200 ngày.

Thoát áp lực tỷ giá, căng thẳng thanh khoản tăng - Ảnh 1.

Trong cuộc họp ngày 30/11 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã phát đi tín hiệu về việc giảm tốc độ tăng lãi suất có thể diễn ra ngay từ cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo

Có thể thấy, đồng USD thường tăng giá tốt so với các đồng tiền chủ chốt khác khi lãi suất ở Mỹ tăng nhanh hơn so với ở các quốc gia khác và khi triển vọng kinh tế Mỹ sáng hơn so với ở các nền kinh tế khác. Trong cuộc họp ngày 30/11 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã phát đi tín hiệu về việc giảm tốc độ tăng lãi suất có thể diễn ra ngay từ cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed vào ngày 14/12. Điều này đã thúc đẩy sự phục hồi của Nhân dân tệ khi đồng tiền này đã đạt mức cao nhất trong hai tuần so với đồng đô la Mỹ vào ngày 1/12.

Nhiều nhận định đưa ra là, vòng tăng giá hiện tại của đồng đô la Mỹ đã "đạt đỉnh" với khả năng tăng giá tiếp theo sẽ hạn chế, điều này có thể mang đến tâm lý tích cực cho thị trường tài chính Trung Quốc trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ suy yếu và dòng tiền chảy ra kỷ lục từ các tài sản của quốc gia này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chu kỳ tăng giá của đồng USD đã kết thúc và nó sẽ vẫn mạnh trong một khoảng thời gian trước khi đi vào chu kỳ giảm thực sự.

Đến nay Fed đã công bố đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp vào tháng 11, nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và tiếp tục nới rộng khoảng cách chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một bài báo trên Financial News cho biết, Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2023 do có những hạn chế khi mở rộng tài khóa, điều này có thể khiến Fed tạm dừng tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023, thậm chí là cắt giảm lãi suất.

Commerzbank đánh giá, việc đồng Nhân dân tệ mạnh lên gần đây có thể do tâm lý được cải thiện về triển vọng Trung Quốc mở cửa trở lại, sau khi các quan chức y tế thông báo họ sẽ tăng tốc tiêm chủng cho người già và cảnh báo về các biện pháp kiểm soát quá mức của chính quyền địa phương. Hiện đồng Nhân dân tệ đang trong quá trình phục hồi, nhưng nó đã mất tới 13% so với đô la Mỹ trong năm nay.

"Mặc dù vậy, đà tăng có thể chỉ là tạm thời vì lập trường zero Covid phần lớn vẫn còn và việc mở cửa trở lại có thể sẽ gập ghềnh và lộn xộn" Commerzbank dự báo.

Kể từ tháng 4, lợi suất trái phiếu chính phủ của Trung Quốc đã giảm so với trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn đã thu hút dòng tiền kỷ lục từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Viện Tài chính Quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 8,8 tỷ USD tiền từ cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trong tháng 10, phản ánh những thay đổi trong tâm lý đối với những lo ngại về địa chính trị và chính sách zero Covid của Bắc Kinh.

Còn theo các nhà phân tích tại Standard Chartered, đồng Nhân dân tệ có khả năng tăng giá so với đồng đô la Mỹ trong những tuần tới nhưng sự tăng giá mạnh sẽ không xảy ra."Chênh lệch tỷ giá của đồng Nhân dân tệ so với các loại tiền tệ chính cũng có khả năng mở rộng hơn nữa trong nửa đầu năm trước khi ổn định trong nửa năm sau".

Tỷ giá hạ nhiệt, áp lực thanh khoản tăng

Đối với thị trường Việt Nam, giới phân tích bày tỏ lạc quan rằng, khi đồng USD hạ nhiệt sẽ bớt gây áp lực đến tỷ giá VND và giúp các doanh nghiệp dễ thở hơn, kỳ vọng sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp, nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế.

Thoát áp lực tỷ giá, căng thẳng thanh khoản tăng - Ảnh 2.

Phía chuyên gia đề xuất, NHNN cần tính toán để nhanh chóng bơm thêm tiền cho nền kinh tế

Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm sẽ không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua, sức ép tăng lãi suất của Fed giảm, cộng với vốn FDI giải ngân tăng tốt và cán cân thanh toán thặng dư là cơ hội để Việt Nam giữ được tỷ giá hối đoái.

"Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng NHNN sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ, những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung cho thanh khoản và lãi suất", TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Song, tình hình thanh khoản trên thị trường hiện nay đang là một dấu hỏi lớn trải dài trên nhiều lĩnh vực. Ngay cả khi giới hạn tăng trường tín dụng của các ngân hàng thương mại được nới thì cũng không có tiền cho vay, điều này được nhiều chuyên gia đề cập gần đây. Vì vậy giải quyết bài toán thanh khoản thời điểm này là rất quan trọng và cần thiết.

Ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước đề xuất: Thứ nhất, là giải pháp từ tín dụng ngân hàng phụ thuộc vào việc NHNN có cho tín dụng ra hay không. Từ đầu năm đến nay tăng trưởng hạn mức tín dụng vẫn nằm trong mục tiêu dưới 14%, room tín dụng "cạn kiệt" khiến thanh khoản căng thẳng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để bù đắp. Khi đã áp dụng chuẩn Basel II, khi các ngân hàng thương mại không huy động được thì cũng không cho vay được.

Thứ hai, và cũng rất quan trọng là ngân sách, khoảng 350.000 tỷ đồng của ngân sách hiện vẫn chưa giải ngân được, hiện ở kho bạc NHNN, chỉ còn một phần rất nhỏ ở hệ thống ngân hàng thương mại gây ra căng thẳng thanh khoản của hệ thống.

Với việc tiền ở cả hai kênh trên đều không ra được thị trường thì chỉ còn duy nhất kênh đầu tư của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp và người dân cũng cạn kiệt sau hai năm COVID-19.

"Vì vậy, rất rõ ràng bài toán thanh khoản của nền kinh tế chỉ còn trông vào hai cửa: NHNN và ngân sách. Vì vậy, NHNN cần tính toán để nhanh chóng bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Ngân sách Nhà nước thì phải giải ngân dứt khoát và tập trung mạnh vào các công trình trọng điểm, giải ngân để nó có thể hoàn thiện và phát huy còn nếu tỷ lệ giải ngân cao mà dàn trải không có trọng điểm thì lại dở dang và không phát huy hiệu quả", ông Hoè khuyến nghị.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên