MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ðầu năm đi nước nào việc nhiều, lương cao?

16-02-2016 - 07:48 AM | Xã hội

Nhật và Đài Loan tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam trong năm 2016.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết bình quân mỗi năm hai thị trường này tiếp nhận hàng chục ngàn lao động Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu lao động có tay nghề càng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.

Ði để lo cho con ăn học

Chị Ngô Thị Thảo, quê Nghệ An cho hay đang theo học nghề vắt sữa bò kéo dài sáu tháng. Khóa học sẽ kết thúc vào giữa tháng 4-2016, sau đó chị sẽ sang Nhật làm việc. Nội dung học bao gồm tiếng Nhật, kỹ thuật vắt sữa, văn hóa giao tiếp, ứng xử... Theo chị Thảo, với lao động nông thôn như chị các khóa học này khá nặng vì thời gian tương đối dài cộng thêm chi phí ăn ở đắt đỏ tại TP.HCM. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với giáo viên và chuyên gia người Nhật mới thấy việc học là cần thiết để sang đó khỏi bỡ ngỡ và sai sót trong lao động.

Chị Hà Thị Thanh, quê Quảng Bình cho biết mấy năm trước chị từng làm công nhân chà gỗ ở Bình Dương. Sau đó chị về quê chăm hai đứa con và làm nông một thời gian. Do kinh tế eo hẹp nên năm nay chị bàn với chồng đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền sửa lại cái nhà và lo tương lai con cái. Chị Thanh tâm sự: “Chồng tôi cũng đi làm ăn khắp nơi nhưng thu nhập không đủ trang trải đời sống gia đình chứ nói gì lo cho con học hành. Thôi thì trăm sự hy sinh vì con”.

Toàn bộ chi phí của mỗi lao động trước khi xuất cảnh khoảng 140 triệu đồng. Số tiền này phần lớn do người lao động vay ngân hàng hoặc người thân. Trong khi đó, lương sau khi trừ các khoản chi phí còn khoảng 18 triệu đồng/tháng. “Nói chung chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn nhưng với thu nhập sau một năm tôi sẽ trả được số nợ, hai năm còn lại dành dụm tích cóp gửi về gia đình cho con cái học hành” - chị Thanh tính toán.

Muốn được thử thách

Anh Nguyễn Tiến Long, quê Thanh Hóa, đang theo học khóa tiếng Đức và nghề điều dưỡng tại TP.HCM để chờ phỏng vấn xuất cảnh sang CHLB Đức. Theo Long, đây là quyết định khó khăn vì học tiếng Đức rất khó, công việc lại đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng thuần thục nên phải cố gắng để không phụ lòng cha mẹ. Long cho biết gia đình đã phải mượn tiền bà con, bán bò, vay ngân hàng để lo cho anh theo học. “Em đã suy nghĩ rất nhiều. Kiếm một nghề không khó nhưng em muốn thử thách cơ hội làm việc ở nước ngoài. Với nghề này ở Đức, thu nhập hằng tháng của em gần 45 triệu đồng/tháng” - Long nói.

Anh Phạm Hùng làm thực tập sinh nghề cơ khí gần một năm tại Nhật Bản, đánh giá nhu cầu lao động trong nghề này tại Nhật khá cao. Công nghệ tự động đòi hỏi người đi làm có kiến thức ban đầu về cơ khí, sau khi sang Nhật tiếp tục được nhân viên các công ty tiếp nhận hướng dẫn thêm. Theo anh Hùng, các doanh nghiệp Nhật có xu hướng tuyển lao động Việt Nam do có sự sáng tạo, chịu khó. Tuy nhiên, tính kỷ luật luôn đặt lên hàng đầu, đặc biệt về giờ giấc, tác phong công nghiệp, trang bị bảo hộ làm việc, an toàn lao động.

Anh Hùng cho hay sau gần một năm làm việc anh dành dụm được 100 triệu đồng, so với số tiền chi phí ban đầu khoảng 130 triệu đồng. “Ngoài mục tiêu kiếm tiền, thực tập sinh sang Nhật có nhiều cơ hội tiếp cận máy móc công nghệ cao. Đặc biệt là tác phong công nghiệp, kỷ luật làm việc nghiêm ngặt. Với những kinh nghiệm học được hy vọng khi hết hợp đồng về nước em sẽ tìm được công việc ổn định ở công ty Nhật đầu tư tại Việt Nam” - anh Hùng lạc quan nói.

Nhu cầu lao động tại Nhật tăng 30%

Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh tại TP.HCM, nhận định năm 2016 tiếp tục là năm có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang Nhật làm việc, với mức tăng 30% so với năm 2015. Riêng chi nhánh công ty tại TP.HCM năm nay có nhu cầu tuyển 500 thực tập sinh (năm 2015 là 300).

Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn cho biết trong năm 2016 công ty có nhu cầu tuyển 1.000 lao động sang Nhật, tập trung vào các nghề xây dựng, cơ khí, sửa chữa máy móc, đóng gói, in ấn, chế biến thực phẩm, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thủy sản, may mặc... Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, thông tin thực tập sinh mức lương cơ bản khoảng 25 triệu đồng/tháng, chưa tính phụ cấp, tiền làm thêm giờ. Thực tập sinh có thời gian tu nghiệp tại Nhật ba năm và có thể gia hạn thêm hai năm, đồng thời được chủ sử dụng lao động hỗ trợ bố trí chỗ ở.

Riêng thị trường CHLB Đức, dự kiến tháng 3-2016 Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục thảo luận với đoàn công tác phía Đức tại Việt Nam để đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc ở các bệnh viện. Tương tự, Việt Nam tiếp tục đàm phán với phía Hàn Quốc để tiến tới ký kết hiệp định bình thường, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu lao động sang Hàn.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015 cả nước có khoảng 115.900 lao động xuất khẩu, trong đó có hơn 38.000 lao động nữ. Dự kiến năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ đưa hơn 100.000 lao động ra nước ngoài. Các thị trường trọng điểm tiếp tục được xác định là Nhật Bản và Đài Loan. Ngoài ra, Thái Lan, Malaysia, Algeria, Hàn Quốc vẫn tiếp tục thu hút lao động Việt Nam.

 

 

Theo Phong Điền

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên