Bộ LĐ-TB-XH : Lãng phí vì quá nhiều chính sách giảm nghèo chồng chéo, dàn trải
“Sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo (chồng chéo về đối tượng, nội dung, địa bàn...) đang trở thành yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo.”
Tại Hội nghị trực tuyến giảm nghèo toàn quốc ngày 23.4.201, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đã có bản báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 (lần 2).
Theo Bộ LĐ-TB-XH, các chính sách giảm nghèo hiện hành được các địa phương đánh giá cơ bản phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của người nghèo, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số; tuy nhiên, do có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ nét.
Việc chậm hướng dẫn, sửa đổi một số chính sách đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện như: hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015; sửa đổi Nghị định 49/2010/NĐ-CP về chính sách miễn giảm học phí...
Sự chồng chéo trong chính sách giảm nghèo một phần là do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án.
Các chính sách được nhiều Bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng thiếu sự phối hợp đã dẫn đến sự chồng chéo của những chính sách.
Ví dụ, trong một văn bản quyết định ban hành thường quy định nhiều chính sách; một nội dung chính sách có khi lại được quy định trong các quyết định khác nhau, có chính sách ban hành theo đối tượng, có chính sách ban hành theo lĩnh vực (ngành), có chính sách ban hành theo vùng địa lý…
Số lượng chính sách ban hành nhiều, khó kiểm soát; một đối tượng chịu tác động chi phối cùng lúc bởi nhiều chính sách.
Có chính sách hỗ trợ cùng đối tượng hộ nghèo nhưng do ban hành ở các giai đoạn khác nhau, mức hỗ trợ khác nhau gây nên sự so bì, thắc mắc trong dân (như chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 134 và Quyết định 167).
Hoặc cùng một đối tượng là hộ nghèo trên cùng một địa bàn được hưởng cùng một chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhưng các mức hỗ trợ khác nhau do thuộc đối tượng thụ hưởng từ các chương trình khác nhau như Chương trình 30a, Chương trình 135,…
Sự chồng chéo về chính sách tuy không trùng chéo về nguồn lực nhưng đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư trong khi khả năng bố trí ngân sách nhà nước còn rất hạn chế.
Ví dụ như việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn được bố trí kinh phí từ
chương trình 135, chương trình 30a, chương trình nông thôn mới,… nhưng không lồng ghép được nguồn lực từ các chương trình này do quy định về quản lý, định mức, cơ chế đầu tư khác nhau.
Việc này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của công trình, địa phương, cơ sở không chủ động được việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu, dẫn đến tình trạng dở dang thi công do thiếu vốn.
Theo số liệu của Bộ, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 là 864.050 tỷ đồng, bao gồm:
(1) Vốn Ngân sách nhà nước (vốn trong nước) hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo là 167.793 tỷ đồng, chiếm 19,42% tổng nguồn vốn, trong đó:
Bố trí cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 3.304 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 2005-2010: 2.522 tỷ đồng và giai đoạn 2011-2012: 782 tỷ đồng), chiếm 0,38% tổng nguồn vốn.
Bố trí hỗ trợ có mục tiêu chương trình 135, Nghị quyết 30a là 32.408 tỷ đồng, chiếm 3,75% tổng nguồn vốn;
Bố trí để thực hiện các chính sách giảm nghèo 132.081 tỷ đồng, chiếm 15,27% tổng nguồn vốn.
(2) Vốn Ngân sách nhà nước (vốn trong nước) hỗ trợ gián tiếp thông qua các chương trình, dự án là 180.539 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng nguồn vốn;
(3) Vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu cho vùng nghèo là 263.000 tỷ đồng, chiếm 30,44% tổng nguồn vốn;
(4) Vốn ngoài nước (ODA) đầu tư phát triển kinh tế - xã hội người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo khoảng 33.600 tỷ đồng, chiếm 3,89% tổng nguồn vốn.
(5) Vốn vay tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 199.035 tỷ đồng , chiếm 23,04% tổng nguồn vốn.
(6) Vốn huy động từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân là 17.382 tỷ đồng, chiếm 2% tổng nguồn vốn, trong đó:
Huy động hỗ trợ của doanh nghiệp 10.699 tỷ đồng, chiếm 1,24% tổng nguồn vốn.
Quỹ vì người nghèo” 4 cấp: đã huy động được trên 6.683 tỷ đồng, chiếm 0,77% tổng nguồn vốn.
(7) Vốn Ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 2.701 tỷ đồng, chiếm 0,31% tổng nguồn vốn.
Hồng Anh