Thời bố mẹ ông bà tích vàng mua nhà mua xe, chúng ta bây giờ “chê” lãi thấp, càng né mua ngày vía Thần Tài
So với thế hệ bố mẹ, những người trẻ ngày nay có nhiều quan điểm mới mẻ hơn về chuyện mua vàng để tích sản hoặc đầu tư.
- 16-01-2024Người trẻ "đổ xô" đi mua vàng, thực sự có thể kiếm lời hay không?
- 31-12-2023Nguyên tắc tiết kiệm để cô gái đều đặn gửi 6 triệu về biếu bố mẹ, còn dư tiền mua vàng hàng tháng
- 29-12-2023Dành toàn bộ tiền lương từ công việc “tay trái” để mua vàng mỗi tháng, cô gái khẳng định: “Canh giá vàng là niềm vui”
Thế hệ “vài ba cây vàng” nên cả cơ nghiệp
Khác với người trẻ có nhiều hình thức đầu tư thì cách đây hàng chục năm, thế hệ ông bà bố mẹ chỉ biết đến hai hình thức phổ biến là gửi tiết kiệm và mua vàng để chống tiền mất giá, đôi khi còn giúp sinh lời. Trong số đó, nhiều người chọn mua vàng để đầu tư an toàn. Do đó, họ chấp nhận mua vàng để tích trữ, phòng trừ những thời điểm bão giá, chứ không tính đến chuyện đầu tư lướt sóng.
Cô H. (49 tuổi, Hà Nội) là một trong số đó. Cô bắt đầu mua vàng từ năm 2010 và thường mua một chỉ vàng cách 2-3 tháng tuỳ thuộc vào thu nhập.
Có những năm, cô H. mua rất nhiều vàng vì làm ăn được, có những tháng liên tiếp mua đến vài cây vàng. Thế nhưng, cũng có năm cô không đầu tư vào vàng bởi muốn dành tiền cho các mục tiêu tài chính khác như trả nợ, mua đất. Hay đơn giản là có năm kinh tế khó khăn, lo đủ chi phí nuôi con ăn học đã khó chứ đừng nói chi tiền mua vàng. Đơn cử như 3 năm gần đây, vợ chồng cô không mua vàng vì muốn trả hết nợ, gửi tiết kiệm và tậu 1 mảnh đất ở quê.
Cô H. nhớ lại: “Thời điểm cô bắt đầu mua vàng là khi mới về làm dâu, được phụ huynh dặn mua vàng để tích lũy lâu dài. Suốt mấy chục năm, cô luôn mua vàng để phòng thân. Ngày trước, cô mua vàng để phòng lúc con ốm đau, hay sau này để dành tiền nuôi con ăn học. Đến giờ, cô vẫn mua vàng để phòng ngừa bất trắc, an tâm hơn vì bố mẹ chồng giờ đã có tuổi, tương lai cần tiền chăm sóc".
Khi bán vàng, cô H. luôn giữ vững quan điểm “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Tức là cô sẽ mua vàng khi có tiền nhàn rỗi. Đồng thời, cô chỉ bán vàng khi cần tiền và thấy có lời “vừa đủ", chứ không quan tâm quá nhiều đến chuyện giá vàng tăng giảm chóng mặt. Với cô H, vàng không chỉ là cách tiết kiệm tiền đơn giản và an toàn, mà chúng còn hình thành ở cô thói quen bỏ riêng một khoản tiền để tích lũy tiền bạc hàng tháng.
Một điều khiến thế hệ phụ huynh chuộng mua vàng bởi họ đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và chứng kiến hàng loạt cuộc suy thoái kinh tế. Trong khi đó, vàng luôn được mặc định là loại tài sản tích trữ an toàn. Có những thời điểm, khi bất động sản và chứng khoán đi xuống thì vàng vẫn tăng giá nên được tín nhiệm là kênh đầu tư ít rủi ro và sinh lời.
Thêm nữa, do từng phải trải qua khó khăn về tài chính, do đó khi đầu tư vàng, nhiều bố mẹ cũng chú trọng vào sự an toàn, tránh bán lướt sóng để đảm bảo có phương án phòng ngừa rủi ro đằng sau.
Cô Thanh Tuyến (53 tuổi, Hà Nội) đã mua vàng từ những năm 20 tuổi. Khi mua vàng, cô chỉ có một mong ước “không cầu vàng sinh lời nhanh, chỉ cầu vàng luôn lên giá theo thời gian". Cô chia sẻ: “Người già đã trải qua bao cuộc bể dâu, biến cố nên biết mua vàng là lựa chọn hàng đầu. Cứ có tiền dư là cô mua vàng. Cô mua vàng từ lúc vàng còn 7 triệu đồng/lượng, cho đến khi lên 40 triệu đồng/lượng cô vẫn mua vào. Vàng tăng giá thì mình càng có nhiều lời, bán ra để góp tiền mua nhà, mua xe cho con”.
Theo cô Thanh Tuyến, người mua vàng được chia thành 2 loại là mua vàng để kiếm lời và mua vàng để tích sản. Cô Tuyến nằm ở vế sau, và người mua vàng như vậy theo hàng chục năm thì sẽ luôn có lời.
“Nếu ai muốn đầu tư vào vàng để kiếm lời thì cần thời gian, kinh nghiệm và đặc biệt phải đỏ mới thắng được thị trường. Còn quan điểm của cô, nhiều người tích vàng khi có tiền vì lý do là tiền nhàn rỗi, tích lũy cho cho con cháu… thì luôn đúng vì: ‘Vàng là tiền, chứ tiền không là vàng'”, cô Tuyến bày tỏ.
“Sinh lời chậm” - thế hệ bây giờ “chê” vàng
Ngược lại, lớn lên giữa thời đại công nghệ thông tin, nhiều người trẻ lại thờ ơ với vàng và không cho rằng đây là hình thức tích lũy tài sản tối ưu với bản thân.
Nguyễn Quân (26 tuổi, Hà Nội) cho hay: Từ cách đây 4 năm, anh vừa đi làm vừa tìm hiểu các hình thức đầu tư sinh lời. Anh không hứng thú với vàng bởi cho rằng đây là kênh đầu tư “chậm chạp", sinh lời thấp. Thay vào đó, anh thích đầu tư vào chứng khoán, bất chấp bố mẹ và nhiều người lớn tuổi cạnh bên đều khuyên Đỗ Quân tìm hiểu “bộ môn” này.
Năm 2021, khi thị trường chứng khoán bùng nổ cũng là lúc Nguyễn Quân bắt đầu tìm hiểu chúng, với số vốn hơn 20 triệu đồng cho 3 mã cổ phiếu. Hiện, Nguyễn Quân vẫn đều đặn trích 30% thu nhập hàng tháng để đầu tư chứng khoán và anh cho biết, mức sinh lời tốt hơn mua vàng.
“Với số tiền đầu tư không lớn, mình thường mua chứng khoán lướt sóng, thay vì dài hạn. Nếu lướt sóng, mình thường chọn mã nào tiềm năng, đủ tiền sinh lời trong mục tiêu thì sẽ bán luôn mà không đợi lâu. Tiền lãi mình trích ra một ít, sau đó còn lại để xoay vòng vào phiên giao đầu tư tiếp", Nguyễn Quân nói.
Nguyễn Quân thừa nhận, chứng khoán là kênh đầu tư rủi ro hơn nhiều so với mua vàng. Tuy nhiên, nếu so sánh về tỷ lệ sinh lời thì chứng khoán vẫn nhỉnh hơn. Khi chơi chứng khoán, có thời điểm Nguyễn Quân lỗ. Tuy nhiên, anh cho rằng chỉ cần đợi thị trường tăng trở lại, hoặc biết cách phân bổ tiền đều vào các cổ phiếu khác thì số tiền lời sẽ quay về nhanh chóng.
“Tất nhiên, ai chẳng biết vàng an toàn, rất an toàn là khác. Nhưng mình nghĩ, vàng càng an toàn thì càng ít rủi ro, lợi nhuận càng thấp. Mình lấy ví dụ, một người anh chơi cùng mình mua 2 cây vàng từ năm 2014, đến giờ nếu gửi số tiền đó tiền vào ngân hàng thì giờ tiền rút ra mua được nhiều 2 cây vàng. Nên tính ra mua vàng vẫn có thể lỗ”, anh chàng nhận định.
Tương tự Nguyễn Quân, Q. T (24 tuổi, TP.HCM) cũng quan điểm trước khi bước qua tuổi 27-28, cô không tính đến chuyện mua vàng, hoặc gửi tiết kiệm để tích lũy phòng thân và dự trù bất trắc. Bởi cô cho rằng, chúng đều là hình thức sinh lời thấp.
Hiện có bao nhiêu tiền lương hàng tháng, Q.T sẽ góp vốn vào các dự án startup kinh doanh bao gồm 2 quán cafe và 1 homestay, từ đó kiếm lời từ khoản lãi kinh doanh hàng tháng. Bên cạnh đó, cô còn trích thu nhập để cùng bạn đầu cơ vào mã cổ phiếu, có tháng lời cao nhất là 30% số tiền bỏ ra.
Q.T tâm sự: “Với mình, mua vàng chỉ để tích lũy tài sản, không sinh lời. Do đó, nếu có tiền nhàn rỗi, mình sẽ dồn hết để đầu tư. Bây giờ không phải lúc mình cất tiền một chỗ, mà là dùng tiền đẻ ra tiền".
Có nên mua vàng trong ngày vía Thần Tài?
Cả Q.T và Nguyễn Quân đều lắc đầu trước câu hỏi này. Bởi theo cả hai, trong ngày vía Thần Tài giá bán tăng cao hơn bình thường, do đó sẽ đẩy rủi ro cho người mua nếu bạn chọn tậu thêm vàng.
Q.T chia sẻ: “Từ trước đến nay, mình chỉ mua vàng vào đám cưới của bạn thân và người quen trong gia đình. Mình không mua vàng vào ngày vía Thần Tài vì chúng luôn đắt so với bình thường, xếp hàng để mua cũng lâu hơn. Mình nghĩ ngày vía Thần Tài được ra đời để các chủ cửa hàng vàng… kiếm lời”.
Tương tự Q.T, Nguyễn Quân cho biết: “Nếu để lấy may hoặc tính dành cho con cái lấy chồng vợ, bạn có thể mua lượng vàng vừa phải, khoảng 1 chỉ trong ngày vía Thần Tài. Còn nếu để đầu tư lướt sóng và kiếm lời thì mình nghĩ nên đợi thời điểm giá vàng đi xuống. Tại vì những tiệm vàng ngày đó lên giá sẽ cao hơn bình thường, nên rủi ro đẩy về phía người mua cũng tăng".
Phụ nữ số