MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Case Study] Vì sao các dự án thủy điện tiểu vùng sông Mê Kông nên dừng hoạt động vô thời hạn?

29-03-2016 - 13:47 PM | Xã hội

Những mối đe dọa khốc liệt đến từ các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông đã trở nên vô cùng hiện hữu, đặc biệt là các quốc gia khu vực hạ lưu, trong đó có Việt Nam.

Đánh giá chưa chính xác về mức độ ảnh hưởng tới môi trường và an sinh xã hội, toàn bộ các dự án thủy điện ở tiểu vùng sông Mê Kông bị khuyến nghị ngưng hoạt động vô thời hạn.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang tài trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và các nghiên cứu kỹ thuật trong Chương trình Tiểu vùng Mê Kông (GMS). Các dự án này ưu tiên phát triển lưới điện trong khu vực bằng cách xây dựng “hệ thống các đập thủy điện lớn dọc các dòng nhánh và dòng chính vùng Hạ lưu vực sông Mê Kông”.

Bối cảnh: Đưa điện từ nơi giàu tài nguyên đến nơi có nhu cầu cao

Chương trình GMS khởi động năm 1992, đặc biệt ưu tiên phát triển lưới điện sử dụng thủy điện từ các đập dọc các con sông ở vùng nông thôn của một nước, để đưa điện đến các trung tâm đô thị và trung tâm sản xuất ở nước khác.

Đập thủy điện lớn sẽ được xây dựng trên các con sông tại Lào, Myanmar và Campuchia để cấp điện cho các trung tâm đô thị tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc bằng các đường truyền tải cao thế.

Mô hình này dự kiến sẽ mang lại các lợi ích gồm:

Thứ nhất, hiệu quả về chi phí, giúp các quốc gia có nhu cầu tiêu thụ điện cao có cơ hội tiếp cận nguồn điện giá rẻ;

Thứ hai, có thể đưa điện từ các nước “giàu tài nguyên thủy điện” sang các nước khác có nhu cầu tiêu thụ điện cao hơn;

Thứ ba, khai thác được những chênh lệch từ những thời điểm đỉnh tải và/hoặc khác nhau về đỉnh tải theo mùa;

Thứ tư, mang đến cho người tiêu dùng nguồn năng lượng tin cậy hơn với chi phí điện rẻ hơn; (trích báo cáo)

Cuối cùng, mang lại nguồn ngoại tệ cho khu vực, đặc biệt là vào những khu vực kém phát triển hơn thông qua thuế phí và nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.


Đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong.

Đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong.

Vấn đề: Thiếu minh bạch, trách nhiệm và thiệt hại lớn hơn dự toán

Ở đây có ba vấn đề chính:

Định hướng của dự án không nhất quán với khuyến nghị từ các chuyên gia, các thể chế tài chính quốc tế trong đó có ADB

Trong khi ADB khuyến nghị GMS nên tài trợ cho các dự án “tăng hiệu suất năng lượng tái tạo” và hạn chế các dự án thủy điện lớn thì đa phần các dự án GMS hiện nay lại tập trung xây dựng thủy điện rất lớn và các cơ sở hạ tầng liên quan

Sự thiếu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình khi đầu tư các dư án năng lượng trong GMS

Trong quá trình tham vấn và ra quyết định, không có sự tham gia của các tổ chức tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức xã hội dân sự (CSO), và cộng đồng bị ảnh hưởng ở cấp trung ương, địa phương và cấp vùng.

Các dự án dẫn đến những thiệt hại về xã hội và môi trường lớn hơn dự toán do phương pháp tính chưa đầy đủ

Báo cáo cho rằng, chủ đầu tư ADB nên cập nhật các chính sách về năng lượng và ngừng các dự án thủy điện lớn, lắng nghe các khuyến nghị thông qua tổ chức các buổi tham vấn với cộng đồng, gặp mặt các tổ chức xã hội dân sự, ngoài ra cũng nên rút kinh nghiệm từ các vụ việc vi phạm liên quan đến các dự án thủy điện lớn và sau đó minh bạch hơn trong các dự án tương lai.

Ngoài ra, trên thực tế dự án gặp phải nhiều thiếu sót và quá tập trung vào những dự án thủy điện lớn ví dụ như:

- Các quy hoạch phát triển năng lượng trong khu vực đều được các công ty điện lực nhà nước dự tính vượt nhu cầu một cách có hệ thống. Dẫn đến tạo ra nhu cầu điện “ảo” lớn hơn cần thiết và tạo ra nhu cầu xây dựng nhà máy thủy điện quy mô lớn.

- Bỏ qua các phương án hiệu quả có quy mô nhỏ và tập trung hơn

- Chưa xem xét những ảnh hưởng về xã hội về môi trường, tạo ra rủi ro lớn cho chính những người dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng

- Buộc khu vực phải lệ thuộc vào các con đập thủy điện lớn, trong khí đó dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cần có những phương án linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hậu quả nhìn thấy là sự ảnh hướng đến môi trường và dân cư.

Các dự án trên sông Sekong và sông Xekaman ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục ngàn người dân sống dọc hai bên bờ tại Lào và Việt Nam mà còn làm sụt giảm nguồn cá (khoảng 4%) và mất đa dạng sinh học trên toàn bộ lưu vực sông Mê Kông.

Dự án trên sông Nam Ngiep 1 (Lào) ảnh hướng trực tiếp tới 3.000 người, chủ yếu là các hộ gia đình người H’Mông và người Khơ Mú do người dân bị ảnh hướng không hiểu rõ tác động cho nên đồng ý tái định cư. Trong khi đó nơi tái định cự lại thiếu đất canh tác phù hợp cho người dân vì 70% diện tích đất tại khu vực này là đất rừng phòng hộ.

Và dự án Nam Thuen mặc dù đã kết thúc năm 2010 nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, người dân không có sinh kế bền vững, đất tái định cư kém chất lượng, ít có khả năng canh tác cây lương thực và hoa màu. Sau đó do bị bỏ mặc sau khi nhận tiền đền bù 1 lần, người dân buộc phải trang trải bằng mua bán bất hợp pháp gỗ và động, thực vật hoang dã ở các khu bảo tồn.

Thêm vào đó lượng khí nhà kính tạo ra từ thủy điện được tính toán là cao vượt mức cho phép, hoàn toàn trái ngược với giả định cho rằng thủy điện là nguồn năng lượng xanh.

Đại đa số 326 triệu người dân trong khu vực thiếu thông tin cơ bản về Chương trình cũng như nội dung các kế hoạch.

Các phương án phục hồi sinh kế như nuôi cá và trồng lúa đều tốn kém chi phí đầu tư, khiến các hộ gia đình khó có thể duy trì bền vững.

Thậm chí, các dự án này có thể đẩy các gia đình vào vòng xoáy nợ nần vì họ phải trang trải cho những gánh nặng mới như chi phí để duy trì ao cá với nguồn thức ăn chăn nuôi, cá giống, vật liệu xây dựng, phân bón, chi phí vận hành máy bơm nước và đảm bảo đủ nước.

Người dân sống ở hạ lưu đập Lower Sesan 2.

Báo cáo cho hay, đã có nhiều nghiên cứu nhấn mạnh việc cần chuyển hướng đầu tư tập trung nhiều hơn vào các phương án tăng hiệu suất năng lượng và năng lượng tái tạo, tránh quá lệ thuộc vào thủy điện quy mô lớn.

Ví dụ như giữa năm 2013, tài liệu The Greater Mekong Subregion Energy Sector Development: Progress Prospects, and Regional Investment Priorities đã cảnh báo về việc “các nhà máy điện và đường dây truyền tải có tác động nghiêm trọng tới môi trường và cộng đồng dân cư.” Tuy nhiên, các ưu tiên phát triển năng lượng của Chương trình GMS vẫn không thay đổi.

Khuyến nghị của Internation Rivers và Mekong Watcher: Dừng tất cả

Báo cáo khuyến nghị World Bank và ADB dừng tất cả các dự án đầu tư ngành điện đã, đang và sẽ được quy hoạch trong tương lai ở tiểu vùng Mê Kông cho đến khi đảm bảo được các yếu tố sau:

- “Dự báo năng lượng quốc gia và khu vực phải được đánh giá kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính cấp thiết của các dự án được đề xuất;

- Mọi phương án nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng dự báo đều phải được ưu tiên và được xem xét đầy đủ;

- Đánh giá toàn diện các phương án cho các dự án được đề xuất phải được xem xét một cách minh bạch và công bố công khai;

- Các đánh giá tác động tích lũy và tác động xuyên biên giới phải được thực hiện nghiêm túc, công bố công khai và được phổ biến cho các cộng đồng bị ảnh hưởng;

- Toàn bộ chi phí xã hội và môi trường trong suốt vòng đời dự án được lồng ghép vào bản phân tích chi phí lợi ích của dự án và công chúng có thể tiếp cận;

- Khu vực triển khai dự án được đề xuất không phá hủy hoặc xâm hại các khu vực có giá trị về văn hóa, xã hội, sinh thái và/hoặc kinh tế;

- Người dân bị ảnh hưởng được tham vấn một cách thực chất và tự nguyện đồng thuận dựa trên cơ sở các thông tin đầy đủ được cung cấp trước khi dự án được xúc tiến;

- Người dân bị ảnh hưởng được tiếp cận các biện pháp giảm thiểu tác động có hiệu quả cũng như cơ chế khiếu nại/giải quyết khiếu nại được xác định ngay từ đầu và được duy trì suốt vòng đời dự án.” (trích dẫn)

Kết

Báo cáo này cho thấy, thủy điện mặc dù mang lại hiệu quả lớn về kinh tế nhưng không phải là giải pháp an toàn và bền vững đối với môi trường cũng như người dân. Vì thế chính phủ các nước cần xem xét kỹ càng trước việc tiếp tục thực hiện các dự án thủy điện lớn đặc biệt các dự án ở vùng sông Mê Kông.

Theo Thùy An

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên