MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội: “Tự do làm ăn là quyền dân chủ lớn nhất”

09-09-2014 - 15:06 PM | Xã hội

Quyền dân chủ lớn nhất của con người là tự do làm ăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trước khi các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), sáng 9/9.

Và các quy định về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân - người điều hành phiên thảo luận - nhấn mạnh là linh hồn của luật này.

Bên cạnh 11 nhóm ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh đã được quy định tại dự thảo luật mới nhất, Phó chủ tịch Kim Ngân cũng đề nghị các vị đại biểu xem xét còn ngành nghề nào cần đưa vào danh mục này và có nên quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngay trong luật hay không.

Nhắc lại nhận xét của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, rằng “pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu dày công để Luật Đầu tư (sửa đổi) mang tinh thần cải cách thực sự.

Theo ông, kết quả ngành nghề danh mục cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh mới chỉ là rà soát ở cấp ngành, chứ chưa rà soát ở địa phương.

“Địa phương các ông ấy cấm khắp mọi nơi đấy, ví dụ xi măng phải mua ở tỉnh tôi, uống bia phải uống trong tỉnh tôi. Đấy là hạn chế quyền tự do kinh doanh”, Chủ tịch nói.

Cho biết là rất kỳ vọng vào việc sửa hai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ông nhấn mạnh hai luật này là lõi của phát triển, Việt Nam có hội nhập được hay không, doanh nghiệp có cạnh tranh được hay không cũng phụ thuộc vào việc sửa hai luật này.

Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội nhắc đi nhắc lại rằng phải thật dày công sửa hai luật trên theo đúng tinh thần của Hiến pháp, nếu tại kỳ họp cuối năm nay chưa thông qua được như dự kiến ban đầu, thì cứ từ từ làm cho tốt. Nếu vội vàng thì lại lâm vào tình hình như Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã nói.

Đổi mới phải cẩn thận, không thể bước tập tễnh, đừng cải tiến ẩu, vội, kiên quyết làm cho được nhưng phải cẩn trọng, ông nói với các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, song các quy định liên quan đến “linh hồn”của luật còn khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Với ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, mục a khoản 1 điều 4 quy định cấm kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng, trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng.

Nhiều đại biểu cùng cho rằng, đã cấm là không trừ trường hợp nào, và nên chuyển ngành nghề này sang ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Quy định như vậy thì cơ quan nào được đặt hàng, đã cấm là không được làm, đã cấm còn trừ thì không nên, đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu.

Đại biểu Vinh cũng băn khoăn với quy định cấm kinh doanh mại dâm. Ở Việt Nam đã coi mại dâm là một nghề chưa mà cấm, nên thiết kế ở luật khác chứ nếu quy định thế này thì tức là đã ngang nhiên công nhận mại dâm là một nghề rồi, ông Vinh băn khoăn.

Đồng ý chuyển mục a khoản 1 điều 4 như đã nói trên sang danh mục kinh doanh có điều kiện, đại biểu Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng không nên đưa mua, bán người và các bộ phận cơ thể người vào danh mục cấm, vì đây là hành vi bị nghiêm cấm, không thể đặt vấn đề là ngành nghề kinh doanh.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch phân tích, hiện nay không có ngành nghề nào kinh doanh mà không có điều kiện cả và các luật chuyên ngành đã quy định hết. Vì thế đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở luật này thay các luật khác là bất khả thi mà phải rà lại ở luật chuyên ngành.

Luật này nên quy định các loại doanh nghiệp phải có giấy phép trước khi đăng ký kinh doanh, loại thứ hai là phải tiền kiểm trước khi kinh doanh và loại ba là tự do kinh doanh và chỉ hậu kiểm, ông Lịch góp ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng tranh luận. Ông nhấn mạnh đến tình trạng trong xây dựng luật, cơ quan soạn thảo thường bảo vệ cái sân của mình đến cùng, nên nếu nói sau này mới rà lại thì mỗi người một sân, sẽ rất khó. Và như thế thì “chỉ khổ dân và doanh nghiệp thôi”.

Theo quan điểm của Chủ tịch, Luật Đầu tư (sửa đổi) phải thay các luật chuyên ngành, vì thế đây là lúc Quốc hội cần làm trọng tài, phải rà hết các danh mục cấm và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các luật chuyên ngành. Ngành nghề gì đã cấm và cần có điều kiện mà thấy hợp lý đưa vào luật này, còn cấm và hạn chế vô lý thì bỏ đi.

"Ngoài luật này, không ai được quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện nữa", ông nhấn mạnh.

Cho rằng có thể mất nhiều thời gian nhưng theo Chủ tịch, đây là lúc cơ quan soạn thảo và Quốc hội phải tiếp tục rà soát để có thể đưa ra danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Ông nói: “Còn chờ các bộ các ngành cùng nhau rà soát để sửa thì tôi không tin, tôi làm chục năm trong Chính phủ, tôi biết rồi”.

Theo Nguyên Hà

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên