MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chưa ai nói được lãng phí bao nhiêu, ở đâu”

04-11-2015 - 11:49 AM | Xã hội

Báo cáo của Chính phủ khái quát là thực hành tiết kiệm chống lãng phí được tập trung chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực, có thực sự có sự tập trung chỉ đạo hay không và chuyển biến tích cực ở những điểm cụ thể nào?

Câu hỏi này được đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) đặt ra tại phiên thảo luận về ngân sách chiều 3/11 của Quốc hội.

Dẫn đánh giá tại dự thảo văn kiện Đại hội Đảng 12 là "tham nhũng và lãng phí vẫn còn nghiêm trọng", bà Tâm cho rằng các bản báo cáo cần nhất quán trong đánh giá cho đúng, sát với tình hình thực tiễn của đất nước.

Cử tri rất bất bình

Theo bà Tâm, cử tri rất bất bình trước tình trạng lãng phí trong điều hành ngân sách, nhưng đến nay vẫn chưa có một đánh giá nào mang tính chất toàn diện về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và cũng chưa có một cuộc bàn thảo nào cho đến nơi đến chốn về vấn đề này trong Quốc hội.

“Chúng ta nói tổ chức bộ máy cồng kềnh, chức năng trùng lắp, chồng chéo về nhiệm vụ... nhưng bộ máy cồng kềnh như vậy gây lãng phí bao nhiêu, chưa có đánh giá cụ thể. Chúng ta cứ nói lãng phí là một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng về cân đối ngân sách, nhưng nói là lãng phí bao nhiêu thì chưa ai nói được, và lãng phí ở đâu, như thế nào cũng chưa ai nói được”, bà Tâm phân tích.

Và vì không định hình rõ nên không có được những giải pháp khả thi, vì vậy tình hình lãng phí vẫn tiếp tục.

Vì vậy, nữ đại biểu “tha thiết đề nghị Quốc hội dành một phiên họp chuyên đề để nghe Chính phủ báo cáo quá trình kiểm tra, đánh giá của mình về vấn đề lãng phí, thực hành tiết kiệm trong thực tế “.

Và theo bà thì Quốc hội cũng phải xem lại xem các quyết sách của mình có chỗ nào sơ hở hay cần ban hành chính sách mới gì để có thể chống lãng phí.

“Lãng phí là tiêu tốn nguồn lực của người dân, dân đóng thuế nhưng chúng ta sử dụng lãng phí thì điều đó rất nguy hiểm”, bà Tâm nói.

Không thể đi vay để trả lương công chức

Như chúng tôi đã thông tin, tại báo cáo gửi đến các vị đại biểu trước thềm phiên thảo luận, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết Chính phủ đề xuất phương án tháng ba năm sau sẽ báo cáo Quốc hội về khả năng tăng lương công chức năm 2016 và lộ trình tăng lương 2017 trở về sau.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động cho rằng cố gắng làm sao giảm chi đến mức tối đa trong khu vực sự nghiệp để làm sao năm 2016 không tăng chi thường xuyên và bằng mọi cách triết giảm các chi không cần thiết như chi hội họp, lễ hội để tăng lương cho cán bộ công chức.

“Tôi đề nghị cố gắng làm sao nếu đầu năm không được thì phải nửa năm, phải tăng lương tối thiểu cũng phải 5%”, ông Tùng nói.

Đại biểu Tùng cũng đề nghị với Chính phủ phải có một lộ trình để làm sao thực hiện được điều 91 của Bộ luật Lao động (về mức lương tối thiểu - PV),  không để tình trạng doanh nghiệp thì thực hiện tăng lương còn cán bộ công chức lại không được tăng.

“Nếu như thế thì cán bộ công chức sống như thế nào? Mhư vậy sẽ đi đến tình trạng gây khó khăn cho nhân dân, gây khó khăn cho doanh nghiệp để rồi doanh nghiệp, nhân dân bôi trơn bộ máy này thì như thế không thể nào chấp nhận được”, ông Tùng nói.

Đồng thời đại biểu Tùng cũng kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội là “đề nghị với Chính phủ luật đã thông qua rồi phải thực hiện cho tốt”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng nâng lương cho những đối tượng có mức lương trên 2,34 là vấn đề cấp bách, cần thiết, nhưng ông cũng nhấn mạnh là cân đối ngân sách năm 2016 hết sức khó khăn.

“Chúng ta không thể tiếp tục đi vay để chi trả lương được. Vì vậy, tôi đồng ý với đề xuất của Chính phủ là giao cho Chính phủ xem xét tình hình thu chi ngân sách và sẽ báo cáo căn cứ vào khả năng thu như thế nào báo cáo tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 11, tháng 3 năm tới”, ông Thụ thể hiện chính kiến.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên