Bổ nhiệm trước khi về hưu theo kiểu... "đi đêm"
Liên quan đến việc lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi nghỉ hưu, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận định
Do pháp luật chưa chặt chẽ đã tạo cơ hội cho một số người tranh thủ "phút thứ 89" làm một "mẻ" lớn rồi "hạ cánh an toàn".
Chạy chức, chạy quyền, chạy... đủ thứ
- Thời gian gần đây, dư luận cả nước hết sức bức xúc với những vụ việc lãnh đạo các cơ quan trước khi về hưu bổ nhiệm nhân sự ồ ạt. Mới đây nhất là vụ Giám đốc sở VH-TT&DL TP.HCM ký 19 quyết định bổ nhiệm trong hai tuần, rồi về hưu. Quan điểm của ông về những vụ việc này như thế nào?
Trước đây, việc "chạy chức chạy quyền", bổ nhiệm theo kiểu "con ông cháu cha" chưa phức tạp và phổ biến như hiện nay. Chính vì thế, việc một quan chức trước khi về hưu bổ nhiệm một vài vị trí trong cơ quan cũng là bình thường, không gây nên sự hoài nghi đối với người dân.
Ngày đó, việc bổ nhiệm nhân sự rất khách quan, chủ yếu theo nhu cầu của công việc. Những người được lãnh đạo cất nhắc thường là thành phần có đức, tài đảm đương tốt các công việc, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy... đủ thứ đã trở thành "bệnh". Câu cửa miệng của người dân khi nói về việc bổ nhiệm, xin việc hiện nay ở cơ quan Nhà nước là "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, thứ tư mới là trí tuệ". Câu nói mang đầy tính mỉa mai nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy đau lòng.
- Theo ông, nguyên nhân từ đâu dẫn đến thực trạng này?
Nói đi thì cũng cần phải nói lại, để xảy ra thực trạng trên một phần là do pháp luật của chúng ta đang có kẽ hở. Kẽ hở này được những "quan tham" nghiên cứu rất kỹ và tìm cách lợi dụng để thực hiện các sự việc gây bức xúc trong dư luận. Kẽ hở đó chính là việc một "quan lớn" khi "hạ cánh" cũng có nghĩa ông ta đã "an toàn", không phải chịu trách nhiệm gì hết.
Nếu như có quy định hồi tố, hoặc đương chức hay về hưu nếu phát hiện ra sai phạm chưa đến mức độ hình sự nhưng vẫn phải xử lý đến nơi đến chốn thì có lẽ đã hạn chế được tình trạng này. Thực tế cho thấy rằng, việc luật pháp chưa kín kẽ tạo cơ hội cho một số người tranh thủ "phút thứ 89" làm một "mẻ" lớn rồi về hưu.
- Ông đánh giá như thế nào về việc bổ nhiệm vô tội vạ của các quan chức thời nay?
Từ trước đến nay, ai cũng biết, việc bổ nhiệm phải theo quy trình và có kế hoạch cụ thể từ trước. Hơn hết, người bổ nhiệm phải công khai minh bạch kế hoạch của mình. Tôi cũng lấy làm lạ khi nghe tin một lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo một sở ở thành phố lớn lại bổ nhiệm hàng chục cá nhân một cách khó hiểu trước khi về hưu.
Trong trường hợp việc bổ nhiệm có sai phạm thì hành vi đó chính là lạm dụng chức quyền để thực hiện ý đồ cá nhân. Không thể có chuyện trước khi về hưu, họ lại làm "một quả thật đậm", bổ nhiệm hàng chục trường hợp trong khi cơ quan không có nhu cầu về nhân lực.
Tôi đã từng biết đến rất nhiều trường hợp trước đây làm lãnh đạo, khi về hưu không dám đi ra ngoài đường vì tự cảm thấy hổ thẹn với việc mình đã làm khi còn đương chức. Khi cố ý làm trái quy định, họ tưởng rằng mọi việc sẽ đi vào lãng quên, không ai biết. Nhưng không phải, sau khi về hưu, họ nhận được rất nhiều đơn từ tố cáo, khiếu nại từ người dân. Thậm chí, nhiều người khi đương chức đi họp phát biểu rất hay, rất đạo mạo nhưng đằng sau họ lại "đi đêm" với người khác để "chạy chức, chạy quyền", thật đáng xấu hổ.
Một bộ phận quan chức đang trở nên xấu xí trong mắt dân
- Phải chăng, những sự việc này xảy ra liên tiếp khiến hình ảnh của một bộ phận lãnh đạo cơ quan Nhà nước trở nên xấu xí trong mắt người dân?
Đúng vậy. Việc quan chức bổ nhiệm ào ào, sai quy định, "chạy chức, chạy quyền" không chỉ khiến hình ảnh của họ xấu đi mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của cơ quan và Đảng. Vì Đảng đã bổ nhiệm họ vào vị trí lãnh đạo đó. Theo tôi, đây là những sự việc cần phải lên án và chấn chỉnh lại ngay. Trong vấn đề này, báo chí cần phải đồng hành cùng người dân, lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa. Từ trước đến nay, tôi rất ủng hộ các cơ quan báo chí. Vì họ là người tìm ra những sai phạm và thay mặt dân lật tẩy những "điểm đen" của các quan chức.
Mặc dù chúng ta, ai cũng biết rằng, một số trường hợp liên quan đến bổ nhiệm vô tội vạ bị báo chí phanh phui gây rúng động dư luận vừa qua chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" trong tệ nạn "chạy chức, chạy quyền". Tuy nhiên, đây sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai quy định pháp luật.
- Qua những sự việc này, ông có kiến nghị như thế nào để giảm bớt "nạn" "chạy chức, chạy quyền"?
Để giải quyết tình trạng này không thể trong một sớm một chiều được. Tuy nhiên, chúng ta phải bắt tay vào làm để chấn chỉnh ngay. Theo tôi, để chấn chỉnh "tệ nạn" này, những nhà "làm luật" trước hết phải thấy được kẽ hở và có các quy định sao cho chặt chẽ. Thứ hai, các cơ quan quản lý nhân lực phải có biện pháp quản lý có kế hoạch, chặt chẽ hơn.
Bởi hiện nay vấn đề bổ nhiệm, đề bạt của không ít cơ quan còn thiếu minh bạch, khách quan. Thứ ba, trước khi bổ nhiệm ai đó, lãnh đạo sắp về hưu phải có kế hoạch, phương án từ thời gian trước và công khai trước toàn cơ quan trình lên lãnh đạo cấp trên xin chỉ đạo. Theo tôi, việc bổ nhiệm một cá nhân phải được sự đồng ý của tập thể và cơ quan cấp trên mới được coi là công khai minh bạch.
Theo Văn Chương - Vương Chân