MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chạy lòng vòng ba nơi lãnh trợ cấp BHXH rồi... bỏ cuộc

28-03-2016 - 12:28 PM | Xã hội

Trong số 100 người dân ở TP.HCM được khảo sát về thủ tục bảo hiểm xã hội (BHXH), có 69 người cho biết gặp khó khăn khi làm việc với BHXH. Nhiều người bức xúc về việc phải đi lại nhiều lần hoặc phải chờ đợi quá lâu.

“Mỗi lần đi giải quyết thủ tục về BHXH là tôi phải cầm theo cả xấp giấy tờ. Đến nơi lại ngồi chờ đợi rất mệt mỏi, mất thời gian” - anh Võ Ngọc Thắng (Q.Gò Vấp, lái xe) ngao ngán kể về lần làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM.

“Cán bộ im im 
để mình tự mò mẫm”

Kết quả khảo sát cho thấy khó khăn lớn nhất của người dân khi đi làm thủ tục BHXH là phải đi lại nhiều lần (39% ý kiến) và phải chờ đợi quá lâu (38% ý kiến).

Có 34% số người tham gia trả lời đánh giá thủ tục BHXH rắc rối, phức tạp và 28% đánh giá nhân viên BHXH thờ ơ, khó chịu, không chịu hướng dẫn rõ ràng.

Nhóm khảo sát đưa ra thang điểm 10 để người dân đánh giá về hai nội dung này. Kết quả, điểm trung bình cho thủ tục là 6,4 trong đó có điểm 3. Còn điểm trung bình của cán bộ BHXH cao hơn, đạt 7,06 nhưng lại có người thẳng tay chấm 1 điểm.

Chị Mai Thanh Hà (29 tuổi, công nhân) kể rằng: “Các chú cán bộ cứ im im để mình với đống giấy tờ tự mò mẫm. Khi đem nộp thì các chú bôi xóa, bảo sai tùm lum hết nhưng lại không ai chịu hướng dẫn cho tôi”.

Chị N.T.T.B. (công nhân, huyện Hóc Môn) bức xúc: “Thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp phức tạp nhưng nhân viên BHXH không nhiệt tình hướng dẫn. Nhiều cái không biết phải hỏi lại thì họ cau có, trả lời tiếng một”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng BHXH đã tốt hơn trước, cán bộ đã ân cần, lịch sự hơn.

Chị Nguyễn Thị Lan (29 tuổi, công nhân) đi chốt sổ tại BHXH TP.HCM cho biết: “Ở đây có chỗ ngồi chờ thoáng mát, có máy lạnh. Nơi hướng dẫn đăng ký thủ tục rất cụ thể, rõ ràng từng mẫu giấy tờ khác nhau nên người dân không gặp khó khăn trong vấn đề điền đơn. Ngoài ra, còn có dịch vụ vận chuyển của bưu điện nên quá trình đi xin cấp lại thẻ, đăng ký bảo hiểm hay nhận hồ sơ kết quả đều được giảm một bước”.

Nhiều người được khảo sát cũng nhận ra những tín hiệu thay đổi của BHXH khi bắt đầu cải tiến thủ tục, sử dụng chuyển phát kết quả qua bưu điện, sử dụng chữ ký số để giao dịch trực tuyến.

Tuy nhiên, không ít người lại rơi vào tình cảnh “tính lợi hóa hại”, như chị Nguyễn Thị Thu, nhân viên kế toán: “Tôi thường làm hồ sơ BHXH cho nhân viên công ty qua đường bưu điện để đỡ tốn thời gian. Thế nhưng khi có thắc mắc hay trục trặc hồ sơ, tôi gọi điện cho tổng đài tư vấn BHXH thì lại chẳng ai bắt máy hoặc cứ bận suốt. Cuối cùng phải đến tận nơi để làm việc”.


Kết quả khảo sát 100 người - Đồ họa: Như Khanh

Kết quả khảo sát 100 người - Đồ họa: Như Khanh

Đụng chuyện 
biết kêu ai?

Có đến 77% số người tham gia khảo sát cho biết họ chưa gặp rủi ro khi thụ hưởng các chế độ BHXH. Tuy nhiên, vẫn còn 23% cho biết họ đã gặp rủi ro, trong đó phổ biến nhất là không được giải quyết trợ cấp và bị nợ BHXH.

Đặc biệt là khi đã gặp rắc rối, nhiều người lao động lại bị bỏ mặc tự xoay xở.

Chị Nguyễn Thị Kim Phụng (Q.Tân Bình, nhân viên văn phòng) loay hoay hơn một tuần nay để chốt sổ BHXH nhưng vô vọng. Công ty phá sản không còn nhân viên phụ trách nên chị phải tự đi chốt sổ để lãnh trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên BHXH cho biết chị có hai sổ, trong đó có một sổ ở công ty cũ, nay phải làm thủ tục gộp sổ trước.

Chị chạy lòng vòng ba đơn vị BHXH nhưng khi nhận được yêu cầu tiếp theo của bảo hiểm thì chị bỏ cuộc.

“Họ nói công ty của tôi chưa làm thủ tục phá sản nên tôi không thể tự chốt được mà phải có công ty xác nhận. Nhưng sự thật là công ty cũng đã trả văn phòng, không còn điểm giao dịch nên tôi chẳng biết tìm ai. Tôi đóng BHXH 6-7 năm trời, giờ đành bỏ”.

Đề cập đến giải pháp để BHXH thuận tiện cho người dân hơn, phần lớn ý kiến khảo sát cho rằng cần đơn giản các thủ tục, quy định (68% ý kiến) và tổ chức các buổi tư vấn, phát tài liệu hướng dẫn (42%), vì thực tế nhiều người lao động còn chưa chủ động tìm hiểu và nắm các quy định về BHXH. Chị Trần Thị Thu Hòa (Q.Bình Tân, công nhân dệt may) thừa nhận không biết các quy định của BHXH.

Chị nói: “Công ty làm BHYT và làm thủ tục hưởng trợ cấp thai sản cho tôi, được bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Nhờ công ty làm việc đàng hoàng và lo hết nên tôi cũng không tìm hiểu gì nhiều. Nhưng đâu phải ở đâu cũng vậy. Vậy nên BHXH cần tuyên truyền nhiều hơn và làm việc minh bạch, đàng hoàng để công nhân an tâm làm việc”.

* Ông Huỳnh Văn Hạp 
(57 tuổi, huyện Hóc Môn):

BHXH nên giảm bớt thủ tục, hướng dẫn để thực hiện thủ tục BHXH một cách rõ ràng. Nên quy định thời gian giải quyết hồ sơ vì nhiều người phải chờ đợi quá lâu. Tôi làm thủ tục ở BHXH, liên hệ từ tháng 12-2015 đến nay mới xong, chờ đợi rất mệt mỏi.

* Chị Vũ Lộc 
(27 tuổi, công nhân):

Tôi rất không hài lòng khi làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp. Tôi có mặt từ 7g, đợi đến 9g vẫn chưa đến lượt. Đến giờ làm việc rồi mà anh cán bộ vẫn bảo tôi ngồi chờ để ra ngoài châm điếu thuốc hút xong mới vào làm việc. Tôi nghĩ cán bộ BHXH phải có trách nhiệm hơn.

* Anh Vòng A Sình 
(32 tuổi, huyện Hóc Môn):

Tôi đi làm thủ tục ở BHXH Hóc Môn, được cán bộ hướng dẫn rõ ràng, cũng không có gì phức tạp. Tôi nghĩ một số trường hợp gặp khó khăn khi làm thủ tục BHXH là do kiến thức của người lao động còn hạn chế cũng như không được hướng dẫn cụ thể .

* Chị Nguyễn Thị Ly Na (25 tuổi, công nhân):

Công ty phá sản, chủ đầu tư bỏ trốn ra nước ngoài, tôi liên hệ BHXH của quận để được giải quyết trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp một lần nhưng đã ba tháng nay không giải quyết được do công ty nợ đóng BHXH suốt một năm nay. Tôi nghĩ cơ quan BHXH phải giám sát chặt chẽ hơn đối với việc đóng BHXH của doanh nghiệp để tránh thiệt hại cho người lao động.

PV

Theo Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên