MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn phương án nào cho chính quyền địa phương?

29-10-2013 - 11:12 AM | Xã hội

Không phải chỉ có các địa phương mà Chính phủ cũng tỏ ra khá phân vân khi vẫn đề xuất hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường của Chính phủ cho thấy quan điểm còn rất khác nhau về vấn đề này.

Theo đánh giá của Chính phủ, qua hơn 4 năm thực hiện thí điểm cho thấy, khi không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan.

Đồng thời, hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp ở địa phương vẫn bảo đảm ổn định và thông suốt. Cùng với việc không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai hóa các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giúp cho nhân dân tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với chính quyền.

Tuy nhiên, kết quả lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy và hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho thấy, chưa có phương án nào đạt được sự đồng thuận cao.

Khi trong số 46 tỉnh thành ủy thể hiện chính kiến, thì có 36,96% đồng ý với phương án không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường. 13,04% đồng ý không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường, huyện vẫn có hội đồng nhân dân.

Chỉ có 4,35% đồng ý các thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chính quyền hai cấp; các tỉnh thực hiện chính quyền ba cấp như Hiến pháp năm 1992. 34,78% cho rằng nên giữ nguyên như Hiến pháp năm 1992 và 10,87% không chọn phương án nào.

Với 4 phương án lần lượt như trên, trong số 54 hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố có 18,52% đồng ý phương án 1, 18,52% đồng ý phương án 2, phương án 3 được 7,41% tán thành và 53,7% chọn phương án 4. Chỉ 1,85% là không chọn phương án nào.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Chính phủ đề xuất hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Theo phương án 1: Hiến pháp quy định khái quát về chính quyền địa phương, trên cơ sở đó luật sẽ quy định cụ thể về mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp từng loại hình đơn vị hành chính ở địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước từng thời kỳ.

Cụ thể:

“1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

2. Chính quyền địa phương thành lập HĐND, UBND phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hoạt động trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định”.


Cơ sở đề xuất của phương án này được Chính phủ lý giải là trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, để đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì Hiến pháp chỉ nên quy định khái quát để tạo cơ sở cho việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Những nội dung quy định cụ thể về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính sẽ do luật định.

Phương án 2 theo thiết kế của Chính phủ sẽ là:

“1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo.

2. HĐND và UBND được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thành phố, thị xã, thị trấn, xã thuộc huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

3. UBND được thành lập ở phường thuộc quận, phường, xã thuộc thành phố và thị xã”.


Theo mô hình này, thì chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) ở khu vực nông thôn được tổ chức thành ba cấp (tỉnh; huyện; xã, thị trấn); ở khu vực đô thị và đang đô thị hóa được tổ chức thành hai cấp (thành phố trực thuộc Trung ương; quận, thành phố, thị xã) và chính quyền địa phương cũng được tổ chức ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ở phường thuộc quận và phường, xã thuộc thành phố, thị xã chỉ tổ chức cơ quan hành chính (UBND) là đại diện của UBND cấp trên đặt tại địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công tại địa bàn.

Một trong những cơ sở của đề xuất này được nêu tại báo cáo là đã có sự phân biệt mô hình tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn ở cơ sở (xã thuộc thành phố, thị xã chỉ tổ chức UBND, khác với xã thuộc huyện đều tổ chức HĐND và UBND).

Nêu nhiều ý kiến còn băn khoăn với cả hai phương án, song Chính phủ đề nghị lựa chọn phương án 1.

Chính phủ cũng đề nghị, trong trường hợp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thông qua có mô hình tổ chức chính quyền địa phương khác với mô hình tổ chức chính quyền đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội thì đề nghị Quốc hội có chủ trương từ nay đến hết nhiệm kỳ (2011 - 2016), tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là nghị quyết điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/ 2009.

Theo Minh Thúy

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên