MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao giờ hết cảnh nợ lương

17-03-2015 - 14:18 PM | Xã hội

Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, trước cảnh nợ lương người lao động như hiện nay nếu không có các giải pháp mạnh tay hơn thì khó mà hạn chế được.

Khó khăn lắm Nguyễn Quang Xuyên (Quốc Oai – Hà Nội) mới xin được vào làm việc cho công ty TNHH gạch xây dựng. Thế nhưng chỉ 3 tháng đầu Xuyên được nhận lương đúng ngày, từ tháng thứ 4 lương lúc nào cũng chậm có khi thì 10 ngày, có tháng lên tới 20 ngày.

Dần dà Xuyên đi làm chỉ được hỗ trợ tiền ăn, lương doanh nghiệp xin khất. "Sau 3 tháng không thấy công ty trả lương, quá chán nản, em xin sang làm công nhân nhà máy giấy trên đường Hòa Lạc, Hà Nội. Cứ ngỡ sang đây được cải thiện hơn không ngờ lương còn nợ lâu hơn” – Xuyên tâm sự.

Báo cáo của nhiều địa phương cho thấy, hầu hết những doanh nghiệp nợ lương người lao động là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hoặc đã tạm dừng sản xuất, chờ thực hiện thủ tục giải thể. Theo TS Nguyễn Quang Thọ, mặc dù chưa có những thống kê chính xác, song con số nợ lương không chỉ dừng lại ở gần 60 tỷ đồng như báo cáo của Bộ LĐTB&XH mà còn lên vài nghìn tỉ đồng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là số nợ này tập trung ở những doanh nghiệp đã phá sản. 

Tốt nghiệp bằng khá khoa kế toán trường Đại học Thương mại, Lý xin vào làm việc tại công ty TNHH Hoàng Tùng. Tuy mức lương không cao (5 triệu đồng/tháng) nhưng trong thời buổi cử nhân thất nghiệp nhan nhản, với Lý đây là chỗ làm khá lý tưởng.

Thế nhưng công việc cũng chỉ thuận buồm xuôi gió mấy tháng đầu, về sau là điệp khúc: Công ty đang khó khăn nên rất cần sự sẻ chia của người lao động. Không có lương, mọi nhu cầu của Lý đều bị cắt giảm tối đa.

Thậm chí, ngay cả những nhu cầu thiết yếu như ăn uống cũng phải dè xẻn. Khổ nhất là những ngày đầu tháng, chủ nhà tới thu tiền trọ, Lý đều phải trốn, khất lần, khất lượt vì công ty nợ lương.

Dẫu thế Lý không dám xin nghỉ vì nghỉ cũng đồng nghĩa với việc khoản lương bị công ty nợ sẽ không cánh mà bay. "Nhiều người không trụ được đã đi nhưng có người đi cả năm nay vẫn chưa được công ty cũ trả cho đồng lương nào” - Lý than thở.

Đình chỉ sản xuất nếu để nợ lương 

Đề cập tới chất lượng cuộc sống của người lao động, TS Vũ Quang Thọ cho hay, trong khoảng thời gian 5-6 tháng nay, đời sống người lao động đã được cải thiện đáng kể. Trong đó nhờ các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ như tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2015, giá các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.

Tuy lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, song quan hệ lao động được cải thiện khá rõ. Bằng chứng rõ nét nhất là đầu năm 2015 không có thực trạng nhảy việc trầm trọng như những năm 2012, 2013. Tình trạng đình công, ngừng việc tập thể cũng giảm đáng kể (giảm 38 cuộc so với năm 2014). Tuy nhiên vấn đề nợ lương của người lao động vẫn là vấn nạn gây bức xúc cho người lao động.

"Phải trả thêm lãi, phạt mức tối đa 75 triệu đồng nếu để nợ lương người lao động, là những quy định nhân văn nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thế nhưng trước cảnh nợ lương như cơm bữa như hiện nay, nếu không có những giải pháp mạnh tay hơn thì quy định này xem ra khó đủ sức răn đe để có thể bảo vệ được người lao động.” - ông Thọ nói.

Lý giải cho quan điểm của mình, ông Thọ dẫn chứng, theo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải trả lãi cho người lao động. Theo đó, khoản tiền này ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, nếu bị chậm trả lương 15 ngày thì một lao động có mức lương 5 triệu đồng chỉ nhận được 3.000 đồng tiền lãi. Số tiền này là quá nhỏ trong khi hậu quả của việc chậm lương đối với người lao động là rất lớn.

Nhiều người lao động kì vọng với quy định phạt số tiền lên tới 75 triệu đồng sẽ khiến các doanh nghiệp hạn chế thực trạng cố tình nợ lương. Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng, nếu ngành chức năng làm hết  trách nhiệm, mạnh tay hơn thì có thể được xem là giải pháp giúp người lao động bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên tính khả thi của nó là vô cùng khó, bởi việc kiểm tra, xử phạt không dễ. Nhất là với những doanh nghiệp "thoi thóp đợi phá sản” thì biện pháp này chỉ mang tính chất "xoa dịu”.

"Nợ lương người lao động đồng nghĩa với việc đẩy người lao động vào tình thế khó khăn về kinh tế, làm xáo trộn đời sống gia đình của họ. Theo tôi, ngoài những giải pháp trên cần đình chỉ sản xuất đối với những doanh nghiệp cố tình nợ lương NLĐ. Còn đối với những doanh nghiệp đang "thoi thóp” thì Nhà nước cho phát mãi tài sản doanh nghiệp đó để bù đắp về quyền lợi cho người lao động” – ông Thọ kiến nghị.  

Theo Lan Hương

 

PV

Báo Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên