MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh giác với nhóm lợi ích thân hữu

14-11-2013 - 08:29 AM | Xã hội

Doanh nghiệp đưa hối lộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để mong được việc là chuyện không mới.

Nhưng cho đến nay, người ta vẫn quen với suy nghĩ theo đó, doanh nghiệp trong quan hệ với người nắm quyền lực công là người đi cầu xin và giữ thế yếu, đưa hối lộ là việc làm bấm bụng, cực chẳng đã trong điều kiện bị quan chức hạch sách, nhũng nhiễu.

Có một cách tiếp cận khác để nhìn nhận bản chất của mối quan hệ giữa hai bên, được Tổng Thanh tra Chính phủ giới thiệu trong cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12. Với cách tiếp cận đó, tham nhũng được cho là kết quả sự câu kết tự nguyện giữa các bên có liên quan để thỏa mãn lẫn nhau về nhu cầu tìm kiếm lợi ích. 

Từ sự câu kết ấy, hình thành cái gọi là “nhóm lợi ích thân hữu”. Trong khuôn khổ nhóm, bên này chuyển giao cái mình nắm giữ trong tay và được bên kia trông đợi: doanh nghiệp cần một quyết định của nhà chức trách có nội dung thuận lợi cho công việc làm ăn của mình, còn người có quyền ra quyết định thì thích có nhiều tiền; thế là các bên trao đổi một cách đầy tình thân mến và ai cũng vui vẻ, hài lòng.

Có trường hợp doanh nghiệp thật sự đóng vai trò chủ động trong mối quan hệ thông đồng này. Chấp nhận sống chung với tham nhũng, doanh nghiệp không coi đó là một tệ nạn mà chỉ đơn giản là một vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết để công việc kinh doanh được suôn sẻ. Doanh nghiệp xác định việc tiếp cận và tác động vào suy nghĩ của những người giữ những vị trí có quyền ra quyết định là một phần tác nghiệp chuyên môn bình thường, một khâu chính thức trong quy trình tạo ra sản phẩm. 

Doanh nghiệp đưa hối lộ theo cách người ta thực hiện một hoạt động chuyên nghiệp; số tiền đút lót được coi là một khoản chi phí đầu tư, gọi là chi phí bôi trơn, và được đưa vào giá thành.

Bài bản giao tiếp ấy có thể được áp dụng để trao đổi lợi ích ở mọi cấp độ và trên mọi quy mô, từ một quyết định thuận lợi cho một vụ việc nho nhỏ đến một quyết định quan trọng, liên quan đến một dự án lớn, thậm chí một quyết định mang ý nghĩa chủ trương, chính sách.

Không loại trừ khả năng sự chủ động của doanh nghiệp, nói chung của người có tiền, có thể được đẩy đi thật xa. Chẳng hạn, khi đối diện với những người giữ các vị trí nhất định trong bộ máy, các đại diện của một thế lực kinh tế hùng mạnh mang dáng dấp của người đi chinh phục, người bề trên: họ ban phát cho người này, người nọ đang thực thi phận sự công để nhận lại được sự phục vụ mà họ cần; ai không chịu nhận quà cáp, không hợp tác để giải quyết thỏa đáng yêu cầu của họ thì có thể bị cho ra rìa, thậm chí bị loại khỏi bộ máy.

 Quyền lực công trong trường hợp này bị khống chế và được lèo lái theo ý chí của người kiểm soát quyền lực của đồng tiền.

Một khi quan hệ công - tư đặc trưng bởi sự chi phối, thao túng của tư nhân, che mờ luôn cả sự quan liêu, cửa quyền của công chức, viên chức thì luật pháp, kỷ cương có nguy cơ bị đẩy lùi, xếp xó và bị thay thế bởi các chuẩn mực ứng xử bất thành văn của thế giới ngầm.

Theo Nguyễn Ngọc Điện

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên