Thời chứng khoán “điên đảo” vì ETF đang trở lại
Trái với không khí ảm đạm trong thời gian gần đây, hoạt động review danh mục của 2 quỹ ETF trong quý 3/2016 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư.
- 13-09-2016Trong tuần “đại náo” của ETF, nhà đầu tư nên hành động như thế nào?
- 12-09-2016Nhà đầu tư “nín thở” trước ngày đại náo của ETF
- 10-09-2016Vinamilk tiếp tục “lọt rổ” V.N.M ETF, số lượng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục chỉ còn 19
Đến hẹn lại lên, giai đoạn đầu tháng 3, 6, 9, 12 hàng năm, TTCK Việt Nam lại “dậy sóng” với hoạt động cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF (FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF). Với tổng tài sản trên 700 triệu USD và phần lớn đầu tư vào các cổ phiếu Bluechips tại Việt Nam, không quá khó hiểu khi thị trường lại dành sự quan tâm lớn cho 2 quỹ đầu tư này đến vậy.
Qua rồi thời “đu theo” ETF
Bắt đầu giao dịch tại Việt Nam từ năm 2009, nhưng phải đến giai đoạn 2011- 2012, các quỹ ETF mới tạo được sự chú ý rõ rệt. Khi đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận bằng cách mua vào/ bán ra những cổ phiếu được ETF thêm/ loại khỏi danh mục. Nhìn chung, đây là giai đoạn nhà đầu tư nhìn theo ETF để hành động và việc “bắt bài” ETF khá dễ dàng.
Cũng kể từ thời điểm này, các CTCK bắt đầu đưa ra dự báo danh mục ETF định kỳ hàng quý và được nhà đầu tư hết sức đón nhận.
Tuy vậy, kể từ năm 2013 đến nay, các dự báo “bắt bài” ETF không ít lần đã có độ chênh so với kết quả thực tế được công bố và nhà đầu tư đã gặp nhiều khó khăn trong việc giao dịch theo ETF.
Tiêu biểu là trường hợp HHS khi trong năm 2015, cổ phiếu này liên tiếp lỡ hẹn với ETF dù được kỳ vọng rất nhiều. Ngoài ra, còn có trường hợp BID dù lọt vào cả danh mục FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF trong quý 3/2015 nhưng bất ngờ bị loại ra chỉ sau đó vài ngày bởi cả 2 quỹ đều…tính nhầm tỷ lệ Free Float của BID. Rõ ràng, những nhà đầu tư mua theo ETF đã chịu những ảnh hưởng không nhỏ.
Bên cạnh đó, chiến thuật giao dịch theo những cổ phiếu trong danh mục của ETF cũng không còn hiệu quả như trước. Theo một số thống kê, việc mua vào những cổ phiếu lọt rổ ETF những năm gần đây mang lại tỷ suất lợi nhuận rất thấp, thậm chí còn thua lỗ. Trong khi đó, những cổ phiếu bị loại khỏi rổ đôi khi còn mang lại tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn.
Thời gian sau đó, việc bắt bài ETF trở nên dễ dàng hơn và một khi đã bắt được bài thì quyết định mua hay bán là ở nhà đầu tư.
Nhìn chung, quy luật giao dịch của ETF biến động khá khó lường trước đây nhưng sau đó việc bắt bài trở nên dễ dàng và nhà đầu tư dễ nắm bắt, chỉ có điều, bắt được bài cơ cấu ra sao không có nghĩa hành động "ăn theo" là đúng. Do đó, các kỳ review gần đây không còn nhận được sự quan tâm lớn như những năm trước nữa.
“Nóng” trở lại nhờ VNM
Kể từ khi Vinamilk (VNM) chính thức nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 100% vào tháng 7 vừa qua, thị trường đã xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng cổ phiếu này sẽ lọt rổ 2 quỹ ETF ngay trong đợt review quý 3/2016.
Những kỳ vọng này đã giúp cổ phiếu VNM có giai đoạn tăng phi mã từ vùng 120.000đ lên trên 150.000đ, tương ứng mức tăng trên 25% chỉ trong khoảng 2 tháng.
Cổ phiếu VNM tăng "phi mã" với kỳ vọng lọt rổ ETF
Kết quả công bố mới đây của 2 quỹ ETF cũng không nằm ngoài kỳ vọng của thị trường khi VNM lọt vào rổ chỉ số của cả 2 quỹ ETF. Theo tính toán, FTSE Vietnam ETF sẽ mua vào khoảng 7,5 triệu cổ phiếu VNM, còn với V.N.M ETF thì số lượng mua vào khoảng 4,5 triệu cổ phiếu. Đây cũng là lần đầu tiên VNM – cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam lọt rổ ETF.
Rõ ràng, ảnh hưởng của VNM tới VnIndex là điều không bàn cãi. Do đó, những động thái giao dịch của ETF với VNM sẽ ảnh hưởng nhất định tới thị trường và điều này đã khiến kỳ review quý 3 này được nhà đầu tư đón nhận hơn bao giờ hết.