MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Băn khoăn thu hồi đất làm giàu cho đại gia

06-11-2013 - 10:50 AM | Xã hội

Hiến pháp cần quy định thật chặt chẽ những trường hợp thu hồi, làm cơ sở để Luật Đất đai cụ thể hóa, tránh việc lạm dụng thu hồi tràn lan, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.

Minh bạch trong thu hồi đất

Ngày 5/11, QH đã dành trọn 1 ngày để các đại biểu QH thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, sau khi đã tổng hợp ý kiến trong quá trình thảo luận tại tổ trước đó.

Liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai, thu hồi đất và trưng dụng đất, trong báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH (Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) Phan Trung Lý, sở hữu toàn dân về đất đai là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội quan trọng. Vì vậy, đề nghị QH cho giữ quy định về sở hữu đất đai như trong Dự thảo.

Trong khi đó, đề cập đến nội dung thu hồi đất, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, đa số ý kiến tán thành với quy định về thu hồi đất như Dự thảo. Một số ý kiến băn khoăn về quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì cho rằng, thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

“Để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích Quốc gia thì Nhà nước vẫn cần thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề ở chỗ là Luật Đất đai phải quy định thật cụ thể các trường hợp thu hồi đất và việc thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và phải được bồi thường. Vì vậy, đề nghị QH cho giữ quy định về thu hồi đất như đã thể hiện tại Điều 54 của Dự thảo” - ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Dân không thể chịu thiệt

Khi đề cập đến nội dung thu hồi đất trong dự thảo Hiến pháp. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho biết, đơn thư khiếu nại tố cáo có đến 70 - 75% rơi vào lĩnh vực đất đai, đặc biệt là vấn đề thu hồi đất, giá đất, tái định cư, việc làm sau khi bị thu hồi đất. “Tôi tán thành cần phải quy định thu hồi đất như nội dung dự thảo Hiến pháp, tuy nhiên cần phải quy định thật chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để Luật Đất đai quy định, tránh việc lạm dụng thu hồi tràn lan, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”, ông Nhiên nói.

Cũng theo đại biểu TP Hải Phòng, ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án, cần phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất để tránh bị thiệt thòi cho người dân và giảm bớt đơn thư tố cáo của người dân đối với các cấp chính quyền.

Trong khi đó, theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), chủ sở hữu (Nhà nước) trao quyền sử dụng đất cho người dân và khi cần thiết theo luật định thì thu hồi, nhưng phải đảm bảo lợi ích người sử dụng. 

“Nhà nước là chủ đại diện sở hữu đất đai, nhưng trong nhiều trường hợp không biết ai là Nhà nước thực sự, chính quyền T.Ư hay chính quyền địa phương. Do đó dẫn đến tình trạng lạm dụng, lạm quyền trong thu hồi đất, xâm hại lợi ích của người dân và quốc gia. Trong một số trường hợp, đất đai được chuyển từ người dân với giá thấp sang một số ít người được gọi là “đại gia” để rồi thu lợi lớn hơn, trong khi dân thiếu hoặc không có đất, dẫn đến bất bình trong dân. Luật Đất đai sắp tới phải cụ thể hóa Điều 53, 54 của Hiến pháp thành những quy định minh bạch, cụ thể các trường hợp thu hồi đất, đồng thời có cơ chế định giá đất phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân khi thu hồi đất.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, cần quy định rõ việc thu hồi đất đai bắt buộc và tự nguyện. 

“Nói thu hồi đất bắt buộc có nghĩa là ngoài mục đích thu hồi đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì Nhà nước chỉ thực hiện công tác thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng: Giao thông, dự án xây dựng trường học, bệnh viện... tức là bao gồm cả phát triển kinh tế - xã hội. Còn nói thu hồi đất đai tự nguyện có nghĩa là đối với các dự án công trình tư nhân, vì lợi ích kinh doanh của chủ đầu tư thì chủ đầu tư đó tự thỏa thuận với người dân để mua quyền sử dụng đất. Tức là Nhà nước không đứng ra thu hồi đất cho các trường hợp này. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những quy định cụ thể thực hiện cơ chế này để việc thu hồi đất được thuận lợi. Trong trường hợp này, ngoài nguyên lý công khai, minh bạch, phải bảo đảm công bằng và đảm bảo lợi ích của công dân”, đại biểu tỉnh Quảng Ngãi nói.

Theo Minh Tiến

hangnt

Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên