MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bốn chức danh được bầu lại tiếp tục tuyên thệ vào tháng 7

01-04-2016 - 16:05 PM | Xã hội

Bốn chức danh khi được bầu sẽ phải tuyên thệ trước Quốc hội là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND tối cao.

Bốn chức danh này, nếu tiếp tục được bầu nhiệm kỳ mới sẽ lại tuyên thệ trước Quốc hội vào tháng 7 tới.

Thông tin trên được Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết khi trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 1/4.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ, bên cạnh đa số ý kiến đồng tình, đánh giá cao cũng có một số ý kiến cho rằng cần có sự điều chỉnh một chút, ví như khi tuyên thệ các đại biểu nên đứng. Lễ tuyên thệ tới đây có điều chỉnh gì không thưa ông?

Lần này Quốc hội thực hiện nghi lễ tuyên thệ, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm. Qua kinh nghiệm một số nước thì khi tuyên thệ có nước các đại biểu ngồi, có nước đứng, ví dụ như phòng họp của Putin không có ghế ngồi, các đại biểu họp toàn đứng.

Phương thức tuyên thệ với các chức danh khác tới đây cũng thực hiện giống như với Chủ tịch Quốc hội hay có sự điều chỉnh thưa ông?

Sẽ vẫn thực hiện như vậy, vì đây là cùng một thời điểm, trong cùng một phiên họp nên nghi thức phải thực hiện đồng bộ. Hiến pháp quy định chung là tuyên thệ phải tuyệt đối trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Còn ý sau thì tùy theo chức năng nhiệm vụ của mỗi đồng chí khác nhau, sẽ có lời tuyên thệ, lời hứa khác nhau.

Hiến pháp cũng quy định bốn vị trí phải tuyên thệ là Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TAND tối cao. Luật tổ chức Quốc hội cũng nhắc lại điều này.

Sau lần tuyên thệ đầu tiên, Văn phòng Quốc hội đã nhận được ý kiến phản hồi, góp ý từ phía cử tri và đại biểu Quốc hội?

Điều này tôi thấy đồng tình lắm, chưa nhận được ý kiến nào góp ý.

Đại biểu Dương Trung Quốc, người đã đề nghị tiến hành nghi thức tuyên thệ tại Quốc hội từ 10 năm trước đã gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội, cho rằng khi tuyên thệ thì đại biểu nên đứng dậy, vừa thể hiện sự trọng thị cũng là để cử tri giám sát lời tuyên thệ. Chúng ta có tiếp thu ý kiến này, thưa ông?

Nếu đại biểu có ý kiến thì chúng tôi lắng nghe tiếp thu. Vì đây là lần đầu tiên tiến hành tuyên thệ nên sẽ tiếp tục hoàn thiện để nghi lễ hoàn chỉnh hơn.

Khi tuyên thệ sao chúng ta lại không đưa cờ lên trước mà lại để sau người tuyên thệ?

Nghi thức tuyên thệ lần này không phải lần đầu tiên. Năm 1946, bác Hồ đã đứng trước lá cờ, hướng về phía đình Tân Trào tuyên thệ. Nghi thức này là học tập Bác Hồ, lá cờ sắp xếp ở phía sau.

Lần bầu lại tới đây, bốn chức danh khi tiếp tục tái cử có tuyên thệ tiếp không thưa ông?

Có chứ. Vào tháng 7 này, tại kỳ họp đầu tiên khóa XIV bốn chức danh kể trên sẽ tiếp tục tuyên thệ.

Sau kỳ họp này các vị mới được bầu có tổ chức họp báo?

Không, vì đến tháng 7 lại bầu lại rồi, khi tổ chức họp báo là cho cả một nhiệm kỳ.

Lần tới họp báo trước phiên họp Quốc hội tới, Chủ tịch Quốc hội có ra mắt và chủ trì phiên họp không thưa ông?

Việc này là quyền của Chủ tịch Quốc hội. Đến đầu khóa, thông thường Chủ tịch Quốc hội mới nhậm chức sẽ có họp báo cùng với tất cả các vị khác. Kỳ này kiện toàn nhân sự chỉ có một Chủ tịch Quốc hội và một, hai đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, tôi sẽ xin ý kiến lại với Chủ tịch Quốc hội về việc này.

Cảm ơn ông.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên