MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động thất nghiệp lao động có trình độ

08-07-2014 - 15:40 PM | Xã hội

Cả doanh nghiệp (DN) nội và DN FDI không ngừng kêu thiếu nhân lực chất lượng cao nhưng nghịch lý ở chỗ, tỷ lệ lao động có trình độ bị thất nghiệp vẫn tăng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc- Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), quý I/2014, cả nước có 1,045 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 145,8 nghìn người so với quý IV/2013.

Đáng chú ý, nhóm lao động có trình độ cao vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong tìm việc làm: 162,4 nghìn người có trình độ đại học trở lên (4,14%) và 79,1 nghìn người có trình độ cao đẳng (6,81%) thất nghiệp. Xét về độ tuổi, có 504,7 nghìn thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp, tăng 54,4 nghìn người so với cùng kỳ.

Tại TP. Hồ Chí Minh- nơi thu hút lực lượng lao động lớn trong cả nước, trong tháng 6, thị trường lao động thành phố có nhu cầu tuyển dụng 20.000 vị trí, trong đó nhu cầu tuyển dụng của các DN trong các khu chế xuất - khu công nghiệp là 5.000 người.

Dù nhu cầu tương đối lớn, song đa phần người lao động không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Báo cáo của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều ngành nghề, lĩnh vực luôn ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực chất lượng cao như: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo…

Lý giải sự “vênh” giữa cung – cầu lao động, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh- cho rằng, bản thân người lao động hiện nay ngoài chuyên ngành đã học, không tự trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng mềm cần thiết cho công việc.

Bên cạnh đó, các trường cao đẳng, đại học mở ra rất nhiều nhưng quá trình đào tạo chưa gắn kết với DN. Vì vậy, kiến thức đào tạo trong nhà trường không áp dụng được vào thực tiễn sản xuất- kinh doanh của DN. Để đáp ứng yêu cầu công việc, sau khi tuyển dụng, DN cũng phải bỏ ra chi phí không nhỏ để đào tạo lại cho phù hợp.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phê duyệt đề án về trường đào tạo nghề chất lượng cao, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu của DN.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và DN để tránh lãng phí do phải đào tạo lại. Để hạn chế được tình trạng mất cân đối cung-cầu, cân bằng thị trường lao động, giảm bớt sự “lệch pha” giữa đào tạo và yêu cầu thực tế, các DN cũng nên chủ động xây dựng quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo với các trường để bảo đảm sự thống nhất giữa đào tạo và nhu cầu thị trường, tạo nguồn cung nhân lực phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Về phía nhà trường, cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình dạy để bắt kịp xu thế sử dụng lao động của DN; đồng thời mở những lớp tư vấn hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển.

>>>Số liệu tỷ lệ thất nghiệp "bác" chuyện tăng tuổi hưu?

Theo Hoàng Hải

cucpth

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên