MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bổ nhiệm cán bộ thiếu minh bạch, dân sẽ giảm niềm tin

03-10-2015 - 18:37 PM | Xã hội

Việc bổ nhiệm cán bộ thiếu công khai, minh bạch, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung mà còn làm suy giảm niềm tin trong nhân dân.

Công tác quy hoạch cán bộ có ý nghĩa đăc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cơ quan, đơn vị và địa phương. Thực tế cho thấy, nơi nào coi trọng công tác quy hoạch, bổ nhiệm đúng người đúng việc, nơi đấy có sự phát triển ổn định. Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương đã coi nhẹ quy định này. Việc bổ nhiệm cán bộ thiếu công khai, minh bạch, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung mà còn làm suy giảm niềm tin trong xã hội, trong nhân dân.

Ông Nguyễn Đình Phú - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, để có được đội ngũ cán bộ quản lý đảm bảo tiêu chuẩn, bên cạnh làm tốt công tác quy hoạch, mạnh dạn bố trí giao việc cho cán bộ trẻ có năng lực, những năm qua Hà Tĩnh còn thực hiện luân chuyển công khai hàng chục cán bộ, nhận được sự đồng tình trong dư luận xã hội. Việc luân chuyển này không chỉ giúp các đơn vị, địa phương ổn định và phát triển kinh tế xã hội mà còn nhằm tạo nguồn nhân sự để lựa chọn bầu vào các vị trí cao hơn.

“Chúng tôi đã ban hành sớm tiêu chuẩn cán bộ tỉnh ủy quản lý, huyện ban hành tiêu chuẩn của huyện, có nhiều tiêu chuẩn nhưng chúng tôi coi trọng tiêu chuẩn về học vấn, đào tạo…hay muốn làm chủ trì cấp trên phải qua chủ trì cấp dưới. Cái này cũng quy định rất chặt, tức là làm tiêu chuẩn này lâu năm rồi, nên thực hiện quy trình theo các bước, chú trọng ngay từ trong quy hoạch”, ông Nguyễn Đình Phú nói.

Công tác quy hoạch, bộ nhiệm cán bộ đã có quy định rõ ràng, phần lớn các đơn vị thực hiện rất đầy đủ, nhưng không phải ở đâu cũng công khai, minh bạch được, dẫn đến việc bổ nhiệm, đề bạt thiếu khách quan. Có nơi thể hiện dấu hiệu, tính chất cục bộ, chuyên quyền và bè phái.

Câu chuyện “cả họ làm quan” ở Mỹ Đức đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua là một ví dụ, rõ ràng công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ theo báo chí phản ánh đã ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thành phố Hà Nội đang tiến hành điều tra vấn đề này, nhưng điều người dân cần hơn là công tác thanh kiểm tra và xử lý phải được công khai và quyết liệt.

Thực tế những vụ việc tương tự không được xử lý triệt để đã làm cho các vụ vi phạm về quy hoạch cán bộ ngày càng tăng, phức tạp hơn. Đáng nói là chế tài cho hành vi này cũng còn quá nhẹ, minh chứng là đến nay chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý khi sai phạm trong công các bổ nhiệm cán bộ, có chăng cũng là nhắc nhớ, phê bình.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, trong bổ nhiệm cán bộ quan trọng là thực hiện dân chủ, tập trung dân chủ và vai trò của người dân, dư luận xã hội trong việc xem xét, đánh giá các trường hợp được bổ nhiệm, cả 2 tiêu chí này đang có vấn đề. Về hình thức các bước bổ nhiệm đều theo quy trình nhưng rõ ràng tính chiến đấu không cao, điều này để lọt lưới những người không xứng đáng vào vị trí được bổ nhiệm. Khi phát hiện những sai phạm thì việc xem xét, xử lý cũng chưa được quyết liệt và công khai.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo
Giáo sư Hoàng Chí Bảo

“Nếu không có dân chủ thực sự mà chỉ dân chủ hình thức thôi thì sẽ dẫn đến sự đồng ý, sự thống nhất dễ dàng trong một tập thể đảng lãnh đạo để đưa người này, người kia vào một vị trí dự kiến bổ nhiệm nhưng đến khi xem xét trong thực tế có chuyện thì hiển nhiên không thấy trách nhiệm thuộc về ai. Đó là trách nhiệm tập thể, tức là sự phê bình không có địa chỉ, đó là điều cần phê phán, sửa đổi”, ông Hoàng Chí Bảo nói.

Bên cạnh trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc bổ nhiệm cán bộ thì trách nhiệm của đơn vị giám sát công việc này cũng chưa được thường xuyên và quyết liệt. Tính công khai minh bạch chưa được thực hiện một cách đầy đủ, vẫn còn mang tính hình thức. Do đó dễ nảy sinh những tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ, lợi dụng chức vụ, quyền hành để trục lợi.

Tiến sỹ Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, trong quy hoạch cũng cần phải căn cứ vào tình hình cụ thể để có phương án đề bạt, xem xét nếu không quy hoạch sẽ trở thành rào cản, không bổ nhiệm được người tài vào các vị trí quan lý. Ngược lại, trong kiểm tra, giám sát cần có cơ quan độc lập, kịp thời xử lý những trường hợp bổ nhiệm sai quy trình, không đảm bảo nguyên tắc./.

Theo Sỹ Đức

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên