MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5: “Nóng” vấn đề Biển Đông

29-05-2014 - 14:34 PM | Xã hội

Chính phủ tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các tác động xung quanh tình hình Biển Đông; phát triển thủy sản.

Một vấn đề được Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận trong sáng nay là những giải pháp cả về chính trị, ngoại giao và kinh tế cho cuộc đấu tranh của Việt Nam buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Trong tháng này, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,08% và trong năm tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng bình quân chỉ tăng 4,73% - đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã có ảnh hưởng nhất định trong khoảng một tuần đối với thị trường chứng khoán, làm tăng tỷ giá ngoại tệ và giá vàng, nhưng đến nay tình hình đã cơ bản trở lại bình thường.

Riêng hành vi manh động, vi phạm pháp luật đập phá các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã làm giảm 8% kim ngạch xuất khẩu của tháng 5, nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Còn khách du lịch giảm khoảng 10%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nếu không có sự cố đáng tiếc này phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn, nhưng với tiến trình xử lý tích cực như vừa qua của Chính phủ thì tác động của sự cố này sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.

Bộ Công Thương cho biết, đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu ở các cửa khẩu trên bộ với Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Trong khi đó, ở các dự án về nhiệt điện, sản xuất thép, phân đạm và hai dự án sản xuất Alumine Tân Rai và Nhân Cơ do Trung Quốc làm tổng thầu hoặc tham gia đầu tư, xây dựng, tiến độ vẫn được đảm bảo và không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện vừa qua.

Các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bằng việc chủ động cung cấp thông tin trung thực, kịp thời nên đã khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân cả nước và dư luận đều đồng tình với các chủ trương và giải pháp đấu tranh với Trung Quốc cả trên thực địa và đấu tranh ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Nhờ có chủ động về thông tin nên Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ một cách nhanh chóng từ chính giới của các nước cũng như dư luận quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, qua gần một tháng đấu tranh phản đối Trung Quốc trên thực địa và đấu tranh ngoại giao đã thể hiện ý chí của Việt Nam trong việc cương quyết đẩy đuổi các tàu của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế.

Thủ tướng cho biết, trong gần một tháng qua Việt Nam đã có 30 cuộc gặp với lãnh đạo các cấp của Trung Quốc để nói rõ với Trung Quốc về hành vi sai trái của họ, đồng thời thông báo công khai, đầy đủ, trung thực với thế giới về các hành vi của Trung Quốc, thể hiện thiện chí của Việt Nam giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp hòa bình, đúng luật pháp quốc tế.

Các nước trên thế giới cũng lên tiếng rộng rãi phản đối các hành vi sai trái vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Chủ trương của Việt Nam là tiếp tục kiên quyết đấu tranh trên thực địa bằng lực lượng Cảnh sát Biển, kiểm ngư và tàu cá của ngư dân để cản phá, đẩy đuổi các tàu của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Đồng thời Việt Nam cũng tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng con đường ngoại giao để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình kể cả ở cấp cao nhất, nhằm nói rõ với Trung Quốc về hành vi vi phạm chủ quyền của họ, nhưng Việt Nam cũng vẫn hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ với Trung Quốc trên các lĩnh khác một cách bình thường. Còn biện pháp đấu tranh bằng pháp lý sẽ được lãnh đạo cấp cao cân nhắc quyết định việc áp dụng một cách phù hợp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong thời gian tới Việt Nam cũng sẽ tiếp tục công khai với dư luận và cộng đồng quốc tế về các hành vi sai trái, ngang ngược của Trung Quốc một cách trung thực.

Đề cập đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh: Quan hệ kinh tế giữa hai nước là tất yếu khách quan, nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Trung Quốc hiện có nhu cầu mua gạo và cao su với giá rẻ từ Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc với kim ngạch lên tới 40 tỷ USD. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam cần phải đa dạng thị trường, xuất nhập khẩu, du lịch, đầu tư và lao động để Việt Nam có thể chủ động được trong mọi tình huống.

Chiều nay, Chính phủ sẽ tiếp tục phiên họp thường kỳ.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi VIDEO nội dung chi tiết dưới đây:


Theo Trung Kiên


cucpth

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên