MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống tham nhũng phải quyết liệt hơn

22-10-2013 - 09:35 AM | Xã hội

Trả lời phỏng vấn chúng tôi, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng có lẽ đã đến lúc QH cũng phải có cơ quan phòng chống tham nhũng

Phóng viên: Việc lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines dùng số tiền khổng lồ để mua về một món hàng phế thải cho thấy những “ông trùm” tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước đã bất chấp tất cả, ngang nhiên đục khoét tài sản nhà nước?

- Ông Trương Trọng Nghĩa: Hành vi tham nhũng của ông Dương Chí Dũng, lãnh đạo Vinalines, là điển hình của tình trạng tham nhũng và lãng phí đang song hành, là nhân quả của nhau trong khu vực tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đây cũng là điển hình cho sự bất cập, lỗ hổng lớn trong việc sử dụng, quản lý và kinh doanh tài sản công hiện nay.

Để tham nhũng bòn rút khủng khiếp trong một thời gian dài tại nhiều “quả đấm thép”, lỗi do đâu, thưa ông?

- Đây là hệ quả của việc cơ quan chức năng, cấp quản lý chậm phát hiện hoặc có phát hiện nhưng lại xuê xoa cho nhau, cũng không loại trừ bị che giấu bởi các nhóm lợi ích. Người dân, công luận luôn đặt câu hỏi còn bao nhiêu vụ việc tham nhũng lớn nữa tại hàng chục tổng công ty, tập đoàn chưa được phát hiện.

Vậy theo ông, vai trò của QH đối với cuộc chiến chống tham nhũng đến đâu khi mà thực trạng như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lột tả là “ăn của dân không trừ cái gì”?

- Đã đến lúc QH, đại biểu QH phải có một cách thức, biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn như kiểm tra, giám sát sâu sát, đầy đủ hơn để hỗ trợ cơ quan hành pháp, tư pháp thanh trừng hiệu quả quốc nạn tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước. Không thể để như hiện nay - gần như bất lực, không thể ngăn chặn. QH phải thay mặt nhân dân chịu trách nhiệm đối với tài sản nhà nước, tài sản của toàn dân.

Cụ thể, ông kiến nghị gì ở QH để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng?

- Là cơ quan quyền lực cao nhất, QH có thể thành lập các đoàn kiểm tra đặc biệt để tìm hiểu sâu về cơ chế, chính sách, quản lý doanh nghiệp nhà nước và hiện trạng của nó. Qua đó, QH sẽ cùng Chính phủ đề ra các biện pháp tái cơ cấu, chấn chỉnh lại các tập đoàn, tổng công ty; đồng thời sửa đổi, bổ sung luật pháp để phù hợp với thực tiễn.

Nhiều vụ tiêu cực, có dấu hiệu tham nhũng được chuyển sang cơ quan điều tra nhưng số vụ bị khởi tố rất ít, phần lớn là xử lý hành chính?

- Có lẽ, đã đến lúc QH cũng phải có cơ quan phòng chống tham nhũng để tham gia kiểm soát, giám sát các cơ quan chức năng. Hiện nay, các hành động phòng chống tham nhũng bị chia cắt nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng

Ngày 21-10, trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra và công khai kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng.

Trong gần 3 năm qua, qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị thu hồi 485,5 tỉ đồng (đã thu được 139 tỉ đồng).

 Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng.
T.Dũng

Theo Thế Dũng

cucpth

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên