Chủ tịch nước: Hơn 300 tướng được phong hàm trong nhiệm kỳ
Cùng với Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, sáng ngày 22/3 Chủ tịch nước đã báo cáo tổng kết nhiệm kỳ trước Quốc hội.
- 22-03-2016Thiếu cơ chế để Chủ tịch nước thực hiện quyền
- 22-03-2016Chủ tịch nước, Thủ tướng nhìn lại nhiệm kỳ
- 18-03-2016Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH tại Kỳ họp thứ 11
- 06-03-2016Ai được tự ứng cử chức danh Chủ tịch nước?
Theo đó, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch và Phó chủ tịch nước đã nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban bí thư phân công, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, 5 năm đã đề nghị Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước cũng đã bổ nhiệm 6 phó thủ tướng, 25 bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, miễn nhiệm một phó thủ tướng (giữa nhiệm kỳ miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng với ông Nguyễn Thiện Nhân - PV) , một bộ trưởng (miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính với ông Vương Đình Huệ - PV) và Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam- PV).
Vẫn liên quan đến thẩm quyền về nhân sự, trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, với quyền thống lĩnh vực lượng vũ trang, trong 5 năm, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Tổng Cục Chính trị Quân đội Việt Nam; phong thăng hàm cấp tướng cho hơn 300 sĩ quan (gồm 194 sĩ quan quân đội và 119 sĩ quan công an), trong đó có 3 Thượng tướng được thăng lên hàm Đại tướng, 23 Trung tướng lên Thượng tướng, 55 Thiếu tướng lên Trung tướng, 211 Đại tá lên Thiếu tướng.
Ông Trương Tấn Sang khẳng định: “Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan tham mưu của Đảng, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thẩm tra và giải quyết kỹ lưỡng, thận trọng các trường hợp được đề nghị thăng hàm cấp tướng theo quy định của Đảng và Nhà nước”.
Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định cử 7 sỹ quan quân đội tham gia gia Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi.
Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực lập pháp, báo cáo nêu đã có 100 luật, 10 pháp lệnh, 21 nghị quyết của Quốc hội đã được Chủ tịch nước công bố, 198 điều ước quốc tế được Chủ tịch nước phê chuẩn trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch nước cũng cho biết ông đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tham mưu để Quốc hội và các cơ quan chức năng, nhân dân có thể kiểm tra, giám sát tình hình vay nợ nước ngoài, sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ, nhằm bảo đảm hiệu quả vốn vay và tính bền vững của nợ công, nợ quốc gia.
Trên cương vị là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước đã tham gia 52 buổi tiếp xúc cử tri với 16.154 lượt cử tri tham dự, theo thông tin từ báo cáo.
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã nhận trên 55.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Trong đó phần lớn là đơn thư liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.
Trong lĩnh vực hành pháp, Chủ tịch nước nêu rõ, ông luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Theo uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tham dự nhiều phiên họp thường kỳ của Chính phủ, có ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng.
Theo đó, tình hình mọi mặt của đất nước luôn được Chủ tịch nước thường xuyên quan tâm, theo dõi, đốc thúc với các ban, bộ, ngành, địa phương, từ việc xoá đói giảm nghèo, chiến lược biển, ứng phó biến đổi khí hậu đến cải cách tiền lương, tình hình Biển Đông, quan hệ của Việt Nam với một số người trên thế giới, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm….
Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng tổ chức khảo sát và hội thảo chuyên đề về quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống trong sinh viên, trong các trường phổ thông và giáo dục mầm non, thi đua khen thưởng trong các trường đại học.
Liên quan đến lĩnh vực tư pháp, trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã chỉ đạo sát sao công tác này, đốc thúc nhiều nội dung cụ thể như xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận quan tâm. Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng.
Chủ tịch nước báo cáo thêm, bản thân ông đã dành nhiều thời gian kiểm tra, nắm bắt tình hình công tác cải cách tư pháp tại địa phương, cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói, bản thân Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay.
Liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ cá nhân, Chủ tịch nước nhìn nhận hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân còn nhiều vướng mắc.
Hay, Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh nhà nước về ODA nhưng chưa rõ cơ chế để Chủ tịch nước có ý kiến về kế hoạch vốn vay ODA, việc quyết định danh mục dự án ODA hàng năm, công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay ODA..