MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

41.000 người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

24-03-2016 - 08:58 AM | Xã hội

Theo tính toán của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định, trong mùa khô tới, sẽ có gần 41.000 người dân của tỉnh này bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, khu vực Trung bộ sẽ có lượng mưa phổ biến thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 30 - 50%. Trong khi đó, nước còn tích trữ trong các hồ chứa trên địa bàn Bình Định đã dần cạn kiệt.

Khắp nơi thiếu nước

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định, trong mùa khô tới địa phương sẽ có gần 8.000 hộ dân/291.050 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó huyện Hoài Nhơn thiếu 1.398 hộ, Phù Mỹ 1.400 hộ, Phù Cát 950 hộ, Tây Sơn 550 hộ, Vân Canh 468 hộ, TX An Nhơn 544 hộ, Hoài Ân 540 hộ, An Lão 403 hộ, Tuy Phước 300 hộ và thành phố Quy Nhơn 1.128 hộ.

“Thời gian thiếu nước sinh hoạt gay gắt từ giữ tháng 6 đến cuối tháng 8. Lúc cao điểm, số hộ bị thiếu nước có thể lên đến 10.000 hộ với 41.000 người”, ông Nguyễn Văn Tánh, GĐ Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định cho hay.

Theo ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, thì nếu tính toán sát sao, trong mùa khô năm nay sẽ có đến 3.800 hộ dân với khoảng 15.574 nhân khẩu trên địa bàn 16 xã, thị trấn thuộc huyện Phù Mỹ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do các giếng bị khô hoặc bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Nặng nhất là xã Mỹ Thành với 750 hộ, Mỹ Châu 260 hộ, Mỹ Chánh Tây 250 hộ.

“Hiện chúng tôi đã lên phương án vận chuyển nước từ các nhà máy cung cấp cho những khu vực bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như 2 năm trước đây. Đặc biệt, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng hoàn thiện các công trình cấp nước tập trung ở 2 xã Mỹ Thành và Mỹ Phong và đang triển khai tại 2 xã Mỹ Tài và Mỹ Châu”, ông Tân nói.

Còn ở huyện Hoài Nhơn thì vấn đề nước sinh hoạt đang rất căng thẳng tại xã Tam Quan Bắc. Nguyên nhân do địa phương này là khu dịch vụ hậu cần nghề cá, đang có đến 30 - 40 nhà máy SX đá lạnh để cung ứng cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ nên lượng nước tiêu hao cho hoạt động này là rất lớn.

“Một bất cập hiện nay các địa phương thường xuyên bị hạn hán đe dọa là kinh phí chống hạn được tỉnh phân bổ chỉ được sử dụng vào chênh lệch dầu và nạo vét kênh mương, chứ không được sử dụng vào việc cấp nước sinh hoạt. Trong khi mục tiêu đầu tiên trong công tác chống hạn là không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt”, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ bức xúc.

“Mùa khô tới đây, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn sẽ có các địa phương bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như: Xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, các thôn Bình Chương, Định Bình của xã Hoài Đức và thôn Chương Hòa của xã Hoài Châu Bắc. Tổng số hộ bị thiếu nước sinh hoạt lên đến gần 2.000 hộ”.

Làm sao để khắc phục?

Theo đề nghị của Chi cục Thủy lợi Bình Định, để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động kiểm tra, sửa chữa, khôi phục hoạt động của các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn. Huy động tối đa công suất các công trình cấp nước đang hoạt động, để vừa đảm bảo cấp nước cho những hộ nằm trong hệ thống, vừa ứng cứu cho các khu vực lân cận khi có yêu cầu. Chủ động kiểm tra, sửa chữa, khôi phục các giếng, ao và máy bơm để có thể sử dụng trong mùa khô này.

“Đặc biệt là các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình cấp nước tập trung, thành lập ngay ban quản lý vận hành công trình cấp nước để sớm đưa công trình vào khai thác. Ưu tiên hoàn thành sớm hạng mục khai thác và xử lý nước. Xây dựng hệ thống đường ống nước đến đâu, đấu nối ngay vào hộ gia đình đến đó”, ông Phan Như Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định nói.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, để thực hiện những đề nghị trên của Chi cục Thủy lợi là điều không dễ, bởi bị lấn cấn về kinh phí. “Tại các xã Mỹ Thành và Mỹ Phong đã xây dựng hoàn thành các công cấp nước tập trung, tuy nhiên, đường ống dẫn nước về các khu dân cư do nhiều năm không sử dụng đã bị hư hỏng nên chưa thể vận hành. Nếu Phù Mỹ có khoảng 1,1 tỷ đồng để lắp đặt đường ống cho 2 công trình cấp nước nói trên thì sẽ giải quyết được nước sinh hoạt cho cả ngàn hộ dân tại đây”, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho hay.

Còn ở huyện Phù Cát, 1.000 hộ dân ở xã Cát Hanh đang mong ngóng công trình cấp nước sạch được xây dựng tại dây sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để mùa khô tới sẽ thoát được cảnh “khát” nước. Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: “Tiến độ thi công công trình này đang được đẩy mạnh nhưng không biết có kịp cấp nước trong mùa khô này hay không, nếu không kịp thì sẽ rất căng”.

Cũng theo ông Anh, để giải quyết nước sinh hoạt cho 3.000 hộ dân ở xã Cát Tường, Sở NN-PTNT đã giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh khảo sát, đề xuất xây dựng trạm biến áp để đưa nước về các khu dân cư. Tuy nhiên, không biết bao giờ trạm biến áp mới được xây dựng.

Theo An Nhơn

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên