Bỏ hoang công trình 30 tỉ đồng
Hai công trình hỗ trợ nông dân, nông thôn ở Phú Yên bị bỏ hoang nhiều năm qua, nay lại xin tiền để sửa chữa lớn.
- 02-01-2016Dự án nhà sinh viên 600 tỷ bỏ hoang thành chuồng vịt
- 19-12-2015Khu nhà “thứ trưởng” sang trọng bỏ hoang
- 17-12-2015Khu đô thị bị bỏ hoang: Đâu là nguyên nhân?
- 08-12-2015Hơn 17,5 ngàn m2 đất 'vàng' bỏ hoang tại trung tâm TPHCM
- 11-11-2015Biệt thự bỏ hoang tràn ngập khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn
Tòa nhà đồ sộ của Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân - nông thôn khu vực miền Trung-Tây Nguyên (gọi tắt là trung tâm) nằm cạnh bờ biển TP Tuy Hòa (Phú Yên), cách khu dân cư hơn 3 km đang bị bỏ hoang gần bốn năm nay. Trung tâm này do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư với kinh phí khoảng 30 tỉ đồng.
Có mặt tại trung tâm này, chúng tôi ghi nhận được các cửa sắt, trụ đèn đều bị gỉ sét, cánh cổng chính không còn mở được, phải đi bằng cổng phụ. Bên trong khuôn viên rộng mênh mông cỏ mọc um tùm, hoàn toàn không một bóng người. Hàng chục căn phòng cửa đóng im ỉm; nền nhà, vật dụng đều bị bụi bám dày, trong đó có nơi nhiều mảng tường bong tróc... Cạnh đó khối nhà hội trường, nhà ăn, phòng nghỉ cũng xuống cấp, hoang tàn.
Đóng cửa, bỏ hoang
Một cán bộ Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết ở trung tâm rộng lớn này chỉ có một nhân viên kế toán, một nhân viên buồng phòng và một bảo vệ với nhiệm vụ chính là giữ gìn tài sản.
PV liên lạc với kế toán thì chị này cho biết đã tạm nghỉ việc để đi chữa bệnh nên gần như không còn ai làm việc ở trung tâm. Khu nhà khách có 38 phòng nghỉ (chứa hơn 100 người) nhưng nhiều năm nay không có khách nên nhân viên buồng phòng cũng không có việc để làm. Theo nhân viên này, do không có khách, không hoạt động nên một, hai tháng mới thuê người đến dọn vệ sinh một lần. Ngay cả thang máy cũng đã bị hỏng dù không sử dụng.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân - nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (cơ quan chủ quản của trung tâm), cho biết trung tâm được xây dựng trên khu đất rộng gần 4,7 ha, gồm một khối nhà bốn tầng, có diện tích xây dựng 4.500 m2 làm phòng nghỉ, hội thảo, đào tạo… Công trình được xây dựng từ năm 2005 và hoàn thành vào tháng 3-2011.
Thế nhưng theo một số cán bộ Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, trong năm đầu sau khi khánh thành, vài ba tháng mới có một đoàn khách đến lưu trú, còn ba năm nay trung tâm hoàn toàn không hoạt động gì. Bà Hương giải thích: “Chúng tôi cũng biết trung tâm chưa hoạt động thì rất lãng phí nhưng do kinh phí mỗi năm chỉ được cấp vài tỉ đồng nên không thể làm gì”.
Theo bà Hương, công trình làm 10 năm rồi nhưng đến nay thanh quyết toán vẫn chưa xong và vẫn còn nợ nhà thầu. Ngoài ra vừa rồi mới nghiệm thu, công trình bị hỏng rất nhiều.
Bà Hương còn khẳng định: “Theo đề nghị của Hội Nông dân Việt Nam mới đây, các bộ, ngành liên quan đã thống nhất đề nghị Thủ tướng duyệt kinh phí triển khai giai đoạn hai. Giai đoạn hai chủ yếu là sửa chữa lớn, nhất là các hạng mục bị hư hỏng nặng. Hội đã giao chúng tôi xây dựng đề án để trung tâm hoạt động”.
Xây khu trưng bày 15 tỉ đồng để bán… nước uống
Khu trưng bày sản phẩm làng nghề tại xã An Chấn (huyện Tuy An, Phú Yên) có tổng mức đầu tư 15 tỉ đồng, được xây dựng để hỗ trợ nông dân địa phương cũng đang bỏ hoang. Theo UBND huyện Tuy An, khu trưng bày này rộng khoảng 1 ha, gồm bốn dãy nhà với 40 gian hàng để giới thiệu, kinh doanh sản phẩm của các làng nghề truyền thống. Tháng 4-2013, dự án hoàn thành giai đoạn 1 (với kinh phí 6 tỉ đồng) nhưng sau đó thì đóng cửa cho đến nay.
Theo nhiều chủ cơ sở sản xuất ở huyện Tuy An, họ không chọn khu trưng bày vì nơi này cách xa khu dân cư, không gần các khu du lịch hay các bến bãi đậu xe, không thuận tiện cho việc dừng, nghỉ của xe khách đường dài… “Khi nghe xây dựng khu trưng bày sản phẩm truyền thống, chúng tôi rất háo hức. Tuy nhiên, ai đời khu trưng bày sản phẩm hàng hóa mà lại nằm riêng biệt một mình bên cánh đồng thì sao bán được” - ông Trình Văn Nam, chủ cơ sở chế biến nước mắm Ba Na (TP Tuy Hòa), chia sẻ.
UBND xã An Chấn cho biết đã nhiều lần thông báo về chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê mặt bằng ba tháng nhưng đến nay chỉ có một hộ thuê mặt bằng làm quán ăn uống, giải khát. Do đó gần hai năm nay, khu trưng bày vẫn bỏ không. Trong khi đó mỗi tháng UBND xã An Chấn phải chi hơn 1 triệu đồng cho việc quản lý, bảo vệ khu trưng bày. “Người dân làng nghề chê khu trưng bày nằm xa, sẽ phải tốn thêm tiền thuê người trông coi và các chi phí khác nhưng chưa chắc có hiệu quả. Ngoài ra việc đầu tư khu này không đồng bộ nên chưa hấp dẫn người dân, du khách. Do vậy, khu trưng bày này khánh thành rồi đóng cửa cho tới nay” - ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, nhận xét.
Làm gì có công trình làm xong là hiệu quả ngay (?!)
Công trình đó làm sao mà lãng phí? Đất nước này 70% dân số làm nông nghiệp, Hội Nông dân không phục vụ nông dân thì phục vụ cho ai? Trước mắt công trình chưa hiệu quả nhưng sau này sẽ có. Làm gì có chuyện xây xong là hiệu quả ngay.
Đối với nông dân phải tuyên truyền vận động mới thu hút được. Làm cái gì cũng phải từ từ, từng bước, theo lộ trình, đề án. Địa điểm đó trước mắt chưa thuận lợi thì sau này sẽ thuận lợi. Công trình ở đâu mà chả có những cái hư hỏng. Ngay cả những cái phát huy hiệu quả ngay cũng còn xuống cấp. Khi nó xuống cấp thì bổ sung chứ sao!
Ông LẠI XUÂN MÔN, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam
Pháp luật TP.HCM