MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không hiệu quả vì thiếu tiền, ít người

08-01-2016 - 09:41 AM | Xã hội

Thiếu kinh phí hoạt động; tổ chức, mô hình hoạt động không đồng nhất các đầu mối là nguyên nhân khiến công tác bảo vệ người tiêu dùng chống lại thực phẩm bẩn, hàng giả hàng nhái thời gian qua không được hiệu quả.

Việc phân trách nhiệm chưa rõ cũng khiến hội bảo vệ người tiêu dùng các địa phương có tiếng nói yếu ớt.

Đây là ý kiến được đại diện nhiều hội bảo vệ người tiêu dùng các địa phương nêu tại Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) giai đoạn 2011-2015 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/1.

Bảo vệ người tiêu dùng, vướng nhiều thứ

Thừa nhận công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, do công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm đến quyền lợi NTD của các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm. Các cơ quan quản lý chưa chủ động giải quyết những bức xúc của NTD mà thường NTD bị thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc. “Trên thực tế còn một số doanh nghiệp còn hành NTD khi họ mua phải hàng bị kém chất lượng”, ông Hải cho biết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Trần Vinh Nhung cho rằng, công tác bảo vệ quyền lợi NTD yếu kém một phần do đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp, rộng lớn có liên quan hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Trong khi nhân lực không có đủ. Sở Công Thương TPHCM mới bố trí được 1 công chức thực hiện công tác này. Ở cấp quận, huyện hầu như chưa bố trí được nhân lực. “Sở kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh hoặc Bộ Công Thương thành lập các trung tâm hòa giải trên cả nước (ban đầu có thể thành lập ở 3 khu vực là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM) theo hướng bố trí một số ít nhân lực cơ bản để thực hiện công việc chính yếu, điều hành hằng ngày, nhân lực còn lại làm cộng tác, kiêm nhiệm”, ông Nhung đề xuất.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Trịnh Anh Tuấn cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi NTD đang bị vướng rất nhiều thứ, từ quy định đến nhân lực và cả kinh phí hoạt động. Như tại Bộ Công Thương, cụ thể Cục Quản lý cạnh tranh, cũng chỉ có hơn 10 cán bộ chuyên trách về công tác này với một nguồn ngân sách khá eo hẹp. Với nguồn nhân lực và kinh phí hiện có, hầu như Cục Quản lý cạnh tranh chỉ có thể thực hiện một số lượng rất hạn chế những hoạt động có tính định hướng cho các địa phương mà chưa có phối hợp nhiều, hỗ trợ hữu hiệu và trực tiếp cho các địa phương.

Thứ trưởng cũng thấy mơ hồ về quyền lợi NTD

Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, việc thiếu kinh phí hoạt động chỉ là một trong những lý do của việc nhiều Hội bảo vệ NTD hoạt động không hiệu quả. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng của người làm công tác bảo vệ quyền lợi NTD. “Các nhà sản xuất của Việt Nam và cộng đồng xã hội, phải vì lợi ích chung toàn cục và lợi ích của NTD cần lên tiếng tố giác, chỉ rõ các điểm làm hàng giả, hàng nhái để lực lượng chức năng có thể vào kiểm tra”, ông Bằng nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay chưa có đầu mối nào đứng ra nhận công tác nâng cao nhận thức của họ về các quyền lợi của mình. Ông Khánh cho rằng, bản thân ông cũng là NTD và là người phụ trách công tác bảo vệ quyền lợi NTD của Bộ Công Thương, nhưng đôi lúc cũng thấy mơ hồ về quyền lợi của mình. “Việc đầu tiên của chúng ta là phải giúp NTD hiểu rõ về quyền lợi của mình”, ông Khánh nói.

Theo đại diện Bộ Công Thương, công tác bảo vệ thực sự không phải của riêng ngành công thương, hội bảo vệ mà là trách nhiệm của các cấp ngành. Cần có sự phối hợp về chức năng thật chặt chẽ, khắc phục biểu hiện là phó mặc tất cả cho hội bảo vệ NTD. “Cần khẳng định rõ công tác bảo vệ NTD không phải là việc riêng của Hội Bảo vệ NTD Việt Nam. Việc phân định trách nhiệm sẽ giúp tránh được 2 thái cực: Những người làm công tác bảo vệ quyền lợi NTD nghĩ là làm được tất cả mọi việc cũng như các cơ quan khác nghĩ đây không phải việc của mình. Sẽ giao Cục Quản lý cạnh tranh xem xét lại các quy định của pháp luật về hoạt động của Hội Bảo vệ NTD Việt Nam”, ông Khánh nói.

Ngoại trừ Hà Nội hằng năm dành khoảng 1 tỷ đồng (ngân sách và xã hội hóa), các địa phương khác hầu như chỉ thực hiện một vài hoạt động với kinh phí từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm, thậm chí nhiều địa phương còn hoàn toàn không có kinh phí để triển khai công tác này. Ngay cả điểm sáng Thủ đô Hà Nội, tính trung bình mỗi năm chi cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chỉ khoảng 1.000 đồng/ người dân.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên