Cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí
Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã dành trọn ngày 28-7 nghe tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí.
Ông Lê Như Tiến - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết cuộc tham vấn đã nhận được 14 nhóm nội dung thảo luận, trao đổi, trong đó nhiều ý kiến quan tâm về đối tượng được xuất bản báo chí.
Nhiều đại biểu đề nghị có nên mở rộng đối tượng xuất bản báo chí khi không ít cơ quan báo chí hiện nay đã liên kết với tư nhân một phần hoặc toàn bộ sản phẩm báo chí, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình?
Bên cạnh đó, có nhiều đề nghị cần mở rộng lĩnh vực kinh doanh của báo chí, không chỉ bó hẹp ở các hoạt động liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của báo chí và cho phép thành lập tập đoàn báo chí. Theo ông Đỗ Quý Doãn - nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí và mở rộng hình thức hoạt động để ngoài nguồn bán sản phẩm báo chí, có thể thu thêm từ các nguồn khác phù hợp pháp luật nhằm hỗ trợ hoạt động báo chí là một xu hướng đang phát triển hiện nay.
Ông Doãn cho rằng điều đáng quan tâm và cần có sự nghiên cứu nghiêm túc là vấn đề kinh tế báo chí và sự tự chủ về mặt tài chính của cơ quan báo chí. Lâu nay nhiều người cho rằng báo chí chỉ làm nhiệm vụ chính trị tư tưởng, không nên tính yếu tố lỗ lãi, không nên tính đến việc kinh doanh làm ảnh hưởng đến mục tiêu cao cả của báo chí là tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân.
Theo ông Doãn, đây là quan niệm đúng không thể phủ nhận, tuy nhiên ông nhấn mạnh trong điều kiện hiện nay, khi báo chí hoạt động trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, việc tổ chức kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, việc tính toán lỗ lãi, việc tìm các nguồn thu chính đáng để báo chí từng bước tự chủ về mặt tài chính là những nội dung phải quan tâm trong kinh tế báo chí.
Ông Doãn đề nghị cần tiến hành một số giải pháp cấp thiết, trong đó Nhà nước cần sửa đổi một số chính sách về hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động báo chí, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giảm đầu tư của ngân sách nhà nước cho hoạt động báo chí...
Trao đổi với chúng tôi bên lề cuộc tham vấn về quy hoạch báo chí, ông Trương Minh Tuấn - thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - cho biết tất cả còn đang trong dự thảo, chưa nói lên một vấn đề gì cả. Nhưng xu hướng là những tờ báo nào không phát huy được nguồn lực, gây lãng phí nguồn lực thì nên sắp xếp lại và đó là chuyện đương nhiên. “Có thể những tờ báo nào đó trở thành ấn phẩm của một báo lớn hơn, thay đổi cơ quan chủ quản, nhưng có những báo vẫn tiếp tục phát triển” - ông Tuấn nói.
Theo Quốc Thanh