MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bổ nhiệm chức danh “hàm” chỉ để làm đẹp cho công vụ?

01-12-2015 - 08:45 AM | Xã hội

TS Ngô Thành Can: Bổ nhiệm chức danh “hàm” chỉ là việc làm đẹp cho công vụ, để động viên cán bộ khỏi “tâm tư”.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan của Chính phủ thì hiện có 329 công chức, viên chức đang hưởng chế độ “hàm”, chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên. Số lượng hưởng chế độ “hàm Vụ trưởng” là 96 người; hưởng chế độ "hàm Phó vụ trưởng" là 150 người; hưởng chế độ “hàm Trưởng phòng” là 76 người; hưởng chế độ “hàm Phó trưởng phòng” là 17 người.

Còn theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 vừa qua thì các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động trong vấn đề bố trí cán bộ. Tuy nhiên, qua rà soát phát hiện một số bộ, ngành còn ban hành cả quy chế bổ nhiệm “hàm”.

Vì sao lại có chức danh “hàm” và cần phải ứng xử như thế nào trước sự “sáng tạo” này? Phóng viên phỏng vấn Phó giáo sư - Tiến sỹ Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia (Hà Nội) về vấn đề nêu trên.

- Thưa ông, trong phiên chất vấn ngày 17/11 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về tình trạng chức danh “hàm” sẽ còn kéo dài đến bao giờ và giải pháp trong thời gian tới ra sao? PGS-TS Ngô Thành Can bình luận gì sau khi nghe nội dung chất vấn này?

PGS-TS Ngô Thành Can: Trên thực tế, tình trạng“chức danh hàm” đã có từ lâu nhưng gần đây các phương tiện thông tin đại chúng mới nói đến. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn đã khẳng định đến nay các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa có văn bản quy định về “hàm” đối với một số tổ chức, cơ quan, đơn vị với một số đối tượng là công chức, viên chức.

Qua tìm hiểu, thấy rằng chức danh “hàm” có cái hay là giải quyết được chế độ chính sách cho cán bộ khi thuyên chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia hay từ địa phương lên Trung ương. Khi không còn giữ vị trí lãnh đạo nữa thì vẫn còn giữ chức danh “hàm” tương đương để duy trì. Việc làm này có tác dụng động viên, khuyến khích cán bộ làm việc, cho thấy sự quan tâm của cơ quan, của Nhà nước với từng vị trí.

Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một loạt vấn đề như tạo ra tiền lệ không hay, đơn vị này làm được thì đơn vị khác cũng làm được. Đây thể hiện cách làm không khoa học, được chăng hay chớ, gây lãng phí, không tập trung vào hiệu quả công việc.

Do đó, tôi và các đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta không nên làm bởi vì tránh các trường hợp không làm được thì anh em lại “tâm tư”.

- Chưa có quy định pháp luật nào về chức danh “hàm” vậy vì sao chúng ta vẫn để việc “sáng tạo” chức danh “hàm” tồn tại trong nền hành chính công và dường như nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, thưa ông?

PGS-TS Ngô Thành Can: Vấn đề này mọi người đều biết cả, những người làm công tác cán bộ tổ chức, chính sách đều biết rõ. Nhiều nơi còn đưa ra quy định, tiêu chí để xét duyệt những người được bổ nhiệm “hàm”. Cho nên, nói không kiểm soát được là không chính xác bởi vì việc làm này đều có vai trò của các cơ quan, đoàn thể xét duyệt. Rõ ràng chúng ta biết nhưng giờ mới bàn.

Trong các báo cáo về công việc, các cơ quan, đơn vị không đưa mục này vào báo cáo hàng năm. Chúng ta cần phải nhìn nhận rõ hơn để xử lý và đưa vào quy trình hoặc như đề xuất của Bộ Nội vụ là nên dừng lại.

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã khẳng định trước Quốc hội rằng không có quy định thì cả Trung ương và địa phương đều không thể thực hiện. Về nguyên tắc là như vậy nhưng vấn đề là làm thế nào để giám sát các cơ quan, đơn vị trong việc bổ nhiệm chức danh “hàm” khi thực trạng này vẫn đã, đang và sẽ tồn tại, thưa ông?

PGS-TS Ngô Thành Can: Vì sao lại có những việc này? Theo tôi, đã có những việc xảy ra như thuyên chuyển lãnh đạo từ địa phương lên Trung ương hay từ đơn vị này sang đơn vị khác. Có trường hợp lãnh đạo đủ vị trí rồi, không thể bổ nhiệm thêm được nên buộc phải nghĩ ra “hàm” để tiện bề làm việc.

Nhiều người bảo cái “hàm” này hay lắm, khi đi ra ngoài công tác, được giới thiệu thì cũng “oai” một tí. Mặt khác, cũng tránh thiệt thòi cho cán bộ khi bị thuyên chuyển.

Tôi cho rằng đây là sản phẩm của cung cách quản lý nhân sự hướng tới con người, động viên, khuyến khích cán bộ về mặt “tình người” nhiều hơn chứ không phải là công việc. Chúng ta cần phải dừng lại không nên triển khai nữa. Bởi vì một nền công vụ phải rõ ràng, phụ cấp lãnh đạo phải là trách nhiệm, không nên hiểu là đãi ngộ, là bổng lộc chia cho những người không có trách nhiệm.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11/2015 (Ảnh: Hoàng Long).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11/2015 (Ảnh: Hoàng Long).

- Theo ông, nếu phân tích ở góc độ lý luận và thực tiễn, việc bổ nhiệm chức danh “hàm” có thực sự cần thiết và góp phần mang lại hiệu quả hoạt động cho nền hành chính công hay không?

PGS-TS Ngô Thành Can: Trước hết phải khẳng định ngay là nó ít mang lại hiệu quả bởi nếu có hiệu quả thì chúng ta đã ra chính sách rồi. Như tôi vừa nói ở trên, nó hướng tới con người nhiều hơn là hiệu quả công việc.

Nhiều khi tôi nói vui đây là việc làm đẹp cho công vụ, để động viên cán bộ khỏi “tâm tư” nhưng sau lan thành phong trào. Trung ương làm được thì địa phương cũng làm, ở nhiều nơi còn bổ nhiệm hàm phó phòng, hàm trưởng phòng.

Khi nói đến hiệu quả của nền công vụ có mấy vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để chúng ta thực hiện. Thứ hai là năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ ba là nhìn nhận từ khía cạnh khoa học, kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thứ tư là môi trường làm việc.

Do đó, tôi cho rằng hiệu quả công việc của chức danh “hàm” không nhiều, đây là việc làm gây lãng phí. Chỉ nhẩm tính với 96 hàm Vụ trưởng phải chi hơn 100 triệu đồng/tháng, 150 hàm Phó vụ trưởng thì hơn 100 triệu đồng/tháng, 76 hàm Trưởng phòng thì hơn 50 triệu đồng/tháng, 17 hàm Phó phòng thì gần 10 triệu đồng. Tính sơ sơ hàng tháng, chúng ta phải chi khoảng 300 triệu/tháng, suy ra một năm là 3,6 tỷ đồng. Sự lãng phí này gây ảnh hướng đến sự phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Hai năm sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Bộ Nội vụ vẫn loay hoay với chức danh “hàm”. Cũng không có trường hợp nào bị xử lý vì không có quy định của pháp luật mà vẫn thực hiện. Theo ông, nguyên nhân vì sao lại khó như vậy?

PGS-TS Ngô Thành Can: Vấn đề này đã được đặt ra ở nghị trường và mong muốn giải quyết. Nhưng ở đây, nếu xét theo mặt bằng chung, đây là công việc liên quan đến nhiều chủ thể. Vấn đề này có vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cả nhân dân. Mọi người đều chấp nhận và duy trì nó.

Bộ Nội vụ đã cố gắng kiểm tra, xem xét, đề xuất nhưng trong nền công vụ của ta, việc này đều phải đảm bảo theo quy trình và cần có thời gian nhất định.

- Vậy theo ông, biện pháp giải quyết tình trạng chức danh “hàm” trong thời gian tới như thế nào?

PGS-TS Ngô Thành Can: Đây là vấn đề nhiều người quan tâm. Trong nền công vụ có nhiều cái đại cục cần giải quyết, nhưng không phải cái gì tiểu cục thì không đáng quan tâm. Tôi cho rằng nếu cái nhỏ không giải quyết triệt để thì sẽ không giải quyết được cái lớn. Tôi đề nghị nên dừng lại và ra văn bản thông báo kết luận của cấp có thẩm quyền để những người đang hưởng chức danh “hàm” vẫn được duy trì, tuy nhiên, không bổ nhiệm mới nữa.

Ngoài trách nhiệm chính là Bộ Nội vụ thì các cơ quan liên quan khác như Ban Tổ chức Trung ương cũng cần lưu ý kiểm tra, giám sát và đề nghị các bộ, ngành, địa phương dừng không được làm nữa.

Còn về cá nhân cán bộ thuộc diện phải thuyên chuyển từ nơi này sang nơi khác, nếu vì lý do nào đó nếu không được giữ chức vụ nữa cũng nên chấp nhận như người thường. Đừng để nhân dân có cách hiểu khác là “phân chia bổng lộc”, hưởng cái mà họ lẽ ra không nên hưởng.

Chúng ta hay nói đến lòng tự trọng. Theo tôi, những người có lòng tự trọng thì họ sẽ không nhận những quyền lợi mà người ta không ở vị trí đó.

- Xin cảm ơn ông.

 

 

Theo Vân Hồng - Công Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên