MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Thỏi nam châm” Quảng Ninh hút đầu tư

Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm nóng đầu tư hấp dẫn nhất Việt Nam với hấp lực từ những lợi thế riêng biệt.

Dồn dập đón những kế hoạch tỷ USD

Với những lợi thế riêng có về vị trí địa lý, sở hữu Vịnh Hạ Long – một trong những di sản thiên nhiên đẹp nhất thế giới, Quảng Ninh đang cho thấy sức hấp dẫn mãnh liệt của mình trong thu hút đầu tư.

Trong vài năm gần đây, hơi nóng của hàng tỷ USD liên tục phả tới Quảng Ninh với cường độ ngày càng mạnh hơn bao giờ hết khi liên tiếp những siêu dự án nghìn tỷ từ các đại gia danh tiếng cả trong và ngoài nước tìm đến Quảng Ninh.

Trong đó các nhà đầu tư Việt Nam đang đặt những dấu ấn quan trọng, khẳng định vị thế của mình tại vùng đất đầy tiềm năng này. Những cái tên như Vingroup, Sungroup, BIM Group hay FLC… đang khiến cho bộ mặt của Quảng Ninh thay đổi từng ngày với những dự án đẳng cấp quốc tế.

Trong vòng 2 năm qua, Vingroup đã liên tiếp khánh thành 2 dự án khủng tại Quảng Ninh gồm Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long (1.100 tỷ đồng) và Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều với quy mô đầu tư 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, Vingroup cũng đã đề xuất xây dựng một khu tổ hợp dịch vụ thương mại, đô thị mới với quy mô khoảng 4.000 ha tại Quảng Yên.

Trong khi đó, chỉ tính riêng dự án Ha Long Marina tại Hạ Long, với quy mô 248ha, tập đoàn này đã dự kiến chi ra tới hơn 2 tỷ USD (tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng) để phát triển trong 3 năm vừa qua và các năm tiếp theo.

Hay như Sungroup, kế hoạch tỷ USD của đại gia này đang từng ngày hiển hiện rõ tại các mảnh đất tiềm năng nhất của Quảng Ninh như: Dự án Công viên Đại Dương Hạ Long theo mô hình Disneyland với tổng vốn đầu tư 6.500 tỷ đồng đang gấp rút hoàn thiện; Sân bay Vân Đồn công suất 2 triệu hành khách/năm tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Ngoài ra Sungroup còn nghiên cứu đề xuất đầu tư một số dự án du lịch, bất động sản nữa tại Quảng Ninh với quy mô nhiều nghìn tỷ đồng.

Đầu năm 2016 vừa qua, FLC cũng chính thức đặt dấu ấn của mình tại Quảng Ninh với siêu dự án FLC Ha Long quy mô 224ha, với tổng mức đầu tư lên tới 3.400 tỷ đồng. Đây là một khu phức hợp bao gồm nhiều hạng mục: Sân golf 18 lỗ được thiết kế bởi Schmidt-Curley, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, khách sạn 5 sao, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp…

Không chỉ các nhà đầu tư Việt, sức nóng của Quảng Ninh còn bởi những siêu dự án tỷ USD của các đại gia quốc tế danh tiếng đến từ Hoa Kỳ, Đài Loan, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất…

Những cái tên nổi tiếng khắp thế giới như Wyndham, Starwood, ISC Corp (Hoa Kỳ), Amata, Nakheel… đều đã cập bến Hạ Long với những kế hoạch đầu tư khủng.

Trong đó, các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế Wyndham và Starwood đang triển khai loạt dự án khách sạn 5 sao Wyndham Legend với 217 phòng và Sheraton Halong Bay với 330 phòng và căn hộ.

Liên danh Amata (Thái Lan) – Tuần Châu cũng đang xúc tiến đầu tư Khu đô thị công nghiệp công nghệ cao, quy mô diện tích hơn 7.800ha, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD chia làm 4 giai đoạn. Các chức năng cụ thể bao gồm khu công nghệ cao, khu tự do mậu dịch, hệ thống cơ sở nghiên cứu, giáo dục, đô thị hiện đại…

Trước đó, Tập đoàn ISC Corp của Mỹ cũng đã lên kế hoạch và ngỏ ý đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD vào dự án phức hợp vui chơi giải trí (có casino) tại đảo Tuần Châu (TP. Hạ Long). Dự án khu đô thị sinh thái 1 tỷ USD của Tập đoàn Xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan) cũng đang trong giai đoạn thực hiện quy hoạch để triển khai. Với quy mô 516ha tại đảo Hoàng Tân (Quảng Yên) dự án gồm nhiều hạng mục sân golf; khu nghỉ dưỡng, khách sạn 6 sao, khu vui chơi giải trí,…

Dự án Ha Long Star quy mô 550 triệu USD cũng đã được Nakheel, một tập đoàn lớn đến từ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) khởi động trở lại sau nhiều năm im ắng. Ngoài ra, các đối tác đến từ Úc cũng đã có các chuyến khảo sát đầu tư tại khu vực Khu kinh tế Vân Đồn và TP.Hạ Long với mục tiêu tìm hiểu quy hoạch các dự án vui chơi giải trí phức hợp có casino…

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho thấy, tính đến thời điểm đầu năm 2016, Quảng Ninh có 111 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,1 tỷ USD.

Sáng tạo và “biết giữ lời hứa”

Trong vài năm trở lại đây, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương năng động nhất cả nước cả trong công tác điều hành và phát triển kinh tế.

Chính sự năng động trong điều hành, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo đã tạo ra được một môi trường kinh doanh đầy tính cạnh tranh, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư kinh doanh tại đây. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ trong vòng 3 năm kể từ năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh đã nhảy vọt từ vị trí thứ 20/63 tỉnh thành lên vị trí top 3 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất và đứng đầu trong các tỉnh khu vực phía Bắc.

Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, Giám đốc Chương trình PCI quốc gia, Quảng Ninh có hai chỉ số thành phần là tính năng động của lãnh đạo và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có điểm xếp hạng rất cao so với các địa phương khác. Đặc biệt, cũng theo ông Tuấn, cùng với Đà Nẵng, mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh của Quảng Ninh đang phát huy hiệu quả thực chất, tạo nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết, mô hình các Trung tâm hành chính công đã dần đi vào hoàn thiện và được sử dụng hiệu quả tại tỉnh cũng như các địa phương. Đối với doanh nghiệp, thông qua rà soát, các cơ quan có liên quan đã đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) từ 237 ngày xuống còn 109 ngày làm việc; cắt giảm 64% TTHC về cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hàng loạt siêu dự án quy mô hàng nhiều nghìn tỷ của Tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC… đã được triển khai với tiến độ thần tốc một phần cũng nhờ vào việc cắt giảm các thủ tục đầu tư của Quảng Ninh. Thậm chí, có những siêu dự án nghìn tỷ, tỉnh Quảng Ninh cấp phép chỉ mất vài giờ đồng hồ như dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty TNHH Phú Lâm, quy mô 1.000ha, tổng mức đầu tư 2.258 tỷ đồng, thời gian cấp phép chỉ có 3 tiếng.

Trong một lần chia sẻ với báo giới, Chủ tịch Texhong Việt Nam Lý Kế Đông cho biết, yếu tố chính trị ở Quảng Ninh rất tốt, điều đó được thể hiện rõ khi Texhong đến đầu tư dự án tại đây.

“Về dịch vụ, từ lãnh đạo tỉnh đến các ban ngành đều thấy được sự nhiệt tình của họ và đó cũng là một trong những lý do chúng tôi quyết định chuyển đầu tư từ miền Nam ra đây… Quan trọng hơn nữa là họ đã giữ lời hứa của mình”, ông Lý Kế Đông cho biết thêm.

Bên cạnh việc rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, Quảng Ninh còn rất sáng tạo trong việc đưa ra các mô hình xúc tiến đầu tư đặc biệt đối với các dự án quan trọng, có quy mô lớn.

“Với những dự án của các nhà đầu tư chiến lược thay vì phải trình qua các sở, ban ngành, lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi phải thường xuyên trao đổi, nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh, kể cả ngày nghỉ, ngoài giờ”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiết lộ.

Cũng theo ông Long, một trong những chìa khóa quyết định cho sự thành công của Quảng Ninh chính là do cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và tỉnh Quảng Ninh đã đạt được tiếng nói chung.

“Quảng Ninh luôn xác định doanh nghiệp là nguồn lực của tỉnh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chính là năng lực cạnh tranh của tỉnh. Do vậy, từ các công chức, viên chức cấp dưới đến các cán bộ lãnh đạo cấp cao, đều sẽ phải cùng một ngôn ngữ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đều thực hiện các cam kết rất cụ thể”, ông Long cho biết thêm.

Theo Minh Vũ

Bizlive

Trở lên trên