Thời dịch bệnh kinh tế khó khăn ai cũng thắt lưng buộc bụng, làm sao để quản lý chi tiêu để tiết kiệm và tích lũy được nhiều nhất?
Để có thể thực hiện mục tiêu tài chính cá nhân thì sau khi tạo ra thu nhập, chúng ta phải biết tiết kiệm trước khi chi tiêu. Và chúng ta phải biết đặt thứ tự ưu tiên và quản lý chi tiêu chặt chẽ để có thể tiết kiệm và tích lũy cao nhất, đặc biệt trong những giai đoạn nền kinh tế bị đình trệ như thời điểm hiện tại - khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, chưa có dấu hiệu biến mất.
- 14-04-2020Nhà nước lấy đâu ra tiền để giúp doanh nghiệp
- 13-04-2020Chính phủ yêu cầu có giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh
- 09-04-2020Thủ tướng: Hiện gói hỗ trợ tiền tệ nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng
Kiếm tiền, tạo ra thu nhập là bước đầu tiên trong việc tạo ra quỹ tài chính cá nhân. Bước thứ hai và cũng rất quan trọng là tiết kiệm tiền từ khoản thu nhập đó. Tiết kiệm được thì mới có tiền để đưa vào đầu tư để tăng trưởng, sinh sôi tiền nhằm đạt mục tiêu tài chính cá nhân.
Tiết kiệm tiền thật ra khó hơn chúng ta nghĩ. Có câu nói "Kiếm tiền thì khó chứ sử dụng tiền thì dễ, ai cũng biết cách sử dùng tiền" Câu này không hoàn toàn đúng. Kiếm tiền đã khó. Sử dụng tiền một cách thông minh, hợp lý để có thể tiết kiệm, tích lũy được là chuyện còn khó hơn.
Tiết kiệm trước khi sử dụng, tiêu xài
Đa số chúng ta đều quan niệm sai lầm về tiết kiệm. Khi có thu nhập, chúng ta thường sử dụng tiền theo ý muốn của mình, và cố gắng cắt bớt chi tiêu để tiết kiệm. Người nào giỏi hơn thì có kế hoạch, phân bổ tiền về các quỹ tài chính, và tìm cách cắt giảm các khoản chưa cần thiết từ các quỹ không quan trọng, để đưa tiền vào quỹ tiết kiệm/đầu tư. Làm như vậy nghe có vẻ đúng, nhưng thật ra chưa đúng.
Người quản trị tài chính cá nhân tốt là người tiết kiệm trước khi sử dụng, tiết kiệm trước khi phân bổ về các quỹ khác. Mỗi khi có tiền thì giữ lại ngay 5% - 15% để đưa vào quỹ "tài chính cá nhân", và 15%-35% cho quỹ nhu cầu thiết yếu. Rồi mới phân bổ vào các quỹ khác.
Sẽ có người nói tiền chi tiêu của tôi sát lắm rồi. Không thể nào tiết kiệm được 5% đừng nói đến 15%.
Nhận định như thế là chưa đúng. Quản trị tài chính cá nhân cho rằng chỉ khi nào chúng ta đang sống với chế độ tối thiểu: chỉ kiếm đủ tiền để ở, ăn uống, đi lại với mức thấp nhất và không còn dư đồng nào, thì chúng ta mới không thể tiết kiệm được. Còn nếu chúng ta vẫn có thể đi ăn ngoài, nhậu nhẹt, uống cà phê, mua sắm, vẫn "sang chảnh"… thì chúng ta vẫn còn "dư địa" để tiết kiệm được. Đừng chần chừ, hãy cất ngay 5% - 10% khi nhận được tiền và cắt các khoản còn lại bằng cách sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng và cần thiết.
Còn nếu chúng ta không muốn cắt bất cứ khoản chi tiêu hiện tại nào của mình, thì hãy kiếm thêm 10%-15% đó, bằng cách làm việc thông minh hơn (work smarter), hoặc làm việc chăm chỉ hơn (work harder). Thế giới 4.0 đem tới cho chúng ta rất nhiều cơ hội để làm có thể làm thêm và kiếm thêm tiền. Quan trọng là chúng ta có nỗ lực hay không?
Khi chúng ta đủ kỷ luật để đưa bản thân vào thế tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm chủ động như thế, chúng ta sẽ bắt đầu có tiền tiết kiệm đều đặn. Nếu có thu nhập 10 – 15 triệu/tháng, chúng ta hãy tiết kiệm 1 triệu một tháng, sẽ được 12 triệu một năm. Nếu có thu nhập 20 – 30 triệu/tháng, chúng ta hãy tiết kiệm 2 triệu một tháng, sẽ được 24 triệu một năm. Nếu có thu nhập 40 – 60 triệu/tháng, chúng ta hãy tiết kiệm 5 triệu một tháng, sẽ được 60 triệu một năm.
Đây là số tiền chúng ta sẽ đem đi đầu tư để đạt được mục tiêu tài chính cá nhân của mình.
Quản lý chi tiêu để có thể tiết kiệm, tích lũy được nhiều nhất
Trước tiên, chúng ta hãy bỏ ra 3 tháng để ghi nhận tất cả những chi tiêu trong 3 tháng này.
Chúng ta có thể dùng ghi chép các khoản chi tiêu vào sổ tay, hoặc bằng note trên điện thoại, hoặc dùng phần mềm Excel, hoặc dùng các ứng dụng (app) chuyên về quản lý tiền.
Chúng ta không cần phải ghi chính xác những khoản quá nhỏ. Tổng số tiền ghi lại bằng hoặc cao hơn 97% số tiền đã chi là tốt rồi.
Sau khi ghi chép 3 tháng xong, chúng ta liệt kê lại và chia thành từng loại như sau:
Những nhu cầu thiết yếu: nhà, ăn uống, hóa đơn điện, nước, điện thoại, đi lại.
Những tiện nghi quan trọng: quần áo, ăn ngoài, lễ nghĩa, giải trí, giao tiếp,
Trả nợ/tiết kiệm để mua sắm: Nếu không trả nợ, thì nên có 1 khoảng tiết kiệm để mua sắm tài sản hay những hàng tiêu dùng có giái trị cao.
Hưởng thụ: mua chăm lo cho bản thân, làm những việc mình thích thú.
Giáo dục, phát triển cá nhân: mua sách, tham gia các khóa đào tạo, hội thảo có giá trị thiết thực.
Giúp đỡ người khác: làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè, cộng đồng...
Chúng ta xem xét từng khoản chi theo tính thiết yếu và quan trọng.
Những khoản mà không chi cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình, không ảnh hưởng đến ai thì nên hạn chế tối đa.
Những khoản mua sắm để cạnh tranh, khoa mẽ, những khoản tiêu xài để chứng tỏ đẳng cấp... cũng nên được cắt bỏ.
Những khoản chi tiêu không quá quan trọng như mua sắm "quá hạn mức", ăn nhậu quá nhiều vì thói quen chứ không phải vì quan hệ, cũng phải được cắt giảm.
Cắt bỏ, giảm những chi phí đó, và tính lại tỷ lệ % cho từng quỹ chi tiêu. Khi đó chúng ta sẽ dư ra 5%, 10% thậm chí 20% để tiết kiệm và tích lũy cho quỹ tài chính cá nhân của chúng ta, và chúng ta sẽ có tỷ lệ chi tiêu MỚI.
Nhiệm vụ bây giờ của chúng ta mỗi khi nhận thu nhập, là tiết kiệm ngay x%, và phần còn lại thì thực hiện theo ĐÚNG tỷ lệ mới mà chúng ta đã định ra.
Kỹ luật bản thân sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tiết kiệm và quản lý chi tiêu.
Mỗi khi làm không đúng kế hoạch chi tiêu đã định ra, chúng ta hãy tự nhắc mình về mục tiêu độc lập tài chính, hoặc mục tiêu tự do tài chính mà mình hướng đến trong tương lai để có động lực kỹ thuật bản thân, làm đúng kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu.
Nhịp sống kinh tế