226 người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo gửi đại biểu về tình hình, kết quả triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 và đại biểu hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ mới.
- 24-03-2016Ông Hoàng Hữu Phước nói về việc tự ứng cử Đại biểu Quốc hội
- 22-03-2016Vì sao Bí thư, Chủ tịch TP. Đà Nẵng không ứng cử Đại biểu Quốc hội?
- 18-03-2016Con trai ông Nguyễn Bá Thanh ứng cử đại biểu HĐND khóa mới
- 17-03-2016Ông Đinh La Thăng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội
- 17-03-20162 Phó Thủ tướng được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội
Theo đó, tính đến 17 giờ ngày 13/3/2016 (là thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ ứng cử), đã có 197 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và 1012 hồ sơ gửi đến Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố (trong đó có 162 hồ sơ tự ứng cử).
Sau khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.146 người, đạt tỷ lệ 2,29 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu. Trong đó ứng viên ở Trung ương là 197 người, địa phương là 949 người, có 154 người tự ứng cử,
Về cơ cấu kết hợp chung của cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, người ứng cử là phụ nữ 420 người, tỉ lệ 36,65%, 240 người dân tộc thiểu số, chiếm 20,94%.
Có 226 ứng viên là người ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 19,72%. Đại biểu Quốc hội đương nhiệm tái cử là 187 người, tỉ lệ 16,32%.
Người ứng cử dưới 40 tuổi là 428 người, chiếm 37,35%.
Trong số 197 người ứng cử ở Trung ương thì khối cơ quan Đảng là 12 người (6,09%), khối cơ quan Chủ tịch nước và cơ quan tư pháp 5 người (2,54%) khối các cơ quan của Quốc hội có 113 người (57,63%), Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 17 người (8,63%).
Bộ Quốc phòng (gồm cả Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) là 15 người (7,61%), Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an) là 3 người (1,52%), Kiểm toán Nhà nước 1 người (0,51%), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là 31 người (15,74%).
Trong số 197 người nói trên có 29 phụ nữ, 17 người dân tộc thiểu số, tôn giáo 2 người, 7 người ngoài, tái cử 101 người và 6 người trẻ tuổi.
Báo cáo cho biết, tính đến 24/3/2016, Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nhận được 24 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Qua nghiên cứu đã xác định có 22 đơn, thư có nội dung liên quan đến người ứng cử và công tác bầu cử, trong đó có 1 đơn tố cáo người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, 1 đơn không liên quan đến bầu cử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, cho đến nay, công tác tổ chức chuẩn bị bầu cử trong phạm vi cả nước đang được triển khai đúng pháp luật và bảo đảm theo tiến độ đề ra, chưa có vấn đề phát sinh ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.