Thói quen ẩm thực thay đổi do giá cả tăng
Giá lúa mì hiện đang ở mức gần với mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng lương thực gần đây nhất là vào năm 2007 và 2008.
Giá các mặt hàng cơ bản như bánh mỳ, thịt và dầu ăn đã tăng vọt trên toàn thế giới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt liên quan đến dịch COVID-19 và giờ là tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Điều này đã gây ra những cú sốc liên tiếp đối với thị trường hàng hóa và làm tổn hại đến hệ thống lương thực toàn cầu .
Nguy cơ hiện hữu
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Julien Denormandie ngày 21/3 cảnh báo căng thẳng giữa hai nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới là Ukraine và Nga có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực "trên phạm vi toàn cầu".
Phát biểu trước thềm một cuộc họp về nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Denormandie cho biết các bộ trưởng nông nghiệp của khối sẽ thảo luận về tình hình lương thực với người đồng cấp Ukraine thông qua hình thức trực tuyến.
Trước đó ngày 18/3, một quan chức Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo chuỗi cung ứng lương thực ở Ukraine đang sụp đổ, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng chủ chốt ở nước này như cầu đường và tàu hỏa bị hư hại, nhiều cửa hàng tạp hóa và nhà kho trống rỗng.
Cùng quan điểm, Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc (LHQ) mới đây cho biết tình hình căng thẳng ở Ukraine đã khiến giá lương thực leo thang và dẫn tới tình trạng thiếu các vụ mùa chủ chốt ở nhiều vùng ở Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi.
Căng thẳng Nga-Ukraine hồi tháng trước đã làm giảm nghiêm trọng hoạt động vận chuyển từ Nga và Ukraine, hai nước cùng chiếm khoảng 25% xuất khẩu lúa mỳ thế giới và 16% xuất khẩu ngô toàn cầu, khiến giá ngũ cốc tăng trên thị trường quốc tế. Theo IFAD, tác động của căng thẳng Nga-Ukraine hiện cũng bắt đầu ảnh hưởng tới giá lương thực bán lẻ ở một số nước nghèo nhất thế giới.
Giá lúa mì hiện đang ở mức gần với mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng lương thực gần đây nhất là vào năm 2007 và 2008, nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình ở nhiều nước đang phát triển.
Nga cũng là một trong những nước cung cấp phân bón lớn nhất thế giới. Giá phân bón đã tăng hồi năm ngoái và giá phân bón tăng hiện nay đang làm tăng 30% giá lương thực trên thế giới, dẫn tới làm tăng mức độ đói ăn trên toàn cầu.
Thay đổi để thích ứng
Trước tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao tại Ấn Độ, các hàng quán ven đường đã giảm một nửa việc sử dụng dầu cọ và chuyển sang các món hấp. Những người thợ làm bánh tại Bờ Biển Ngà đang muốn giảm cỡ bánh mỳ tiêu chuẩn vì giá lúa mỳ Ukraine tăng cao hay các cửa hàng thức ăn nhanh tại Mỹ sẽ bán những chiếc bánh kẹp sandwich có ít thịt xông khói hơn và bánh pizza sẽ được rắc ít phô mai hơn.
Theo Brice Dunlop, nhà phân tích chính ngành thực phẩm và đồ uống tại Fitch Solutions, với những thay đổi như vậy, bất ổn xã hội có thể sẽ xuất hiện, đặc biệt là ở Ấn Độ.
Đối với những nước dễ bị tổn thương nhất như Yemen, quốc gia nhập khẩu 90% lương thực trong bối cảnh xung đột triền miên và đồng tiền mất giá, điều này gây ra nguy cơ đói thực sự. Ở các nước khác, tình trạng này gây ra những lo ngại mà các nhà kinh tế gọi là sự phá hủy nhu cầu, một hiện tượng khi hàng hóa trở nên quá đắt để mua.
Julian Conway McGill, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại công ty tư vấn LMC International, cho biết các tủ lạnh đang trống rỗng, và người tiêu dùng sẽ phải giảm lượng tiêu thụ.
Tại các hộ gia đình, cũng như ngành dịch vụ thực phẩm, dầu thực vật đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu, dùng để chiên mì ăn liền, tạo độ ẩm và độ xốp cho bánh. Căng thẳng Nga-Ukraine đã làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch cây trồng trên thế giới và đẩy giá của hai loại dầu phổ biến nhất là cọ và đậu tương lên mức kỷ lục. Các chính phủ đang bắt đầu vào cuộc, hạn chế xuất khẩu và kiểm soát giá cả.
Tình trạng thiếu dầu ăn ngày càng trầm trọng kể từ năm 2021. Tại Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, sản lượng giảm mạnh do tình trạng thiếu lao động triền miên. Sau đó, hạn hán gây thiệt hại đối với mùa vụ cải dầu ở Canada và thu hoạch đậu tương tại Brazil và Argentina bị giảm sút. Những người mua hàng đã từng tính đến việc mua dầu hướng dương từ Ukraine và Nga, hai nước này cung cấp khoảng 75% lượng dầu hướng dương trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng đang diễn ra gần đây đã dập tắt khả năng này.
Căng thẳng Nga-Ukraine cũng đang làm giá phân bón tăng cao kỷ lục, điều này sẽ chỉ khiến thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Nông dân Brazil có kế hoạch cắt giảm lượng phân bón từ 30% đến 50% trong vụ đậu tương tiếp theo, dẫn đến năng suất có thể thấp hơn.
Không chỉ là cây trồng, tại Chicago và các vùng ngoại ô xung quanh, giá thịt gà đã tăng cao kể từ khi đại dịch khiến các nhà máy đóng gói thịt phải đóng cửa cách đây hai năm. Giờ đây, hạn hán ở Brazil cộng với căng thẳng ở Ukraine đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi, giá gia cầm tăng cao hơn nữa.
Joe Fontana, chủ sở hữu 5 nhà hàng bán gà cay Fry the Coop, cho biết anh đã phải sử dụng mỡ bò để chiên gà và khoai tây thay cho nguyên liệu thường sử dụng trước đây là các loại dầu thực vật. Tuy nhiên, giá mỡ bò cũng đã tăng lên do các vấn để tại các lò giết mổ và nhu cầu về chất béo và dầu tăng cao để sản xuất dầu diesel tái tạo.
VTV.VN