MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội: "Hòa bình và an ninh đang bị đe doạ"

20-05-2014 - 10:28 AM | Xã hội

9g sáng nay (20-5), kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIII) khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội.

Trước đó vào lúc 7g15, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tuy nhiên kinh tế trong nước chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng khá.

Tuy vậy kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm, đang xuất hiện khó khăn mới, cần có giải pháp đồng bộ, sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nói cần đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2014.

Về lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện để tiếp tục thực hiện chủ trương này.

Chủ tịch Quốc hội nói tình hình ở biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép với tàu chiến và máy bay bảo vệ là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, đe dọa hòa bình và an ninh, đồng bào ta lo lắng và kiên quyét phản đối, cộng đồng quốc tế chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về tình hình biển đông, tinh thần là bằng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền với đường lối hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia

Tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho năm 2013 có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu xấp xi kế hoạch, 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP, tỷ lệ giảm hộ nghèo...

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay từ đầu năm 2014 Chính phủ đã có nghị quyết về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cho năm 2014, trong đó tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ bản giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến việc tạo đồng thuận xã hội trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Về quốc phòng an ninh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tiềm lực quốc phòng được tăng cường, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên quyết phản đối.

Về quốc phòng an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Tiềm lực quốc phòng an ninh được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; phối hợp tốt trong hợp tác quốc tế và khu vực về tìm kiếm cứu nạn. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được triển khai quyết liệt. Tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2013 trên cả 3 tiêu chí: số vụ giảm 13,4%; số người chết giảm 4,8%; số người bị thương giảm 16,2%.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường. Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia và tích cực triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực. Các chuyến thăm, làm việc cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước mang lại kết quả thiết thực. Tích cực đóng góp xây dựng cộng đồng ASEAN, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại Liên Hiệp quốc và các diễn đàn, tổ chức đa phương. Đẩy mạnh đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác, khối kinh tế.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã cực lực phản đối, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho biết, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm còn những mặt hạn chế. Vừa qua, một số người lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đã có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm; hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động; chưa chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước để tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại và đối phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng đầu năm, Chính phủ xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau: Tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng;Phát triển văn hóa, xã hội;Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí;Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp ở biển Đông, nhiệm vụ còn lại của năm 2014 rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao, đoàn kết một lòng, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng".

Những điểm chính trong kỳ họp Quốc hội

Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ thông qua các dự án luật gồm: Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật đầu tư công, Luật Hải quan (sửa đổi); Luật phá sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật xây dựng (sửa đổi); Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật công chứng (sửa đổi). Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét về nội dung thi hành khoản 2 điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam.

Các Nghị quyết trình Quốc hội thông qua gồm: Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (công ước và nghị định thư Cape Town).

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao nội dung "việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012".

Đáng chú ý là Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, chủ trương và giải pháp của Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan bộ ngành hữu quan cũng sẽ chuẩn bị các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, gồm: Báo cáo về việc triển khai, thi hành Hiến pháp 2013; báo cáo về việc ban hành văn bản quy định chỉ tiết, hướng dẫn thi hành đối với luật, pháp lệnh; báo cáo vệc thực hiện các nghị quyết về chất vấn; báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; báo cáo về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; báo cáo về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; báo cáo về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công...

Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ đượcbáo cáo tình hình tham gia của Việt Nam trong việc hình thành cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2015; báo cáo về kiểm tra, rà soát sở hữu chéo có tác động méo mó thị trường trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014...

Theo V.V. Thành

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên