MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị cáo Dương Chí Dũng sẽ bị tuyên án vào ngày 7/5

29-04-2014 - 09:20 AM | Xã hội

Tòa kết thúc tranh luận, trước khi tòa nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng...

11h35: HĐXX tuyên bố nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 7/5.

11h30:
Tòa kết thúc tranh luận, trước khi tòa nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.

Trong lời sau cùng, Dương Chí Dũng nói: "Để xảy ra sai phạm tại Vinalines, bị cáo nhận tội, không chối cãi. Bị cáo trông cậy vào tâm từ đức độ, sự công minh của HĐXX để không xảy ra tình trạng "quýt làm cam chịu"... Nếu chưa chứng minh được bị cáo có tội thì xin cho bị cáo được sống…."



11h25: Phần trình bày của mình, Bị cáo Dương Chí Dũng nói: "Bị cáo không muốn nói, vì cảm thấy mệt mỏi".

Tuy nhiên, Dương Chí Dũng xin được trình bày thêm, anh Việt là người trợ lý, đón Dũng từ sân bay trong ngày Sơn khai mang tiền đến khách sạn Victory cho Dũng. Sau đó 2 người đi ăn luôn, chưa về khách sạn. Dũng nói vừa nhớ ra chi tiết này, đề nghị xác minh.

11h15: Bị cáo Bùi Thị Bích Loan được HĐXX cho phép trình bày. Loan nói: Bị cáo không có đơn kháng cáo. Nhưng bị cáo có ý kiến, ngày 17/3/2008, dù không có đủ chứng từ nhưng bị cáo vẫn chuyển 10% tiền vào tài khoản đặt cọc chung. Khi đoàn nhận ụ thì mới nhận hồ sơ chứng từ đầy đủ đó. “Bị cáo xin đính chính chi tiết này của VKS”, bị cáo Loan nói.11h00: Các luật sư tiếp tục nêu quan điểm bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo ngành Hải quan và bị cáo Mai Văn Khang.

Luật sư Trần Đình Triển cung cấp thêm bằng chứng mới về bảng lương của công ty do Trần Hải Sơn quản lý. Theo đó, bảng lương mà luật sư Triển cung cấp, anh Quỳnh – lái xe, chính thức có tên trong bảng lương của công ty từ tháng 9.

10h45:  Luật sư Thiệp bổ sung, nhận định nhận xét các văn bản ủy thác văn bản tư pháp từ Nga. "Tại sao có những tài liệu có từ năm 2013 và đầu năm 2014 thì giờ mới đưa cho HĐXX? Công văn yêu cầu của Cơ quan điều tra không kèm theo để chúng tôi biết nội dung gì. Phía Nga nói sẽ chuyển tiếp nội dung vụ việc, vậy nhưng tài liệu tiếp theo sẽ là gì?".

 Luật sư Thiệp cho rằng, tài liệu hỗ trợ tư pháp chỉ có hai tài liệu đáng xem xét. Ông Thiệp cũng nghi ngờ năng lực của người dịch tài liệu vì việc viết thông tin cơ bản nhất “kiểm soát” và “kiểm sát” cũng không phân biệt được.

Luật sư Thiệp nhận định, hình thức tài liệu không đảm bảo, nội dung không đáng quan tâm. 

"Diễn biến phiên tòa khẳng định việc khảo sát ụ nổi 220, ụ nổi 83, khảo sát, giao dịch đối tác, nhận tiền… là Trần Hải Sơn. Vậy ở đây ai là người nắm vai trò quyết định ở đây?. Đặc biệt, việc chào giá 9 triệu USD với ụ nổi 83M, Sơn là người nhận. Khi Phúc biết thì “gạo đã nấu thành cơm”- Luật sư Thiệp nêu vấn đề.

10h31: Luật sư Triển tiếp tục làm rõ việc thời gian chuyến bay Dương Chí Dũng vào TP HCM như vé máy bay mà luật sư đã cung cấp và lời khai của anh Quỳnh – lái xe của bị cáo Sơn.
 
Luật sư Triển cũng cho rằng, có căn cứ khẳng định Sơn nhận toàn bộ số tiền 1,67 triệu USD.

Luật sư Triển bảo lưu quan điểm trả hồ sơ, điều tra lại.

10h21: Luật sư Huy Được quay lại vấn đề về giao dịch của ngân hàng là không có giao dịch của Trần Hải Sơn. Luật sư đề nghị cần phải có thời gian để làm rõ vấn đề này. Đại diện ngân hàng khẳng định 95% không có giao dịch. "Quý đại diện VKS khẳng định là không biết có hay không việc giao dịch, nhưng vẫn cáo buộc đối với cáo bị cáo là không chắn chắn".

Luật sư Được cũng đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.

10h18: Luật sư Ngô Ngọc Thủy vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra lại để làm sáng tỏ vụ án. 

Nêu ý kiến tại phần tranh luận, luật sư Ngô Ngọc Thủy nêu, cần thẩm định lại việc anh Quỳnh xem đã đi làm cho Sơn từ tháng 3 hay tháng 8/2008 mới bắt đầu làm. 

Tình tiết khác là đến thời điểm này Ngân hàng Hàng hải cũng chưa xác định được có việc Trần Hải Sơn rút tiền để mang đến cho Dũng, Phúc theo lời khai không. Việc tra soát này cần thêm thời gian.

Luật sư Thủy cho rằng, nội dung không nên bó hẹp ở những văn bản như tòa công bố sáng nay mà phải làm rõ ai là người đưa ra con số 1,67 triệu USD mà GS chỉ định Công ty AP chuyển về cho Phú Hà.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra lại để làm sáng tỏ vụ án.

 10h00:
Sau phần kết luận của Viện Kiểm sát, bị cáo Mai Văn Phúc đề nghị được nêu quan điểm. Theo quan điểm của Phúc, số tiền 1,67 triệu USD nằm hoàn toàn trong tay Sơn. “Trong két của nhà Sơn hiện nay đang “tồn” 6 tỷ đồng”, bị cáo Phúc nói.

Tranh luận với đại diện VKS, Sơn trình bày, Sơn cùng Khang cùng Chiều vào báo cáo bị cáo Phúc, nhưng Phúc vẫn chỉ đạo, vẫn phải hoàn thiện hồ sơ, phải mua bằng được ụ nổi 83M.

Bị cáo Phúc khẳng định Sơn vu khống. Sơn đã thỏa thuận với phía Nga và Công ty AP. Việc ăn chia cũng đã thực hiện xong hết rồi. "Việc ăn chia cũng đã thực hiện xong hết rồi. Chiều cũng khẳng định, bị cáo không chỉ đạo mua ụ nổi".




9h45: 

Viện Kiểm sát đánh giá, việc Sơn khai đưa tiền cho Dũng là khoảng 18h, có thể hơn, có thể kém, chứ không thể chuẩn xác như vậy.  Viện Kiểm sát cho rằng, vé máy bay cũng Dũng bay vào là lúc 15h và  từ lúc bay đó để đến được khách sạn lúc 18h là hoàn toàn có thể thực hiện.

Sơn gọi điện cho Dũng bằng điện thoại khi Dũng đang ở trên máy bay. Tại lời khai của Sơn thì “trước đó, Sơn có gọi cho Dũng bằng điện thoại”. Không có thời gian cụ thể, nói Sơn điện thoại cho Dũng khi đang đi máy bay.

Hợp đồng lao động của Quỳnh, luật sư trình hợp đồng 29/8. Hợp đồng lao động của người lái xe tên Quỳnh, như giải thích của Sơn, Quỳnh lái xe cho Sơn từ khi thành lập công ty. Do công ty lúc đó chưa ổn định nên chỉ ký hợp đồng ngắn hạn 1 tháng. Do đó không có căn cứ để bác việc Quỳnh không lái xe cho Sơn ở thời điểm đó.

Vấn đề thứ hai, luật sư Triển đưa văn bản của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu… cho nên việc quyết định nhà máy sửa chữa tàu ở phía Nam đúng quy định của pháp luật. Văn bản này được trình tại phiên tòa sơ thẩm, không có công chứng – không phải là chứng cứ. VKS cứ cho rằng, văn bản này có thật. Văn bản này ký vào ngày 1/10/2008, trong khi đó ụ nổi đã mua về từ lâu lắm rồi. Cho nên văn bản này không có giá trị trong việc khẳng định Dũng không Cố ý làm trái.

Vấn đề thứ 3, luật sư xuất trình văn bản của Ngân hàng Hàng hải trả lời bà Ngô Thị Vân lưu giữ chứng từ giao dịch, trong đó có CMND có giá trị 30 năm. Viện KS cho rằng, Ngân hàng vận dụng thông tư trả lời văn bản này không chính xác. Có hay không có tra ở dữ liệu, ngân hàng trả lời là ngân hàng tiến hành lưu giữ tài liệu của ngân hàng.

Đối với giao dịch bằng CMND của Trần Hải Sơn, ngân hàng không lưu trữ được nên ngân hàng không cung cấp được giao dịch này. Đại diện ngân hàng hàng hải tại phiên tòa cũng khẳng định là chưa thấy giao dịch.

Vấn đề thứ 4, có thư chào giá ụ nổi 83M đối với ông Trung – Phó TGĐ Vinalines. Ông Trung khai là không liên quan đến việc tìm kiếm, mua bán ụ nổi 83M.

Vấn đề thứ 5, về lời tuyên thệ của ông Goh, đại diện VKS không nhắc lại vấn đề này.

VKS cũng làm rõ thêm vai trò của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trong việc chỉ đạo mua ụ nổi.

Đối với việc hỗ trợ tư pháp, VKS tiếp tục khẳng định đúng quy trình của pháp luật. Đại diện VKS cũng không yêu cầu, trong căn cứ, đại diện VKS đưa ra 6 căn cứ để khẳng định các bị cáo tham ô 1,67 triệu USD.

Quan điểm của VKS, với nội dung tài liệu của HĐXX công bố tại phiên tòa, không ảnh hưởng đến việc truy tố các bị cáo.

Đại diện VKS cho rằng, việc quay lại phần xét hỏi không có gì mới và giữ nguyên quan điểm trước đó tại phiên tòa phúc thẩm.

9h40

Qua phần trở lại xét hỏi, Viện Kiểm sát nhận thấy, xét hỏi của HĐXX tập trung vào các vấn đề luật sư xuất trình tài liệu chứng cứ mới tại phiên tòa, chứng minh lời khai của bị cáo có nhiều mâu thuẫn và việc tương trợ tư pháp.

Trên cơ sở tài liệu chứng cứ vụ án, và xét hỏi tại phiên tòa, VKS đánh giá lại việc luật sư Triển xuất trình xuất vé máy bay của Dương Chí Dũng bay vào TP HCM và hợp đồng anh Quỳnh (lái xe) để chứng minh việc Sơn khai gọi điện thoại cho Dũng, đưa 5 tỷ đồng cho Dũng ở TP HCM là không có cơ sở, vì lúc đó Dũng đang ở trên máy bay. Việc Sơn gọi điện cho Dũng thì Dũng đang ở trên máy bay. Việc Quỳnh đón Sơn tại khách sạn là không đúng vì Quỳnh chưa làm việc cho Sơn .

9h30: HĐXX chuyển sang thẩm vấn. Trước khi thẩm vấn, đại diện Viện Kiểm sát đưa ra kết luận vụ án.

9h24: HĐXX yêu cầu đại diện Ngân hàng Hàng hải trả lời về yêu cầu tra soát, giao dịch chuyền tiền của Trần Hải Sơn trong năm 2008 tại chi nhánh Hà Nội và Hải Phòng và giao dịch rút tiền bằng chứng minh nhân dân 6/2008 -2/2009 của Trần Hải Sơn. 

Ông Khang – đại diện Ngân hàng Hàng hải cho biết, đã huy động cán bộ chuyên môn tốt nhất ra soát cả đêm nhưng vẫn chưa tìm thấy các giao dịch này. Đại diện Ngân hàng xin thêm thời gian mới có thể trả lời chắc chắn.

9h15: Luật sư Được tiếp tục đặt câu hỏi với chị Trần Thị Hải Hà và chị Trần Thị Hải Huyền về việc nhận tổng số 1,67 triệu USD sau đó chia nhỏ ra một số lần để đưa trực tiếp hoặc gián tiếp cho Sơn. Chị Hà cho biết, "số tiền chẵn thì tôi nhớ, còn số tiền với con số lẻ không nhớ nổi".

Đặt vấn đề với chị Huyền về việc nhận tiền từ chị Hà, chị Huyền nói: "Tất cả đã khai ở cơ quan điều tra".


9h09: Luật sư tiếp tục đặt với đại diện Bộ Tài chính về việc thẩm định ụ nổi 83M.

9h07: Làm rõ về việc Sơn đưa tiền tham ô cho Dũng và Phúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi Trần Thị Hải Hà. Chị này xác nhận ngày 6/9/2008 có nhận số tiền 3 tỷ đồng từ tài khoản của em gái Trần Thị Hải Huyền. Sau đó Hà đã rút ra bằng tiền mặt.

Luật sư cũng đặt vấn đề với chị Huyền thì người này xác nhận có chuyển số tiền 3 tỷ đồng, nhưng không nhớ rõ thời gian.

8h55: Ngay sau tranh luận gay gắt về tính xác thực, hợp pháp của nguồn tài liệu mới, chủ tọa tiếp tục gọi Trần Hải Sơn lên trả lời về nguồn tiền chuyển cho “sếp”.

Trần Hải Sơn xác định rút 1 tỷ đồng bằng chứng minh nhân dân ở chi nhánh Ngân hàng Hàng hải ở Hà Nội và 2 tỷ đồng ở chi nhánh Hải Phòng.

Bị cáo Trần Hải Sơn
8h50: Cho ý kiến về tài liệu hỗ trợ tư pháp, đại diện Viện Kiểm sát nhận xét, tài liệu tương trợ tư pháp tiến theo đúng trình tự, phù hợp với quy định của pháp luật. Tài liệu này có thông qua cơ quan tương trợ tư pháp liên bang Nga. Sau đó chuyển đến Vụ hợp tác quốc tế VKSND Tối cao rồi đưa sang vụ 1B, sau mới chuyển đến Tòa.


Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Đối với nguồn tài liệu mới này, Tòa sẽ xem xét. Trong phần tranh luận, các luật sư có thể đưa thông tin từ nguồn tài liệu này phần tranh luận.

8h38: Sau khi chủ tọa công bố tài liệu, các luật sư dự tòa nêu ý kiến về nguồn tài liệu này.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy băn khoăn về nguồn tài liệu mới này. “Nó là cái gì trong mặt tố tụng trong vụ án này”, luật sư Thủy nói.

Ông Thủy cho rằng, một số văn bản dịch không có chứng thực “chúng tôi cũng không có bản gốc tiếng Nga” (tài liệu do văn phòng công chứng, dịch thuật Hoài Đức, Hà Nội thực hiện dịch, chứng thực). Ông Thủy hỏi HĐXX xếp vào loại hồ sơ gì của vụ án này?

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, xem lại về mặt hình thức về quy định hỗ trợ tư pháp hợp pháp hóa tất cả các tài liệu giữa hai quốc gia, tài liệu này vi phạm quy định về hỗ trợ tư pháp nên không thể xem là chứng cứ trong việc xem xét vụ án này.

Các bị cáo trong phiên xử phúc thẩm ngày thứ 6

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng tập tài liệu này không đúng giá trị pháp lý để sử dụng như chứng cứ tại tòa khi không có bản chính tiếng Nga đính kèm (tài liệu do văn phòng công chứng, dịch thuật Hoài Đức, Hà Nội thực hiện dịch, chứng thực).

Luật sư Trần Đình Triển đồng ý với luật sư Thủy và thấy rằng, văn bản dịch vi phạm luật Công chứng; đề nghị HĐXX xem xét đề nghị tại sao Nga có văn bản này từ rất lâu nhưng giờ mới đưa vào vụ án.

Theo Luật sư Chiến, đối với hợp đồng 0108, chỉ có bản dịch ra tiếng Việt – chưa theo trình tự tố tụng nào để đối chiếu nên một số thuật ngữ cần đối chiếu, phải có cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật.

Luật sư Được cho rằng, theo quy định của pháp luật, những tài liệu nước ngoài khi sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải hợp thức hóa lãnh sự. Tài liệu do cơ quan Ngoại giao Việt Nam dịch, cho nên không có giá trị tại phiên tòa dù có lợi hay bất lợi cho bị cáo.

Còn luật sư Hưng cho rằng, sau khi tòa sơ thẩm đã xét xử xong thì tài liệu này mới xuất hiện. "Vậy tài liệu này có phải là của án này hay vụ án khác?. Đề nghị bỏ hồ sơ này ra ngoài phiên tòa xử Dương Chí Dũng và đồng phạm"- luật sư Hưng đề nghị.

8h20: Theo thông tin tài liệu thẩm vấn ông Tổng Giám đốc Công ty Nakhodka cho biết: Giá quyết toán ụ nổi 20 triệu rúp, bán cho Công ty AP với giá 2,3 triệu USD. Người đại diện bên mua và đàm phán là ông Goh, ông này cũng là người ký hợp đồng. Khoản tiền Nakhodka nhận được từ mua bán ụ nổi vào năm 2008 và nhận đủ tiền theo hợp đồng.


8h10: Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn tuyên bố bắt đầu phiên xử và tiếp tục phần xét hỏi. Chủ tọa công bố tài liệu về hỗ trợ tư pháp từ Nga.

Tòa công bố thẩm vấn ông Andrevicha là người đã ký hợp đồng 0108 giữa công ty môi giới Global Success (GS) và công ty AP. 

Theo đó, từ 2007 đến nay, Công ty Nakhodka không có mối liên hệ gì với Công ty GS. Thẩm vấn ông Aprikhodko xác nhận ông chỉ là đại diện theo ủy quyền của Công ty GS, không giữ vai trò gì trong Công ty.

Công ty GS chỉ đóng vai trò đại lý, khi ông Goh đến thì ông này đón và đưa đến đàm phán với công ty Nakhodka. Khi được hỏi về thỏa thuận tháng 7/2007, công ty GS ký thỏa thuận đại lý bán ụ nổi, không biết có ký các thỏa thuận khác không?

Ông Andrevicha ký thỏa thuận này vì có lợi cho các bên, việc ký thỏa thuận này đã được lãnh đạo đồng ý. Ông này cho biết, công ty GS có nhận số tiền nêu trên hay không thì ông không rõ, bản thân ông chỉ nhận lương làm đại diện của Công ty…

Trước khi Vinalines ký hợp đồng với Công ty AP, giữa công ty AP và Công ty GS đã ký bản thỏa thuận ngày 7/7/2007.

Theo bản thỏa thuận và yêu cầu của ông Aprikhodko, ông Goh Hoon Soew đã mở thư tín dụng 1,67 triệu USD cho một bên thứ ba theo hướng dẫn của Công ty GS. Sau khi Công ty AP nhận 9 triệu USD của Vinalines, ông Aprikhodko yêu cầu Công ty AP chuyển 1,67 triệu USD cho Công ty Phú Hà (công ty của em gái của bị cáo Trần Hải Sơn, Việt Nam).

Về chứng từ thanh toán và bản sao, Công ty Nakhodka không thể cung cấp vì đã hết hạn lưu giữ chứng từ tài chính kế toán.

Phía Bộ Tài chính Nga có thông tin, ụ nổi 83M có trong bảng quyết toán của doanh nghiệp, không có chứng từ xác nhận quyền sở hữu ụ nổi nói trên…

7h55: Các bị cáo được đưa vào phòng xét xử. Bị cáo Dương Chí Dũng ngồi hàng ghế đầu trong hàng ghế của các bị cáo.

7h40: Vẫn như các ngày xét xử trước, bị cáo Dương Chí Dũng được đưa vào phòng xét xử đầu tiên.

Sáng 29/4, TAND Tối cao tiếp tục phiên tòa xét xử cấp phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trước đó, tại phiên tòa ngày 28/4, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo về vấn đề mua bán ụ nổi 83M. Đặc biệt HĐXX làm rõ hành vi đưa, nhận khoản tiền 1,67 triệu USD của Trần Hải Sơn.

Bị cáo Dương Chí Dũng trong ngày xét xử thứ 6 vụ án tham nhũng ở Vinalines

Ngay trong buổi chiều 28/4, tòa triệu tập thêm hai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cựu Phó Tổng Giám đốc Vinalines Bùi Văn Trung và đại diện Ngân hàng Hàng hải Nguyễn Tuấn Khang.

Đặc biệt, phiên tòa ngày 28/4 phải kết thúc sớm hơn thường lệ do, HĐXX nhận được hàng loạt tài liệu về hỗ trợ tư pháp gồm tài liệu xác minh về công ty Nakhotka, thẩm vấn 2 nhân chứng Nga, căn cứ thuế về bán ụ nổi 83M và một số tài liệu khác…. 

Đây là các tài liệu mới mà HĐXX chưa kịp nghiên cứu. Trong sáng hôm nay, HĐXX sẽ tiếp tục làm rõ thông tin từ việc mua bán ụ nổi và khoản tiền 1,67 triệu USD thông qua nguồn tài liệu mới này. Đồng thời, Ngân hàng Hàng hải cũng sẽ cung cấp cho tòa những giao dịch của Trần Hải Sơn tại ngân hàng này như lời Sơn khai: Dùng chứng minh thư rút 2 tỷ đồng để “lại quả” cho “sếp”.


Trong phiên sơ thẩm, Tòa đã tuyên các mức án cụ thể đối với các bị cáo:

1. Dương Chí Dũng (SN 1957) – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tử hình.

2. Mai Văn Phúc (SN 1957) – nguyên TGĐ Vinalines tử hình.

3. Trần Hải Sơn (SN1960) – nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines 22 năm tù.

4. Trần Hữu Chiều (SN 1952) – nguyên Phó TGĐ Vinalines 19 năm tù.

5. Bùi Thị Bích Loan (SN 1963) – nguyên Kế toán trưởng Vinalines 4 năm tù. 

6. Mai Văn Khang (SN 1958) – nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù. 

7. Lê Văn Dương (SN 1970) – Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6 – Cục Đăng kiểm Việt Nam 7 năm tù.

8. Huỳnh Hữu Đức (SN 1965) – nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa 8 năm tù.

9. Lê Ngọc Triện (SN 1964) – Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa 8 năm tù.

10. Lê Văn Lừng (SN 1959) – cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa 8 năm tù.

Diễn biến vụ việc:

Ngày 1/2/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ngày 17/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố thêm tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Lúc này, ông Dương Chí Dũng đã rời ghế Chủ tịch HĐQT Vinalines để giữ chức Cục trưởng Hàng hải Việt Nam.

Cùng ngày, 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, do có người mật báo nên ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi bắt 1 ngày sau đó. Cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Dương Chí Dũng. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt tại Campuchia.

Ngày 12-16/12/2013, ông Dương Chí Dũng và đồng phạm hầu tòa với cáo buộc tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Với hai tội danh trên, ông Dương Chí Dũng nhận mức án tử hình. Nhận chung mức án còn có ông Mai Văn Phúc – cựu Tổng Giám đốc Vinalines – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT).

Ngay sau bản án của tòa cấp sơ thẩm, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo, trong đó ông Dương Chí Dũng làm đơn kêu oan và cho rằng mình không tham ô tài sản.

Ngày 22-24/4/2014, TAND Tối cao tổ chức phiên tòa cấp phúc thẩm đối với Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Theo Việt Đức

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên