MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chật vật với lương tối thiểu

09-08-2015 - 07:24 AM | Xã hội

Phương án nâng lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu giúp người lao động ổn định cuộc sống và có tích lũy

“Với mức lương tối thiểu (LTT) hiện tại, cho dù có nai lưng tăng ca thì cuộc sống của đại bộ phận công nhân (CN) vẫn hết sức chật vật. CN độc thân khổ một thì CN đã lập gia đình khổ gấp 2-3 lần vì có nhiều thứ phải trang trải hơn. Vật giá leo thang, nếu không chắt bóp, tằn tiện thì vợ chồng tôi chỉ có nước dẫn mấy đứa nhỏ về quê chứ khó lòng trụ nổi ở thành phố” - nữ CN Lê Thị Tân - quê Long An, đang làm việc cho một doanh nghiệp (DN) giày da tại huyện Củ Chi, TP HCM - bộc bạch.

Làm thêm, tăng ca mới đủ sống

Chị Tân và chồng là anh Hoàng Văn Hùng cùng làm công ty, tổng thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Trừ tiền thuê nhà trọ, điện, nước và tiền học hè cho 2 con, đến cuối tháng, vợ chồng chị gần như không có dư. “Sắp đến mùa tựu trường, vợ chồng tôi càng lo vì có 2 đứa con cùng đi học. Hai tháng nay, tôi bỏ nhậu luôn vì ngại tốn kém, dồn sức lo cho con trước đã” - anh Hùng tâm sự.

Sát bên phòng trọ của gia đình anh Hùng là cặp vợ chồng CN trẻ mới cưới nhau được vài tháng - anh Nguyễn Hải Thanh và chị Nguyễn Minh Diệu. Dù chưa có con nhưng nghe chúng tôi đề cập chuyện sinh nở, vợ chồng họ lắc đầu quầy quậy: “Tháng nào cũng tăng ca mà thu nhập của 2 vợ chồng chưa đến 8 triệu đồng, nếu sinh con sẽ phát sinh thêm chi phí sinh hoạt. Nghe nói sắp tới, LTT sẽ tăng nhưng vợ chồng em cũng không trông mong gì bởi sau khi LTT được điều chỉnh là giá cả các mặt hàng nhu cầu thiết yếu cũng té nước theo mưa”.

Thực tế đời sống của 2 gia đình nêu trên cũng là diện mạo về mặt bằng thu nhập của đại bộ phận CN hiện nay. Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy thu nhập trung bình của người lao động (NLĐ) khoảng 3.817.000 đồng/tháng. Ngoài ra, NLĐ có thêm thu nhập từ làm thêm giờ, tiền phụ cấp với nhiều tên gọi khác nhau: nhà ở, xăng xe, đời sống, chuyên cần, thâm niên, trách nhiệm, kỹ năng... Các khoản này chiếm 1/4-1/3 thu nhập của NLĐ.

Rõ ràng, nếu không có các khoản làm thêm thì thu nhập của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Việc CN ngừng việc tập thể để phản đối quy định tại điều 60 Luật BHXH 2014 cũng xuất phát từ vấn đề này.

Không nên cân đong đo đếm

Tại cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 5-8, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là nhu cầu thực tế của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng LTT từ 350.000 đến 550.000 đồng. Cụ thể, vùng I là 550.000 đồng, vùng II: 450.000 đồng, vùng III: 400.000 đồng và vùng IV: 350.000 đồng - tăng khoảng 16,8% so với năm 2015. Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đề xuất tăng ở mức 7,2% , tức chỉ từ 150.000 đến 200.000 đồng so với năm 2015.

Sau gần 1 ngày thương lượng căng thẳng, rốt cuộc phía VCCI cũng chỉ đồng ý điều chỉnh mức đề xuất tăng lương lên khoảng 10%. So với Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức đề xuất của VCCI có độ “chênh” quá lớn. Không đạt được sự đồng thuận, cả hai phía thống nhất sẽ họp lại vấn đề này trong 15 ngày sau đó.

Xung quanh mức đề xuất 10% của VCCI, nhiều ý kiến cho rằng điều DN lo lắng nhất là các khoản phát sinh khi trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương), khẳng định nếu DN đã có chế độ tiền lương và phúc lợi tốt cho NLĐ thì khoản chi phí gia tăng do phải trích nộp thêm BHXH, BHYT, BHTN... là không đáng kể.

“Thu nhập khá và được đãi ngộ tốt thì NLĐ sẽ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN. Nếu cứ cân đong đo đếm thì khó tạo động lực làm việc cho NLĐ” - ông Hùng nhìn nhận.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình, cho rằng mức đề xuất 16% của Tổng LĐLĐ Việt Nam là chấp nhận được. Theo ông, 6 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, là điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh mức LTT vùng phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm đời sống cho NLĐ, giúp họ an tâm làm việc.

“Theo tôi được biết, hiện tại, mức lương thực nhận của NLĐ ở nhiều nơi cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng, làm căn cứ để đóng bảo hiểm từ 10%-14%. Như vậy, cho dù LTT có tăng 16% thì DN cũng sẽ chẳng gặp khó khăn nhiều” - ông Bình lý giải.

Chật vật với lương tối thiểu

Phải căn cứ nhu cầu thực tế của NLĐ

Điều 91 của Bộ Luật Lao động quy định mức LTT vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Theo Luật BHXH 2014 (điều 89), từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Căn cứ vào các tiêu chí nêu trên cùng với việc tính toán mức bù trượt giá (dự kiến khoảng 5%/năm) và mức tăng năng suất lao động (khoảng 3%-3,5%/năm), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất tăng LTT từ 350.000 đến 550.000 đồng.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Tăng 16% vẫn chưa thấm vào đâu

TP HCM là vùng I, có chi phí sinh hoạt cao và CN ở quận 7 lại chịu mức sinh hoạt cao hơn các quận - huyện khác. Tiền nhà trọ bình quân đã 1,5-2 triệu đồng/phòng, nước 12.000 đồng/m3. CN độc thân có thể tiết kiệm bằng cách ở chung nhiều người để chia sẻ tiền nhà, điện, nước, tiền ăn nhưng người có gia đình, có con thì phải thuê phòng riêng.

Với mức lương tầm 3,4 triệu đồng/tháng như hiện nay, không CN nào có thể sống được. Để tồn tại, CN buộc phải tăng ca. Dẫu biết tăng ca là có hại cho sức khỏe nhưng nói thật, tháng nào ít hàng, ít tăng ca thì CN buồn lắm vì còn bao nhiêu thứ tiền bủa vây cần phải lo toan. Vì thế, nếu lương năm 2016 có tăng 16% thì cũng chưa thấm vào đâu. Mong Hội đồng Tiền lương có sự cân nhắc kỹ để bảo đảm đời sống, sức khỏe cho CN.

Ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch CĐ Công ty Hong Ik Vina -KCX Tân Thuận, TP HCM

 

 

Theo Khánh An

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên