Chính sách thị thực: Chúng ta quá khắt khe?
Tổ chức Du lịch Thế giới coi việc miễn thị thực (visa) là biện pháp hàng đầu thu hút du khách. Trên thực tế, nhiều cường quốc du lịch thế giới đã có chính sách visa cực kỳ thông thoáng.
- 30-12-2014Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho công dân 7 nước
- 15-08-2014Thái Lan khẳng định tiếp tục miễn thị thực với công dân Việt Nam
- 29-01-2011Phê duyệt Hiệp định miễn thị thực với Ả-rập Ai-cập
- 29-12-2009Miễn thị thực cho công dân Việt Nam - Campuchia
Chúng ta quá "khắt khe"?
Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách visa du lịch "khắt khe" trên thế giới.
Ngoại trừ 9 nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện mới miễn visa cho công dân 7 quốc gia. Theo nhận xét của Phó Chủ tịch VITA Vũ Thế Bình, chính sách visa của Việt Nam không thể so sánh với Lào, Campuchia,… bởi chúng ta còn lạc hậu hơn nước bạn.
Hiện nay, Lào đã miễn visa cho 40 quốc gia, còn Campuchia miễn cho 19 nước. Chúng ta cũng không thể so sánh với các nước trong khu vực ASEAN khác như Singapore (miễn visa cho 158 nước), Philippines (157 nước), Malaysia (155 nước), Thái Lan (55 nước).
Tương ứng với số lượng quốc gia được miễn visa, số lượng khách du lịch quốc tế đến những nước này cũng là con số đáng mơ ước. Với 28 triệu lượt khách quốc tế tới tham quan trong năm 2014, Malaysia đã lọt vào top 10 những nước có lượng khách du lịch đông nhất thế giới. Trong khi đó, Thái Lan cũng đón gần 25 triệu lượt khách và Singapore cũng đạt trên 15 triệu lượt khách năm 2014 còn Việt Nam chỉ có gần 8 triệu lượt khách.
Không cần nhìn đâu xa xôi, so sánh về tốc độ phát triển du lịch của 2 nước bạn Lào, Campuchia với Việt Nam cũng đủ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nếu như năm 2000, Campuchia mới đón hơn 400 nghìn lượt khách, thì sau 14 năm con số này đã tăng gấp 10 lần (hơn 4,5 triệu). Con số tương tự tại Lào cũng tăng từ trên 700.000 lượt khách lên hơn 4 triệu.
Ông Vũ Thế Bình cho hay, một số quốc gia có chính sách visa rất thoáng, họ miễn visa cho du khách rất nhiều nước. Cụ thể, Hoa Kỳ, Đức, Anh miễn visa cho 174/229 nước, tiếp đó là Canada (173 nước), Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan (172 nước), Australia (168 nước)... Đây cũng là những quốc gia có truyền thống du lịch lâu đời, thu hút lượng du khách lớn. Đồng thời cũng là những nước có công dân đi du lịch đông và ổn định. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn "đóng cửa visa" với hầu hết những thị trường này.
“Tại sao cả thế giới chào đón mà chúng ta lại đóng cửa với những thị trường đông khách, có mức chi tiêu cao và ổn định như này? Nếu nước bạn cởi mở, sẵn sàng chào đón chúng ta đến thì tại sao chúng ta lại đóng cửa bằng cách tăng phí visa cùng với hàng loạt những thủ tục rườm rà", ông Bình băn khoăn.
Visa thông thoáng, du khách tấp nập
Hiện nay, chúng ta mới mở visa cho 7 thị trường, trong đó có 3 thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Từ khi mở cửa (2004) đến nay, tổng lượng khách quốc tế đến từ 3 thị trường này đã tăng 354%, cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng của khách du lịch quốc tế nói chung là 269%.
Như vậy, chưa nói đến chất lượng dịch vụ, chỉ cần chính sách visa thông thoáng sẽ mang lại nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Visa chính là thái độ ban đầu của một quốc gia đối với du khách, đó sẽ là lời chào mừng nhiệt tình, thân thiện hay thái độ xa cách, đóng kín và gây khó dễ.
Trong 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 12,8% so với cùng kỳ 2014. “Đây là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay. Nếu chúng ta không kịp thời đưa ra những giải pháp cấp bách thì cơ hội phục hồi tăng trưởng sẽ vuột khỏi tầm tay. Sự sụt giảm này sẽ kéo theo sự 'giảm phát' nghiêm trọng của du lịch Việt Nam những năm sau này”, ông Bình cảnh báo.
Nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng chính sách miễn visa cho một số thị trường trọng điểm. Đây chính là điểm mấu chốt để kích thích thị trường, từ đó tạo đà để việc thu hút khách du lịch quốc tế hiện nay của Việt Nam thoát ra khỏi sự trì trệ.
Rõ ràng, chính sách thị thực dễ dàng không phải biện pháp duy nhất để kích cầu du lịch. Tuy nhiên, đây là biện pháp đầu tiên, tiên quyết. Nếu chúng ra không tạo điều kiện, chào đón du khách tới Việt Nam thì mọi "đồ ngon" bày ra cũng chẳng đến được người thưởng thức.