MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thói quen kì quặc cầm đồ vật này khi ngủ giúp Thomas Edison sáng tạo đột phá: Bạn có nên áp dụng?

13-02-2022 - 12:06 PM | Sống

Thói quen kì quặc cầm đồ vật này khi ngủ giúp Thomas Edison sáng tạo đột phá: Bạn có nên áp dụng?

Để lúc dậy thốt lên "Eureka!", Thomas Edison đã phải làm điều này khi ngủ. Nhiều nhà khoa học sáng tạo đột phá của nhân loại khác cũng đã phải công nhận tác dụng của kỹ thuật này.

Chuyện rằng: Khi Thomas Edison gặp bế tắc trong công việc, thần đồng này sẽ chợp mắt trên ghế bành, tay cầm một quả bóng thép. Khi Edison bắt đầu chìm vào giấc ngủ và các cơ thả lỏng, quả bóng rơi và đập xuống sàn, đánh thức ông dậy cùng với ý tưởng lóe lên, giúp ông giải quyết vấn đề.

Sử dụng kỹ thuật có phần kỳ lạ này, Edison tin rằng mình có thể gặp được những ý tưởng hữu ích từ vùng chạng vạng giữa giấc ngủ và lúc thức. Khả năng sáng tạo đặc biệt trong một thời gian dài được cả nhân loại công nhận chứng tỏ ý tưởng này có thể không kỳ quặc như người ta nghĩ. Các nhà khoa học bắt đầu vào cuộc để lý giải hành vi này.

Thủ thuật này có thể là nhằm đánh thức một người trong giai đoạn chuyển tiếp giữa ngủ và thức. Trong giai đoạn chuyển tiếp, con người không hoàn toàn tỉnh táo, nhưng cũng chưa ngủ sâu. Cơ bắp sẽ thư giãn và tâm trí ở trong trạng thái gần giống như ngủ mơ được gọi là hypnagogia. "Nếu chúng ta có thể khai thác khoảng mù mờ giữa giấc ngủ và thức - chúng ta có thể nhớ lại những ý tưởng đột phá sáng tạo của mình dễ dàng hơn", theo tờ Science Advances.

Giống như Edison, họa sĩ siêu thực Salvador Dali tin rằng việc gián đoạn giai đoạn chuyển tiếp này có thể thúc đẩy sự sáng tạo.

 Thói quen kì quặc cầm đồ vật này khi ngủ giúp Thomas Edison sáng tạo đột phá: Bạn có nên áp dụng?  - Ảnh 1.

Danh họa Salvador Dali

Bằng chứng khoa học công nhận hiệu quả của kĩ thuật này

Để kiểm chứng cho phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 103 tình nguyện viên giải một câu đố toán học sau khi thử mẹo ngủ ngắn bằng bóng của Edison, họ cũng được kết nối với một máy theo dõi giấc ngủ. Người tham gia sẽ lơ lửng ngay bên rìa giấc ngủ - một giai đoạn mà các nhà nghiên cứu về giấc ngủ hiện đại gọi là N1. Bài toán là phải chuyển đổi chuỗi 8 chữ số thành chuỗi 7 chữ số mới, bằng cách sử dụng các quy tắc cụ thể cho trước (chẳng hạn như "lặp lại số nếu chữ số trước và chữ số tiếp theo giống hệt nhau"). Càng đến số cuối, thì việc áp dụng các quy tắc sẽ càng khó và mất nhiều thời gian hơn. Các tình nguyện viên không được cho biết rằng các quy tắc dẫn đến một mẹo giải nhanh: Số thứ hai trong dãy đáp án 7 số cũng chính là số cuối cùng.

 Thói quen kì quặc cầm đồ vật này khi ngủ giúp Thomas Edison sáng tạo đột phá: Bạn có nên áp dụng?  - Ảnh 2.

Những người không tự tìm ra mẹo sau 30 lần thử được cho nghỉ ngơi 20 phút trên ghế trong phòng tối và nhắm mắt lại. Mỗi người cầm một chai nhựa trong tay phải trong khi các nhà nghiên cứu ghi lại hoạt động não của họ bằng mũ ghi điện não, đo sóng điện do các tế bào thần kinh tạo ra. Họ cũng được yêu cầu nói to những suy nghĩ hoặc hình ảnh trong đầu họ nếu bị giật mình tỉnh dậy do chai rơi.

Hầu hết những người ngủ kể lại những trạng thái hypnagogia khác nhau: những con số nhảy múa và hình dạng hình học, Đấu trường La Mã, một phòng bệnh với một con ngựa, v.v... Sau giờ ngủ giải lao, tình nguyện viên quay lại hoàn thành các bài toán.

Các nhà nghiên cứu không thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa nội dung hypnagogia và hiệu suất của họ trong nhiệm vụ giải toán. Nhưng nhìn vào hoạt động của não, họ phát hiện những người ngủ và bị gián đoạn trong giai đoạn đầu của giấc ngủ có khả năng tìm ra mẹo ẩn của vấn đề tốt hơn gấp ba lần so với những người thức. 20 trong số 24 người ngủ (83%) đã tìm ra mẹo, so với chỉ 15 trong số 59 người không ngủ (30%), theo kết quả báo cáo trên tạp chí Science Advances.

Liệu có nên bắt chước để thành “thiên tài”?

Trong khi khoa học ủng hộ niềm tin của Edison rằng giai đoạn giữa ngủ và thức sẽ mang đến những sáng tạo độc đáo (Einstein và Salvador Dali là một trong những bộ óc vĩ đại khác được đồn đại là đã sử dụng bí thuật của Edison), nghiên cứu mới nhất lại không nghĩ mọi người nên bắt chước theo.

 Thói quen kì quặc cầm đồ vật này khi ngủ giúp Thomas Edison sáng tạo đột phá: Bạn có nên áp dụng?  - Ảnh 3.

Nhiều người tái hiện lại kĩ thuật ngủ của Thomas Edison theo cách hiện đại

Trong nghiên cứu Science Advances, những người tham gia được đưa cho một chiếc ly uống nước để cầm thay vì một quả bóng, nhưng hầu hết không để rơi cho đến khi họ chìm vào giấc ngủ sâu hơn và kém sáng tạo (N2). Do đó, thủ thuật này không hiệu quả đối với những người đã đến giai đoạn sau của giấc ngủ. Nếu bạn đang muốn tìm kiếm sự sáng tạo ở bên lề ý thức, có lẽ tốt hơn hết là cứ nên ngủ tay không, đặt báo thức trong 20 phút tới và để tâm trí trôi bồng bềnh phiêu lãng thôi.

Có thể bạn sẽ bị ngủ sâu quá đến mức không tối đa hóa khả năng sáng tạo như đã định, nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn đang thực sự cần nghỉ ngơi. Nhưng trong nhiều trường hợp may mắn, chuông báo thức có thể đánh thức đúng lúc bạn đi vào vùng của giấc ngủ N1. Nên giữ một cuốn sổ ngay bên mình để ghi lại bất kỳ khoảnh khắc eureka nào bạn thu thập được.

Chắc chắn nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng nó có hiệu quả với những nhà phát minh vĩ đại nhất, ngại gì không thử!

Theo Inc

https://cafebiz.vn/thoi-quen-ki-quac-cam-do-vat-nay-khi-ngu-giup-thomas-edison-sang-tao-dot-pha-ban-co-nen-ap-dung-20220211155008188.chn

Theo Thu Ngân

Pháp luật và bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên