5 năm tới, Hà Nội cần khoảng 2.600 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển
Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16, ông Nguyễn Doãn Toản, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong 5 năm 2011 - 2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội ước đạt 714,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.
Cùng với đó, chi ngân sách địa phương ước 273.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân 7,7%/năm. Hà Nội cũng đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2011 - 2015) ước đạt 1.400 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2006-2010.
5 năm tới, Hà Nội cần khoảng 2.600 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển.
Theo ông Toản, tỷ trọng vốn ngoài nhà nước trong tổng đầu tư xã hội ngày càng tăng lên, điều này thể hiện rõ cơ cấu đầu tư đang theo xu hướng tích cực, đúng mục tiêu định hướng của đề án tái cơ cấu đầu tư, giảm dần tỷ trọng đầu tư công, tăng dần tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Đồng thời thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vào các chính sách phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã đồng ý về chủ trương, cho phép nghiên cứu triển khai 59 dự án BT, đến nay đã có 7 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư khoảng 11.728 tỷ đồng; 6 dự án đã ký hợp đồng, đang triển khai, các dự án còn lại đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2015 - 2020.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được tập trung đầu tư các công trình hạ tầng khung, các công trình quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế. Theo đó, 5 năm qua, Thành phố đã thực hiện nhiều dự án và chương trình lớn, ưu tiên hạ tầng đô thị, kịp thời bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm; từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên cơ sở đó diện mạo đô thị hiện đại hiện hữu từng ngày…
Tuy nhiên ông Toản cũng cho rằng, do sự tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế trong và ngoài nước nên dù đã nỗ lực song nguồn lực tài chính so với nhu cầu còn thấp, dẫn đến Thành phố phải thực hiện sắp xếp, giãn, hoãn tiến độ các dự án sử dụng vốn ngân sách trong đó có cả các dự án trọng điểm, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả dự án.
Công tác quản lý và sử dụng vốn ngân sách dù đã có những chuyển biến tuy nhiên vẫn còn hạn chế như: Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư vẫn còn dàn trải; năng lực triển khai dự án của một số chủ đầu tư, đơn vị thi công, các đơn vị tư vấn còn chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công, nhất là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước còn chưa cao, có nơi còn lãng phí.
“Trong 5 năm tới nhu cầu huy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội là khoảng 2.500 - 2.600 nghìn tỷ đồng để phục vụ đầu tư phát triển Thủ đô”, ông Toản nói.
Theo dự báo, tình hình kinh tế còn khó khăn, ông Toản đề xuất cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách; Đẩy mạnh các giải pháp khai thác, quản lý, chống thất thu ngân sách.
Ngoài ra, tiếp tục xem xét phát hành trái phiếu xây dựng công trình cho một số dự án thuộc lĩnh vực y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đê điều, thủy lợi.
Tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, hoàn thiện quy trình quản lý dự án đầu tư ngay từ khâu lập chủ trương đầu tư dự án, thực hiện dự án, đưa dự án vào khai thác sử dụng và quản lý sau đầu tư. Đồng thời, tăng cường giám sát trong việc huy động, quản lý và sử dụng ngân sách; công khai ngân sách theo quy định của Luật ngân sách cùng với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Infonet