Chiêu giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn của 4 công an
VKS cáo buộc phó giám đốc Công an Hải Phòng chỉ đạo thuộc cấp tổ chức đưa anh trai là Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng trốn truy nã.
- 16-12-2013Tuần này, xét xử em trai ông Dương Chí Dũng
- 14-12-2013Câu hỏi ai báo tin cho Dương Chí Dũng còn bỏ ngỏ
- 09-11-2013Truy tố Dương Tự Trọng - nguyên Phó GĐ Công an TP.Hải Phòng
- 26-06-2013Ông Dương Tự Trọng bị khởi tố thêm tội danh
- 23-02-2013Điều ít biết về Đại tá Dương Tự Trọng vừa bị bắt
Bản cáo trạng của VKSND đã chỉ rõ, 4 công an này đã sử dụng sim rác, đặt biệt danh, thay đổi ôtô liên tục, mang cả túi đôla để phòng thân giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Mở đầu cho cuộc trốn chạy của người anh trai, Dương Tự Trọng đã hướng dẫn Dương Chí Dũng tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái Hoàng Kim Nhung của ông ta tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Từ Hải Phòng, ông Trọng mượn điện thoại của cấp dưới liên lạc với cô Nhung bảo ra ngõ đón ông anh vào nhà. Hai người thân tín của ông Trọng là Vũ Tiến Sơn (Phó phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm môi trường, Công an Hải Phòng) đến phòng làm việc của Trọng để thông báo về việc ông Dũng bị khởi tố, bắt giam. Ba người bàn kế hoạch tổ chức cho ông Dũng trốn đi nước ngoài.
Theo cáo buộc của VKS, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, ông Trọng không tham gia trực tiếp. Việc tổ chức đưa ông Dũng trốn ra nước ngoài được Sơn thay mặt "đàn anh" giải quyết.
Ngày 18/5/2012, ông Sơn gọi điện thoại cho Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ hải quan Hải Phòng đang bị truy nã) và Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", giang hồ đất Cảng) và để ông Dũng trao đổi trực tiếp.
Phó phòng cảnh sát điều tra Công an Hải Phòng đưa cho Phong và Dũng "Bắc Kạn" mỗi người một điện thoại với số sim mới, thống nhất dùng biệt danh để gọi nhau. Cụ thể, gọi ông Dương Chí Dũng là "Đồng", Phong là "Gió" và Dũng "Bắc Kạn" là "Cạn".
Thực hiện kế hoạch, sáng 20/5/2012, tại phòng làm việc, ông Trọng yêu cầu Thắng cùng Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ Công an Hải Phòng) chiều hôm sau đến Quảng Ninh đón ông Dũng đi đường bộ vào TP.HCM. Xe được ông Trọng bố trí trợ lý riêng của mình lái. Theo yêu cầu của ông Trọng, Thắng và Ánh sử dụng sim rác để liên lạc. Điện thoại chính phải để ở nhà.
Chiều cùng ngày, ông Trọng và Sơn đã đi máy bay vào TP.HCM để đón. Khi vào đến TP.HCM, theo yêu cầu của ông Trọng, chiếc Prado chở ông Dũng xuyên Việt được thay bằng chiếc Mercedes mang biển TP.HCM mượn của người quen ông Trọng. Ông Dũng nhận túi tiền và điện thoại do em trai chuẩn bị.
Đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, ông Dũng được đưa trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch; còn Phong (dùng hộ chiếu giả) và Dũng "Bắc Kạn" xuất cảnh công khai. Gặp nhau tại một casino, hai người này đưa tiếp ông Dũng vào thủ đô Phnom Pênh. Kết quả được báo cáo ông Trọng. Sáng hôm sau, trợ lý của ông Trọng lái chiếc Prado quay trở lại Hải Phòng.
Phong mua vé máy bay và cùng ông Dũng sang Singapore để làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Dũng "Bắc Kạn" quay trở về Việt Nam. Do không được nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5/2012, ông Dũng quay về Campuchia và bị bắt.
Cũng liên quan đến việc đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, nhiều người còn băn khoăn về danh tính chủ nhân của cuộc điện thoại lạ thông báo để Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Được biết, buổi sáng hôm đó, Dương Chí Dũng vẫn đi làm bình thường, chỉ đến khi nhận được cuộc điện thoại lạ đó thì Dương Chí Dũng mới hoảng loạn và chạy trốn.
Tại phiên xét xử sở thẩm diễn ra vừa qua, khi HĐXX hỏi Dương Chí Dũng về danh tính người gọi cuộc điện thoại này, Dương Chí Dũng đã chần chừ mà không muốn tiết lộ khi nói: “Đã khai với cơ quan điều tra bên an ninh” và xin phép không khai tại tòa.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi họp báo tổng kết tình hình kết quả công tác của lực lượng CAND năm 2013, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho biết vụ án tham ô của Dương Chí Dũng và vụ tổ chức cho người trốn đi nước ngoài là hai vụ khác nhau. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng khẳng định sẽ không bỏ lọt tội phạm trong vụ Dương Chí Dũng.