Thời gian ngưng đọng trong căn nhà của một gia đình Hà Nội đam mê sưu tập đồ cũ
“Thích nhất là cảm giác pha ấm trà nóng, hàn huyên cùng người thân và bạn bè giữa không gian hoài niệm”, chị Thúy chia sẻ khi ngồi trong không gian mang màu thời gian.
- 11-02-2024Căn biệt thự đón Tết nổi bật với gam màu cam và vàng, nhìn là thấy rực rỡ may mắn, tài lộc khắp muôn nơi!
- 11-02-2024Minh Hằng xả kho ảnh gia đình đầu năm mới, nhóc tỳ hào môn chiếm mọi sự chú ý
- 11-02-2024Ông chủ biệt phủ nổi tiếng công khai tuyển dâu, cảnh thiếu gia út bị bố mang lên mạng “rao bán” hút 3 triệu người xem
Nhắc đến sưu tập đồ cổ, đồ cũ, hẳn nhiều người sẽ tưởng tượng ra ngay trong đầu hình ảnh những góc trưng bày hàng chục, hàng trăm hiện vật. Và thường thí chủ sở hữu sẽ đặt chúng ở những không gian riêng, chủ yếu để chiêm ngưỡng, hạn chế dùng tới. Thế nhưng, cách sưu tập cũng như sử dụng các món đồ cũ của một người phụ nữ ở Hà Nội sẽ khiến chúng ta có thêm một góc nhìn mới hơn.
Từng đi khắp hang cùng ngõ hẻm săn đồ cũ từ thời sinh viên đến khi có gia đình
Chị Trần Diệu Thúy (Hà Đông, Hà Nội) được biết tới nhiều hơn khi là chủ nhân của những lần chia sẻ cách cắm hoa theo mùa, trang trí ban công thu hút hàng triệu lượt quan tâm. Cảm giác như lúc nào góc ban công tầng thượng của chị cũng rực rỡ, như một khu vườn cổ tích.
Thế nhưng, bên cạnh yêu hoa, yêu cắm hoa, chị Thúy còn có một niềm đam mê khác lạ so với nhiều bà mẹ: mê đi săn những đồ xưa cũ.
Theo như chia sẻ, từ khi còn là cô sinh viên đại học, chị Thúy đã bắt đầu rong ruổi khắp các khu chợ đồ cũ ở quanh Hà Nội. “Từ chợ đồ cũ ở Hà Đông, đến chợ Mơ hồi còn chưa được dựng ở dưới tầng hầm hay các hàng trên phố cổ, đi đâu chị cũng ngó nghiêng các món đồ, đôi khi chỉ là trong lúc đầu óc căng thẳng, mình đi dạo một vòng chợ cho khuây khỏa, rồi rinh về một vài món đồ hay ho”.
Chị Thúy có sở thích lượn lờ những khu chợ đồ cũ.
Cứ thế, thời gian trôi đi, cái thú đi săn đồ cũ này được duy trì cho đến khi chị đã lập gia đình. Các món đồ trong nhà, ngoài chị Thúy tự mua mỗi lần lượn lờ thì còn săn được khi đi chợ Xuân đầu năm, hay có cả anh em bạn bè yêu quý gửi tặng. Các món đồ cũ trong nhà cứ đầy lên từ lúc nào không hay, được chị trưng từ phòng khách ra tới phòng bếp. Mà bây giờ mỗi lần điểm lại, chính chị cũng không ngờ trong nhà lại có nhiều đồ đến như vậy.
Sự khác lạ giữa 2 vợ chồng cùng thích sưu tập đồ cũ
Không chỉ chị Thúy mà ông xã cũng rất mê những đồ xưa cũ. Tuy nhiên, hai người lại ở hai “trường phái” khác nhau. “Chị thì thích đa dạng, chủ yếu là đồ cũ chứ không phải đồ cổ, còn anh nhà chị cũng như phái nam nói chung lại quan tâm theo hướng đồ cổ có niên đại hay thiết kế đặc trưng riêng. Chỉ riêng phong cách sắm đồ cũ - đồ cổ của hai vợ chồng đã có những nét riêng hoặc sở thích riêng, thế nên các món đồ muốn mua cũng khác nhau”.
Chưa kể, chị Thúy cho biết bản thân mua theo sở thích, theo cảm xúc nhiều hơn là tính toán đến các yếu tố khác. Chị thường thích các món đồ thủ công, có đường nét tinh tế, mỗi món đồ đều thể hiện cái hồn của người làm ra. “Mình không phải là nhà sưu tập có quá nhiều kinh nghiệm hay là sẽ đầu tư, có bao nhiêu tiền sẽ sắm hết. Mình đơn thuần chỉ là thích những món đồ, đi chợ đồ cũ thấy món nào ấn tượng, hợp mắt với mình, thì mình sẽ rinh về", chị cho hay.
Song, chị cũng nhận thấy rằng, điểm giao thoa trong sở thích của vợ chồng chị có lẽ chính là cùng mê những nét khắc họa và sự tỉ mỉ, tài hoa của người thợ làm theo lối cũ.
Hầu hết mọi ngóc ngách trong nhà chị Thúy đều có các món đồ cũ do chị rinh về.
Góc hoài niệm trong căn nhà của chị Thúy.
Chưa dừng lại, cách sử dụng các món đồ cũ của chị Thúy cũng khác biệt với nhiều người tham gia vào con đường sưu tập. Thay vì chỉ trưng bày, để chúng là những đồ vật vô tri vô giác thì hầu hết các món đồ đều được gia đình chị sử dụng hằng ngày. Có khi là những khay trà, là bộ bàn ghế, là chiếc bình đang cắm hoa đào rực rỡ. Hay đôi khi là các tượng, đồ trang trí, có khi chỉ là thứ bé xíu hay hàng khuôn đúc chỉ vài chục ngàn rồi trăm ngàn…
“Mình cũng không nặng về chuyện phải săn đồ để phục vụ decor, nhất định phải là mẫu này mẫu kia. Mình theo kiểu cứ mua về rồi mới nghĩ cách xem treo thế nào cho hợp với không gian của nhà mình. Nhưng nó là một điều gì đó mình thấy vui, được thoả mê mải cho cuộc sống bộn bề.”, chị Thúy kể.
Căn bếp phong cách thập niên 90 với chiếc chõ đồ xôi bằng nhôm
Hơn cả là sự trân trọng những món đồ mang giá trị thời gian
Với bà mẹ này, việc sưu tập đồ cũ - đồ cổ hay là số lượng các món đồ đang sở hữu không phải là tất cả. Song, chị Thúy coi đó như một phần không thể thiếu trong phong cách sống, hay nói cách khác là “thú chơi” đặc biệt của hai vợ chồng chị.
“Thời gian cứ thế qua đi, thứ đọng lại với chúng ta chính là cảm xúc. Hằng ngày, nhìn ngắm từng món đồ sẽ mang tới cho con người ta những liên tưởng về vòng quay thời gian, để ta phải thêm trận trọng từng phút giây ngắm nhìn. Thích nhất là cảm giác pha ấm trà nóng, hàn huyên cùng bạn bè giữa không gian hoài niệm”, chị Thúy nói.
Góc trò chuyện, cũng là góc sống ảo thần sầu của chị Thúy.
Minh chứng cho tình yêu với những món đồ mang đậm dấu ấn thời gian của vợ chồng chị Thúy chính là sự đón nhận của các con. “Bạn nhỏ út nhà mình hay được theo bố mẹ mỗi lần đi chợ phiên. Rồi nhiều năm nay, cu cậu cũng học theo bố mẹ, dùng số tiền mừng tuổi năm mới để sưu tập những mẫu đồng tiền cũ hay là mua những món đồ cũ mà con thấy đẹp”, chị tiết lộ.
Tri Thức Trẻ